Những ngư phủ lặn tìm xác người trên dòng Hương Giang

06:11, Thứ ba 31/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Lần vớt xác “khó quên” trong đời của ông và hai người em Nguyễn Văn Sết, Nguyễn Văn Nết đó là vụ hì hục cả ngày trời tìm xác người trong vụ sập cầu Kho Rèn trên sông An Cựu, TP.Huế vào năm 1988.

Hàng trăm người hiếu kỳ tìm đến đứng xem khiến giao thông tắc nghẽn. Cây cầu quá cũ kỹ nay phải gồng gánh quá nhiều nhiều qua năm tháng bất ngờ đổ sụp xuống sông trong buổi sáng định mệnh hôm ấy, nhấn chìm hàng chục người dưới dòng nước lạnh lẽo, dưới các tấm bê tông mục nát.
[links()]
Ba anh em Chí, Sết, Nết ở thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế sinh ra và lớn lên trên con nước đục ngầu của sông Hương. Cuộc sống vất vả, họ sớm lăn lộn kiếm kế mưu sinh từ miệng Hà Bá.

Có biệt tài bơi lặn giỏi, người dân quanh vùng xem họ như những con Rái Cá nhanh nhạy. Chẳng biết duyên nợ từ kiếp trước hay lương tâm lên tiếng, ba anh em ngư phủ này thường xuyên gặp người chết đuối và lặn tìm xác người chết trên sông.

Họ coi đó là cái nghiệp của mình được truyền nối từ thế hệ cha ông. Những câu chuyện họ kể về những lần mò tìm xác chết trôi nổi dưới đáy sông thật rùng rợn và đằng sau đó là tấm lòng hiệp nghĩa của những ngư phủ.

Đánh vật với Hà Bá, vớt xác người gặp nạn

Ông Nguyễn Văn Chí trên con đò vừa để mưu sinh vừa là phương tiện dùng để “lặn” ma
Ông Nguyễn Văn Chí trên con đò vừa để mưu sinh vừa là phương tiện dùng để “lặn” ma

“Lặn” ma, hai từ nghe lạ tai với những người bình thường nhưng đối với các ngư phủ năm tháng lênh đênh trên con nước, đối diện với bao nguy hiểm thường trực, chuyện này đã trở nên quá quen thuộc.

Ở đâu có tin báo người chết chìm trên sông, họ chẳng quản ngại gian khó, treo lưới, gác chèo tìm đến quăng mình xuống nước, lặn mò hàng giờ liền để tìm xác người. Trên sông Hương xứ Huế có một gia đình ngư dân với bốn thế hệ nổi tiếng bao đời nay bằng cái nghề gọi là “lặn” ma này.

Dưới trời mưa lâm thâm, chúng tôi tìm hỏi đường về nhà ba anh em Chí, Sết, Nết ở thôn Lại Tân, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết, vui vẻ dẫn lối.

Trong căn nhà tái định cư mới vừa xây dựng dành cho dân vạn đò, người anh cả Nguyễn Văn Chí kể về cơ duyên đến với nghề “lặn” ma của gia đình dòng họ. Ông Chí bảo: “từ thời ông nội đến thời bố mình cũng thường không ngại nguy hiểm sông nước lặn tìm xác người bị nạn.

Thân nhân họ nhờ vả, mình không làm không được, lâu dần thành quen. Có chút tiếng tăm, nghe đâu có người chết đuối, chết sông, người ta lại chạy đến gọi nhờ mình cứu giúp”.

Sinh sống lâu năm trên dòng Hương Giang, mưu sinh vất vả nhọc nhằn bằng những lần đánh vật với con nước nên ngay từ thuở nhỏ, bố ông Chí là cụ Nguyễn Văn Hoan đã có biệt tài bơi lội giỏi. Đủ sức bơi lội cả ngày dưới nước, nhanh nhẹn chẳng khác gì con Rái Cá.

Từ những lần phụ giúp người cha già chèo thuyền vớt xác người bị nạn, chẳng biết duyên nghiệp vận vào đời ba anh em họ Nguyễn tự lúc nào không rõ.

Ông Chí nói từ năm 16 tuổi đến nay đã ngoài 60 tuổi, ông và hai người em trai đã hàng trăm lần cứu vớt xác người người chết và cũng hàng trăm lần đối diện với bao nguy hiểm chết người.

Đôi mắt lão ngư già thoáng chút trầm ngâm, hướng nhìn ra phía con sông chảy trước nhà hồi tưởng chuyện cứu người.

Theo lời kể của ông, lần vớt xác “khó quên” trong đời của ông và hai người em Nguyễn Văn Sết, Nguyễn Văn Nết đó là vụ hì hục cả ngày trời tìm xác người trong vụ sập cầu Kho Rèn trên sông An Cựu, TP.Huế vào năm 1988.

Ông Chí kể, buổi sáng sớm hôm ấy, người đi đường phát hiện một thi thể chết trôi dạt vào bờ, ngay sau đó công an đến khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi ngay trên cầu Kho Rèn.

Hàng trăm người hiếu kỳ tìm đến đứng xem khiến giao thông tắc nghẽn. Cây cầu quá cũ kỹ nay phải gồng gánh quá nhiều nhiều qua năm tháng bất ngờ đổ sụp xuống sông trong buổi sáng định mệnh hôm ấy, nhấn chìm hàng chục người dưới dòng nước lạnh lẽo, dưới các tấm bê tông mục nát.

Lực lượng cứu hộ cùng nhiều tàu thuyền quần nát dòng sông để cứu vớt xác người bị nạn. Nhưng nhiều người quá cứu vớt không hết, chỉ chực chờ cho thi thể người bị nạn trương phình lên và nổi lềnh bềnh mặt nước.

Trưởng Công an thành phố Huế lúc bấy giờ phải cho người cầu cứu đến ba anh em ông Chí, Sết, Nết. Ba ông nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lặn tìm từ 10 giờ đêm đến mãi tới 2 giờ sáng vớt lên được 40 người.

Ông Sết kể lại “đó là một vụ tai nạn kinh hoàng và đau thương nhất mà chúng tôi chứng kiến. Nhìn cảnh trên bờ người khóc than, mọi con mắt hướng về dòng sông mong mỏi chúng tôi tìm kiếm, ai nấy cũng cố gắng quyết tâm phải vớt bằng hết xác người chết”.

Mệt, đói, lạnh lẽo càng khiến cuộc mò tìm khó khăn hơn gấp bội lần. Thỉnh thoảng các ông lại “trồi” lên khỏi mặt nước lấy hơi, uống vài chén nước… mắm cho đỡ lạnh.

Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông Chí tiếp tục kể chuyện. Một lần khác, sau cơn bão đổ bộ vào đất liền năm 1999, ba anh em ông được người dân địa phương thuê lặn vớt tôn, sắt thép bị cuốn trôi dưới chân cầu Thuận An.

Dưới cái rét lạnh như cứa vào da thịt, trong lúc đang gồng mình lôi từng cuộn sắt thép lên bờ thì ông Sết đụng phải vật thể gì đó lạ lùng. Lúc đầu ông nghĩ chắc đó là xác động vật bị chết trôi năm chìm dưới đống đổ nát.

Nhưng khi mò xuống sâu chút nữa, ông lạnh toát xương sống khi linh tính cho biết rằng biết đó là xác người bị chết đã lâu ngày, cái xác đang trong giai đoạn phân hủy. Vừa “ngoi” đầu lên khỏi mặt nước, ông Chí vội vàng hô hoán mọi người đang ở gần đó tới phụ giúp ông vớt xác người bị nạn.

Nhưng chẳng ai đáp lại lời ông vì họ đang lo công việc dọn dẹp đồ đạc sau bão của mình. Biết không thể làm ngơ, mấy anh em ông Chí vội lặn xuống đào bới, vật lộn trong đống sắt thép, cây gỗ cả tiếng đồng hồ mới lôi được xác lên.

Nhưng khổ nỗi xác người chết lâu ngày bị đè dưới nước lâu nên thi thể phồng căng như cái trống. Do không có thân nhân người bị nạn đến tìm, ba ông đành bỏ tiền túi ra mua đồ vàng mã, hoa quả về khâm liệm và cúng bái cho vong hồn người xấu số.

Nhớ lại lần ấy, ông Nguyễn Văn Nết trầm ngâm: “sau khi vớt được xác lên, anh em ai cũng vui mừng nhưng cái đáng sợ là mùi tử khí nặng quá, áo quần rách nát từng mảng dính vào người.

Cảm giác rờn rợn khi đụng vào thi thể phân hủy cả đời cũng khó quên. Với người bình thường đặt vào hoàn cảnh vậy, bị mất ăn mất ngủ là chuyện thường tình”.

Có lẽ đáng nhớ hơn cả đối với anh em ông Chí trong cuộc đời vớt xác của mình là vụ tai nạn chìm thuyền xảy ra ngày 5/8/2003 trên dòng sông Hương trong lễ hội điện Hòn Chén. Con đò chở khách quá tải, tàu không được trang bị áo phao nên đã bị lật, chìm nghỉm dưới làn nước lạnh của sông Hương.

Khu vực xảy ra tai nạn nước sâu, bên dưới có nhiều gành đá, nhiều hang hốc. Cùng với đó là ở khúc sông này trong mùa lễ hội tàu, thuyền của người dân và các chủ tàu đi lại rất đông nên màu nước trong xanh trở thành cáu đục.

Trong dòng nước lạnh lẽo ấy, anh em ông Chí phân công từng người nắm tay nhau dàn hàng ngang dưới nước để lặn mò theo từng lối dưới đáy sông.

"Mùi bùn sộc thẳng vào mũi tưởng một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng, như có ai dùng tay ngăn công việc mình lại, đầu óc đau nhức như búa bổ” – ông Nguyễn Văn Sết ngồi bên cạnh góp chuyện trong hồi ức già nua của mình.

Lặn vớt xác nhiều năm tạo thành thói quen, họ linh tính những vùng nước sẽ có xác người bị chết đuối. Lặn liên tục từ 8 giờ tối đến gần rạng sáng, sau hàng giờ ngâm mình dưới làn nước lạnh buốt, ba anh em ông Sết mệt đứt hơi khi cứu được bốn nạn nhân cuối cùng lên bờ.

Chúng tôi hỏi ba anh em ngư phủ già, trong cả cuộc đời vớt xác cứu vớt người chết đầy hiệp nghĩa của mình, có khi nào các ông bỏ cuộc trước khó khăn, thách thức của Hà Bá chưa?

Ông Sết ngậm ngùi nhớ lại, đó là vào ngày 28 Tết năm 2010, khi hai vợ chồng ông đang trên đường chèo đò qua gần cầu Bình Điền. Lúc ấy trời nhập nhoạng tối, có tiếng người gọi í ới đằng xa.

Tiến lại gần, ông Sết thấy có người phụ nữ đang chèo thuyền một mình kêu cứu, nhờ vớt xác người vừa mới bị chìm xuống sông. “Chỗ người bị nạn nước sâu lại chảy xiết dữ, con nước ầm ầm hung hãn như muốn nuốt chửng cả người và thuyền.

Trời đêm tối, giữa bến bề hoang vắng, cây cối um tùm nên công việc càng khó khăn hơn nhiều. “Ngoi” lên mặt nước lấy hơi rồi tiếp tục chìm vào mặt nước mãi từ 4 giờ sáng đến 1 giờ chiều mà không được gì.

Những tưởng cái xác chết biến mất theo con nước, trôi dạt về phía hạ nguồn. Lúc đó mình định bỏ cuộc, cùng vợ chèo đò ra về, nhưng cứ nhìn thấy vẻ mặt thất thần đầy khẩn khoản, van xin, nài nỉ của người đàn bà có thân nhân gặp nạn thì không cam lòng, nhưng lúc đó đã bất lực” – ông Sết kể.

Đến sáng ngày mồng 1 Tết, xác thanh niên mới trương phình và nổi lên khỏi mặt nước, được gia đình đưa về an táng. Cách đó ít lâu gia đình này có nhờ ông đến chỗ con mình tử nạn cúng Thần sông và vong hồn.

Họ có mua quà và dấm dúi đưa tiền hậu tạ công ơn nhưng ông Sết cùng vợ nhất quyết từ chối trả lui. Ông khẳng khái:

“cùng là dân vạn đò, sống trên sông nước với nhau mình nỡ lòng nào lấy đồng tiền mồ hôi nước mắt họ khó nhọc kiếm được. Gia đình có người chết là đau thương quá lớn rồi. Mình làm ơn làm phúc cho con cháu mai sau nữa”.   

Trong cuộc đời lặn sông vớt xác chết, mấy anh em ông đã chứng kiến hàng trăm vụ tử nạn, lặn vớt hàng trăm tử thi và đối diện với nhiều cái chết thương tâm.

Ông Nết nói rằng ở Huế có nhiều sông suối, ao hồ, những con sông như: Sông Hương, sông An Cựu, sông Như Ý, phá Tam Giang…bình thường rất hiền hòa và thơ mộng; nhưng mùa bão lũ, nước con sông dâng cao và chảy xiết, nước đục sôi màu giận dữ đã cướp đi sinh mạng bao người.

Còn các cây cầu như: cầu Tràng Tiền, cầu An Cựu, cầu Phú Xuân…bỗng dưng trở thành nơi cho những kẻ chán đời kết thúc mạng sống của mình.

Những lần ấy 3 anh em của ông lại ra tay nghĩa hiệp. Có một điều ước nhỏ nhoi mà bao lâu nay ba anh em ông Chí, Sết, Nết luôn canh cánh trong lòng là không ai muốn nhìn thấy cảnh người chết trên sông nữa.

Bởi công việc vớt xác người chết là không có ai muốn và không phải ai cũng đủ can đảm để làm được.

(Kỳ II: Những ngư phủ lặn tìm xác người trên dòng Hương Giang )

  • Kiến Giang
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc