Những mó nước ’tự sôi’ khiến dân miệt sông được hưởng lộc

13:17, Thứ sáu 28/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Chuyện khó tin nhưng có thật về các mó nước tự sôi và có thể bốc cháy khi gặp lửa. Và từ hiện tượng này, nhiều câu chuyện huyền hoặc, mang màu sắc kỳ bí, ma quỷ ở mó nước được thêu dệt nên.

Khi chứng kiến những mó nước tự sôi ùng ục trong vùng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Quanh năm suốt tháng, chúng như mang trong mình nỗi giận hờn muôn kiếp. Từ trước đến nay, chưa ai giải thích thấu đáo về hiện tượng lạ lùng này. Và có một thực tế là người dân trong vùng bỗng dưng được “hưởng lộc” từ lòng đất.

Mó nước mang “hận” ngàn năm

Chuyện khó tin nhưng có thật về các mó nước tự sôi và có thể bốc cháy khi gặp lửa. Ngay cả chúng tôi, khi quyết định tìm hiểu về sự dị thường này cũng hết sức ngạc nhiên. Và bất ngờ hơn nữa, bởi từ hiện tượng này, nhiều câu chuyện huyền hoặc, mang màu sắc kỳ bí về sự xuất hiện của thần linh, ma quỷ ở mó nước được thêu dệt nên.

Chúng tôi tìm về xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, dò hỏi về hiện tượng mó nước kỳ lạ ngàn năm tự sôi thì được biết, trong vùng không chỉ một mà rất nhiều mó nước tương tự, nhưng ai cũng bảo rằng, mó nước “mẹ”, có từ đời cha ông cụ kỵ là chiếc ao nhỏ, nằm cạnh ngôi đền Thần Nông (xã Hòa Thạnh).

Dân làng gọi đây là hồ, nhưng chiếc hồ này chỉ rộng chừng 3m, đục ngầu, mùi hôi tanh nồng nặc. Đứng xung quanh, bằng mắt thường cũng đủ thấy dưới lớp bùn xen lẫn lá cây rũ mục, bọt nước sủi lên không ngớt.

Giữa miệng mó nước, các bọt khí sôi nhiều, với cường độ mạnh hơn. Nước sủi tăm, nước cuồn cuộn nhè nhẹ, giống như nồi cơm khổng lồ đang sôi. Lấy que thử cắm sâu vào giữa lòng mó nước, chúng tôi càng khuấy mạnh, tiếng nước sôi ùng ục tăng dần đều.

Trải qua hàng trăm năm, hiện nhiều mó nước vẫn sôi
Trải qua hàng trăm năm, hiện nhiều mó nước vẫn sôi

Điều kỳ lạ hơn nữa, theo những bước chân chuyển động của chúng tôi xung quanh mó nước, thì những bọt nước dị thường ấy như muốn phun trào.

Anh Nguyễn Văn Tư (32 tuổi), người có tuổi thơ gắn liền với mó nước cho biết, anh và đám bạn từ nhỏ đã ra mó nước này nghịch chơi. Ông cố anh kể lại rằng, trước kia mó nước này rộng, cột nước sủi bọt cũng lớn, ai nấy đều sợ, vì có “ngọn lửa” huyền bí gì dưới lòng đất.

Tuy nhiên, khi sờ tay xuống thì nước lại mát như nước giếng, từ đó trẻ con thường xuống tắm. Ông Lê Gia Định (64 tuổi), nhà nằm cạnh mó nước, nhớ lại: “Ngày nhỏ mó nước đó rất rộng, có khi đến mấy trăm mét vuông, sâu hun hút. Đám trẻ con chăn trâu, cắt cỏ như ông ngày nào cũng lén gia đình ra đây nghịch nước”.

Ông bảo, lúc ấy, các ụ nước sôi giữa mó nước cực kỳ mạnh và khủng khiếp. Giữa lòng, có một ụ nước nhìn giống như chiếc thùng phuy, sủi bọt nước phun trào hệt như đài phun nước ở các công viên nước bây giờ.

Ngày đó, với bản tính tò mò, ông đã đôi lần thử bơi ra giữa dòng, mon men đến ụ nước ấy. Nhưng thật lạ là, dù cố gắng ngụp lặn xuống, ông vẫn bị sức mạnh của ụ nước đang sôi đẩy lên mặt nước.

Có khi 3-4 đứa trẻ nghịch ngợm nắm chặt tay, dùng sức mạnh cố gắng đè lên, thử bịt kín miệng của ụ nước, nhưng cũng lần lượt bị đánh bật ngược lại.

Có lần tôi dùng cọc tre cắm sâu vào giữa ụ nước, thử đo độ nông sâu, nhưng cọc tre cắm xuống bao nhiêu cũng không vừa, nên chẳng ai đo được độ sâu của nó, cũng như nó xuất phát từ đâu.

Kiếm lợi từ mó nước “thiêng”

Dù sao thì vẫn chưa có một kết luận thấu đáo nào từ phía cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên một thực tế là người dân từng có thời gian sử dụng khí làm chất đốt, rất hiệu quả và an toàn.
Từ trước đến nay, chưa ai giải thích thấu đáo về hiện tượng lạ lùng này. Và có một thực tế là người dân trong vùng bỗng dưng được “hưởng lộc” từ lòng đất.

Cách đây khoảng 40 năm, khi mó nước chưa bị thu hẹp lại như bây giờ, ông Định ngày nào cũng chứng kiến cảnh mọi người nườm nượp từ khắp nơi kéo đến xem. Người ta xếp hàng dằng dặc, chen lấn quanh đền Thần Nông, không chỉ người trong tỉnh mà các tỉnh xa như An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng tìm đến.

Với người dân, mó nước này chính là “điều quá kỳ lạ”, chưa từng thấy bao giờ. Có người còn bảo, đây chính là dòng nước phun trào tựa như núi lửa mỗi đợt phun nham thạch. Tuy nhiên, khác núi lửa ở chỗ, nó chưa bao giờ nóng, nó cũng không sinh ra nham thạch từ lòng đất.

Không ai biết đó là hiện tượng gì, nên có người đến thăm, khi về kể những câu chuyện rằng, dưới lòng đất có thần linh, vì đứng cạnh đền Thần Nông, nên càng linh, cầu gì ứng nấy. Hoặc, nếu có bệnh gì cứ đến múc nước, ngửa cổ tu là có thể “giải” được bất kỳ bệnh tật gì.

Từ đó, những người bệnh tìm đến đây, họ lăn lê, múc nước từ chiếc ao mà đám trẻ vẫn hay cho trâu, bò lội xuống đằm, để uống. Không biết có ai “đuổi” được “tà” trong người hay không nhưng, một đồn mười, mười đồn trăm, làng này lan làng nọ, người người “vác” bệnh đến hồ “thỉnh Thần”.

Thấy vậy, có ông thầy lang kiêm cúng bái từ đâu mò đến, lập hẳn chiếc chòi “cứu nhân độ thế”, tính “kiếm ăn” ngay trên mó nước này.

Ông thầy này mấy ngày trời lễ lạt tươm tất, xì xụp khói nhang, miệng la hét khấn vái ngày đêm để tạ ơn trời đất cho mình được lấy nước “chữa bệnh”. Để có cơ sở tin cậy, ông này dùng lý lẽ cho rằng, mó nước bên cạnh đền thần Nông, bên trên là đền, nhưng bên dưới là nơi thần trú ngụ.

Trong quan niệm dân gian của vùng sông nước, Thần Nông chính là “thần hộ mệnh” giúp họ nuôi, trồng thắng lợi. Kỳ thực, độ ấy khi làm lễ xin trời đất, một thời dân tình tứ tán cũng tìm đến đây thắp nhang khói, cầu khấn.

Nhưng lạ là, các con bệnh dù có uống cả trăm lít nước, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, có khi còn trầm trọng hơn. “Hành nghề” được thời gian, “cứu nhân” đâu không thấy, có người uống nước đục về tiêu chảy sổ ruột.

Rồi một ngày, người thân của bệnh nhân này tìm đến, đánh ông này thập tử nhất sinh. Ngày hôm sau gã lang băm cắp tráp bỏ trốn bặt tăm, không khi nào thấy quay lại nữa.

Lời đồn lan dần, từ đó mó nước này cũng dần vắng bóng người dân hiếu kỳ tìm đến. Ông Lê Thành Lăng, một cao niên trong ấp Thành An, xã Hòa Thạnh, ngồi lai rai rượu với mấy người bạn, thấy khách tìm đến hỏi chuyện về mó nước, ông không ngần ngại kể vach vách tiểu sử về mó nước của làng.

Ông bảo, đến giờ cả mấy đời ông bà, cha mẹ đã thấy sự tồn tại của các mó nước biết sôi này rồi. Dẫn khách ra sau vườn, bên cạnh đầm lúa, ông bảo nhà mình cũng có mấy mó nước như thế. 

Quả thực là tôi cũng rất bất ngờ vì hiện tượng các mó nước lại mọc nhan nhản khắp nơi trong xã Hòa Thạnh. Vườn nhà ông Lăng chỗ nào có nước, y rằng chỗ đó xuất hiện các ụ nước sôi, tuy nhiên mức độ thì mỗi nơi một khác.

“Lộc” từ mó nước “thần kỳ”

Nơi vùng đầm lầy sông nước huyện Tam Bình, Long Hồ hay Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long đầy rẫy kênh rạch chằng chịt đã xuất hiện nhiều hơn những mó nước “thần kỳ”. Và cũng từ đây, người dân phát hiện ra một tác dụng đặc biệt mà nguồn lợi các mó nước đem lại.

Người đầu tiên phát hiện ra điều này là anh Nguyễn Ngọc Trung, xã Hòa Thạnh. Hơn 10 năm trước, anh cho máy khoan thăm dò tìm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, cũng bất ngờ khi nhìn thấy dưới miệng ống khoan ấy, khí ở dưới cứ đẩy nước thành từng luồng, tạo bong bóng phun trào.

Tình cờ điếu thuốc lá anh đang hút khi ghé sát miệng lỗ khoan thì phụt lên ngọn lửa xanh lè trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Từ đó, nhiều người thử mang lửa đến những miệng hố có ụ nước sủi bọt thử đốt xem sao thì bất cứ đâu cũng bốc cháy.

Đào hố trồng cây, chôn cột điện, đào giếng, khoan nước, chỉ cần đưa lửa đến bên miệng hố sâu thì có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Một số thầy giáo am hiểu hóa học trong vùng đến xem thì nhận định, đây có thể là khí mê tan, hoặc phốt pho, đồng dạng vơi khí gas mà chúng ta vẫn dùng để đun nấu thường ngày.

Trở lại câu chuyện khoan hố của anh Trung, biết hố sâu nhà mình có khí lạ bốc cháy, anh liền lấy một cái lu úp ngược đầu xuống miệng lỗ, ở đáy lu anh đục một lỗ nhỏ và gắn một ống nhựa dẫn khí dài khoảng 16m.

Sau nữa, anh làm thêm một bầu chứa bằng bọc nhựa, rồi nối ống câu thẳng vào bếp gas, gắn hai cái van khóa mở, rõ ràng khi bật bếp, lửa cháy như ga, ngọn lửa xanh, đều và rất ổn định.

Biết “lộc trời ban”, anh tiếp tục mua các ống sắt thép hàn nối, cho ra nhiều ống dẫn khí, cho nhiều bếp ga, nấu cơm, nấu nước, nấu rượu, nấu cám cho heo... Gia đình anh chính là hộ đầu tiên trong ấp Thạnh An tiên phong trong việc tận dụng nguồn khí tự nhiên để nấu nướng.

Thấy vậy, người dân lan truyền, người người làm bếp, nhà nhà làm bếp, lòng đất trong vùng bỗng nhiên trở thành “túi gas” khổng lồ. Tuy nhiên, do sử dụng ồ ạt, người ta tự phát đào bới thăm dò, khắp nơi, chỉ được thời gian sau đó thì nguồn khí yếu dần, không đủ lớn để tạo thành ngọn lửa được nữa.  

Nhiều người nhận định rằng, dưới lòng đất trước kia từng có cây mùn (có thể là rừng cây) bị chôn mục đi, lớp mùn này sản sinh ra khí mê tan, do bề mặt bao phủ mỏng nên lớp khí đã len từ lòng đất đẩy lên, tạo thành các lỗ khí, có hiện tượng sôi, trong đó ao hồ, đầm lầy bề mặt mỏng hơn nên khí thoát ra nhiều hơn.

Dù sao thì vẫn chưa có một kết luận thấu đáo nào từ phía cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên một thực tế là người dân từng có thời gian sử dụng khí làm chất đốt, rất hiệu quả và an toàn. Nếu có công trình nghiên cứu ứng dụng thực tế thì nguồn lợi đem lại cho người dân sở tại là không nhỏ.

Qua trao đổi với phòng tài nguyên Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Long, được biết, sở dĩ hiện tượng các mó nước phát ra tiếng kêu ùng ục, phun trào bong bóng khí có thể do vùng đất Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn…nằm trong lòng đất có trầm tích lâu đời.

Khí “lạ” mà người dân đã sử dụng là khí mêtan. Một giải thích nữa thuyết phục hơn là hiện tượng các mó nước sôi ục ục là do chịu tác dụng giãn nở của khí nên bị phun trào ra khỏi mặt đất.

Dưới lòng đất, nước ngầm không ngừng tiếp xúc với lớp nham thạch nóng chảy, nhiệt độ nước không ngừng gia tăng. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bong bóng khí và nhiệt lượng hình thành bên dưới không thoát ra được.

Các bong bóng khí ấy ngày càng tích nhiều dần, áp lực ngày càng lớn. Khi áp lực đạt đến một ngưỡng nhất định, nước suối lại tiếp tục phun trào.

  • Uyên Uyên

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc