Những “ông Tây” làm đạo chích và chiêu chẻ tiền điêu luyện

14:52, Thứ sáu 20/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Vài năm trở lại đây, một số đối tượng là người nước ngoài liên tục xuất hiện trên các địa bàn gần TP. HCM để trộm cắp tiền của người dân.

(Phunutoday) - Vài năm trở lại đây, một số đối tượng là người nước ngoài liên tục xuất hiện trên các địa bàn gần TP. HCM để trộm cắp tiền của người dân. Nhiều tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng là nơi được bọn đạo chích “quan tâm” đặc biệt. Nhiều người tin tưởng vào cái mác ngoại kiều nên đã bị mất tiền một cách lãng xẹt…


Các đối tượng này ăn mặc bảnh bao, khi thì đi xe hơi đời mới, lúc thì đi xe tay ga đắt tiền la cà khắp các hang cùng ngõ hẻm thôn quê để “săn mồi”. Họ lợi dụng sự cả tin của người dân nông thôn để giở trò chôm chỉa giữa ban ngày nhưng nạn nhân lại không hề hay biết.
Thuê ô tô đi… trộm

Vợ chồng chị Đào Thị Thùy Dung (ấp Năm Châu, xã Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) thu nhập bằng nghề xay xát lúa gạo gia công cho thương lái hàng xáo. Gia đình chị còn buôn bán gạo tại chỗ nên thu nhập khá ổn định. Theo lời chị Dung, trưa 11.10.2008 có 1 xe ôtô 4 chỗ màu trắng dừng lại trước của nhà máy của chị. Hai đối tượng người nước ngoài ăn mặc sang trọng xuống xe, đi vào nhà máy. Họ ra dấu hỏi mua 5 cái bao (loại đựng gạo) và đưa tờ tiền Việt Nam loại 50.000 đồng cho chị.

 Một người lấy từ trong bóp ra đưa cho chị tờ tiền Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng và nói bằng giọng trọ trẹ “Cho đổi tiền”. Khi mở bóp, họ còn cố ý để lộ ra xấp tiền 100 USD dày cộm bên trong. Chị Dung cầm tờ tiền 200.000 đồng đi vào phòng ngủ mở tủ lấy giỏ tiền ra để đổi thì một đối tượng đã đi đến ngay phía sau chị, giật lấy giỏ tiền và cầm lấy xấp tiền 10 triệu đồng (loại 100.000 đồng/tờ), tháo dây thun mà chị đang ràng xấp tiền ra rồi xòe trên gường ngủ của chị để lựa chọn.

Anh Phạm Tấn Công, chồng chị Dung bước vào thì đối tượng còn lại cũng đi theo. Cả hai tên này cứ làm ra vẻ không phân biệt được đâu là tiền giả, đâu là tiền thật, không biết giá trị của tiền Việt Nam. Chúng cứ xào lên, xáo xuống như người ta xáo bài, lúc thì ra dấu là tìm tiền có ký hiệu chữ V, lúc lại chữ O trên dãy số sê ri... Thấy bọn này hành tung kỳ quặc nên chị Dung giật lại tiền, đem đi cất. Hai đối tượng cũng nhanh chân vọt ra xe ô tô chạy mất.

Nghi ngờ, chị Dung kiểm tra lại thì phát hiện bị mất 6 triệu đồng. Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát 113 đã thông báo cho lực lượng CSGT Công an TX Gò Công về đặc điểm đối tượng và phương tiện, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra nếu phát hiện đối tượng nghi vấn. Đến 16h30’ ngày 13.10, lực lượng CSGT công an TX Gò Công phát hiện và dừng kiểm tra xe ôtô 52F-3581 do một đối tượng người nước ngoài điều khiển chở hai đối tượng người nước ngoài khác đang lưu thông trên địa bàn. Người và phương tiện được đưa về Đội CSGT công an TX Gò Công để điều tra làm rõ.
Các đối tượng “chẻ tiền” bị bắt quả tang ở Bến Lức, Long An
Các đối tượng “chẻ tiền” bị bắt quả tang ở Bến Lức, Long An

Qua nhận dạng, vợ chồng chị Dung xác định được đối tượng tên Yazgan Ragip (Quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ) là một trong hai người đã lợi dụng sơ hở của vợ chồng chị để trộm tiền. Hai người còn lại (một quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc tịch I Ran) và chiếc xe ô tô mà CSGT Công an TX Gò Công đang tạm giữ ngày 13.10 được vợ chồng chị Dung xác định không phải là phương tiện và người trong nhóm đạo chích.

Giả “mù” tiếng Anh để qua mặt điều tra viên

Tuy nhiên, các điều tra viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH  công an tỉnh Tiền Giang đã gặp khó khăn khi các đối tượng này không chịu sử dụng tiếng Anh. Thượng úy Nguyễn Thanh Phong - điều tra viên cho biết, khi hỏi tên tuổi, quê quán hoặc những câu hỏi đơn giản thì các đối tượng này trả lời được. Nhưng bước vào điều tra thì cả bọn chỉ ấm ớ như không hiểu, cũng không thể trả lời. Càng hỏi, các đối tượng càng ú ớ và chỉ biết vò đầu bứt tai thay cho câu trả lời. Theo Cơ quan điều tra, việc tên Yazgan Ragip không thạo tiếng Anh và không làm việc được bằng ngôn ngữ này đã gây khó khăn cho việc điều tra làm rõ vụ trộm tài sản của chị Dung vào ngày 11.10.2008.

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng này chỉ khai nhận họ đến Việt Nam với mục đích du lịch. Từ ngày 7.10, họ thuê xe ôtô 52F-3581 của công ty Xuất nhập khẩu – Thương mại Tây Nguyên (1/11 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP. HCM) với giá 55USD/ ngày để đi tham quan. Ngoài ra họ không biết và không có hành vi gì vi phạm pháp luật Việt Nam cả. Ngoài kết quả nhận dạng của chị Dung và anh Công thì không có tài liệu gì khác chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.

Theo Cơ quan điều tra, hiện giấy tờ tùy thân của những đối tượng này vẫn đang bị tạm giữ. Riêng các đối tượng này được cho tại ngoại nhưng vẫn phải ở tạm tại một khách sạn trên địa bàn Tiền Giang, chờ điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành mời đại diện công ty cho thuê xe làm việc để có hướng xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, phía công ty cũng cho biết họ chỉ là người cho thuê xe, hoạt động đúng pháp luật. Còn việc các đối tượng thuê xe để đi gây án, công ty không thể quản lý được.

Trước thời điểm nhóm Yazgan Ragip bị công an Tiền Giang tạm giữ, một ngôi chùa ở huyện Bến Lức (Long An) cũng bị các đối tượng người nước ngoài “viếng thăm”. Các đối tượng này đã vào chùa Phước Thiện ở thị trấn Bến Lức, đưa tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng nhờ nhà chùa đổi tiền lẻ để “cúng dường”. Thấy các vị khách ngoại quốc thành tâm kính phật, trụ trì chùa đã cầm tờ giấy bạc này vào phòng trong mở tủ để lấy tiền đổi.

 Lúc này, một đối tượng kè sát sau lưng trụ trì để theo dõi. Tuy nhiên, số tiền trong tủ của nhà chùa không đủ để đổi nên nhà sư ra dấu sẽ qua cửa hiệu bên đường để đổi giùm. Lúc này, có lẽ phát hiện “chùa nghèo” không thể kiếm chác nên các đối tượng này giật lại tờ giấy bạc trên tay nhà sư rồi lên xe vọt mất. Trong khi đó, một số chùa khác ở địa bàn Long An, Tiền Giang không được may mắn như trên khi bị những “ông Tây” này lấy tiền ngay trước mắt mà nhà chùa không kịp phát hiện.
“Xem” tiền giả, rút tiền thật

Chiều 15.9.2008, lại có thêm hai người nước ngoài bị Công an xã Bình Đông (Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) phát hiện và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Hai đối tượng này đã có hành vi trộm cắp tài sản tại cây xăng Phú Đức (ấp Sơn Qui B, xã Tân Trung, TX Gò Công, Tiền Giang), bị người của cây xăng truy đuổi đồng thời báo công an bắt giữ. Không “chơi sang” kiểu thuê ô tô để đi trộm như “đồng nghiệp” người Thổ Nhĩ Kỳ Yazgan Ragip mà chúng tôi đã kể, hai đối tượng này thuê xe tay ga hiệu Nouvo để làm phương tiện gây án.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai tên là Nergiz Bayram (quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ) và Paimagen Hassani Doost (quốc tịch I Ran). Theo hồ sơ, lúc 18h ngày 15.9, Doost và Bayram điều khiển xe đến cây xăng Phú Đức, nói bằng tiếng nước ngoài đồng thời ra dấu hỏi anh Nguyễn Hoàng Quốc Chinh (nhân viên của cây xăng) mua một bình nhớt Mobil 4T (loại 1lít). Anh Chinh ra dấu 50.000 đồng thì cả hai tên gật đầu “OK”. Bayram lấy từ trong bóp ra đưa cho anh Chinh tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng tiền Việt Nam, ra dấu yêu cầu anh Chinh thối lại tiền. Đối tượng này khi mở bóp cũng cố ý để lộ cả xấp đô la dày cộp.

Khi anh Chinh đi vào căn nhà phía sau các trụ bơm xăng mở tủ tiền để lấy tiền thối lại thì cả Doost và Bayram cũng đi theo phía sau. Nhận tiền thối xong, bất ngờ Bayram chụp lấy xấp tiền anh Chinh đang cầm, xòe ra xem. Các đối tượng này cũng giở “chiêu” không biết phân biệt đâu là tiền giả, đâu là tiền thật, cứ liên tục chỉ trỏ các ký hiệu trên sê ri ròi đưa ra ánh sáng để xem vân chìm, vân nổi.... “Xem” tiền xong, Doost và Bayram trả lại anh Chinh rồi phóng lên xe rồ ga chạy biến về hướng phà Mỹ Lợi hòng chạy qua Long An mà không thèm lấy bình nhớt.

Ngay sau đó, do nghi ngờ nên anh Chinh kiểm tra lại xấp tiền thì phát hiện các tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng biến mất. Anh Chinh báo lại cho chủ cây xăng sự việc rồi dùng xe gắn máy chở anh Nguyễn Văn Thanh chạy về hướng phà Mỹ Lợi tìm Doost và Bayram. Khi xe đến đoạn đường thuộc ấp Bình Đông (cách phà Mỹ Lợi chừng 2km), phát hiện Doost và Bayram nên Chinh cho xe vượt qua mặt một đoạn rồi dừng xe, chặn đường. Thanh xuống xe, tay cầm cây ra đứng giữa lộ ra hiệu yêu cầu Doost và Bayram dừng xe lại. Doost chẳng những không giảm tốc độ mà còn lao xe thẳng về phía anh Thanh.

Bỏ mặc Thanh té ngã, bị thương, Doost tiếp tục rú ga chạy về hướng phà Mỹ Lợi hòng qua địa bàn Long An rồi tẩu thoát về TP. HCM. Thanh gượng dậy, leo lên xe để Chinh tiếp tục đuổi theo. Khi đến phà Mỹ Lợi thì Doost và Bayram đã bị công an xã Bình Đông bắt giữ người cùng phương tiện. Ngay lập tức, Bayram lấy 1,2 triệu đồng tiền Việt Nam đang giấu trong người vứt ra phía ngoài. Người dân ở bến phà đã nhặt và giao nộp toàn bộ cho cơ quan công an.

Theo con dấu đóng trên hộ chiếu, Doost nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 9.9.2008. Bốn ngày sau (13.9.2008), Bayram nhập cảnh vào Việt Nam. Do quen biết nhau từ trước nên ngày 15.9 Doost thuê xe Nouvo biển số 52F2-6498 chở Bayram từ TP. Hồ Chí Minh xuống khu vực TX Gò Công để “làm ăn”, rồi bị bắt giữ.

Tại Cơ quan điều tra, Doost khai nhận: Đây là lần thứ 3 Doost đến Việt Nam. Sáng 15.9, Doost và Bayram thuê 1 xe mo tô đi từ TP. HCM về hướng TX Gò Công chơi. Trên đường đi, Doost cho rằng xe “đang có vấn đề” nên cần phải mua nhớt thay để xe hoạt động tốt hơn. Với ý nghĩ trên Doost và Bayram đến cây xăng Phú Đức mua nhớt.
Ông Tư Ngự diễn tả lại cách “chẻ tiền” của bọn đạo chích
Ông Tư Ngự diễn tả lại cách “chẻ tiền” của bọn đạo chích

Tuy nhiên, khi thanh toán tiền thì Bayram đã đưa cho anh Chinh tờ ngoại tệ mệnh giá 50USD, anh Chinh lấy 1,2 triệu tiền Việt Nam “thối” lại cho Bayram(!). Do tại cửa hàng xăng dầu Phú Đức không có người thay nhớt nên Doost nói (bằng tiếng nước ngoài) và ra hiệu cho anh Chinh biết là họ để bình nhớt lại tại đây để đi tìm thợ sửa xe, sau đó sẽ quay lại thay nhớt. Khoảng 10 phút sau khi Doost đang điều khiển xe chở Bayram trên đường đi tìm thợ thì phát hiện anh Chinh và Thanh đuổi theo. Doost thấy anh Thanh cầm khúc cây và ra hiệu dừng xe lại nhưng do lo sợ nên Doost đã điều khiển xe chở Bayram chạy thẳng về phía anh Thanh làm anh Thanh té ngã.  Cả hai bỏ chạy về đến phà Mỹ Lợi thì bị bắt.

Bayram cho rằng những người đuổi theo mình có lẽ vì lý do tiền nên khi bị bắt anh ta đã ném lại số tiền 1.200.000 đồng và 50USD với suy nghĩ đây là hành động trả tiền lại cho anh Chinh và Thanh. Ngay sau khi Doost và Bayram bị bắt giữ, anh Nguyễn Văn Lực (nhân viên cây xăng Hiệp Lực, đường Nguyễn Thị Thập, phường 6, TP. Mỹ Tho) cũng đến Cơ quan điều tra trình báo vụ việc. Anh Lực trình bày vào khoảng 10 giờ ngày 20.8.2008 trong lúc anh đang ở cây xăng thì hai đối tượng người nước ngoài điều khiển xe môtô tay ga Nouvo chạy đến. 

Một đối tượng đi vào ra dấu và hỏi mua bình nhớt. Anh Lực ra dấu 39.000 đồng, đối tượng này “OK” và đưa anh tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng rồi yêu cầu anh thối tiền. Khi anh Lực đi về phía tủ để tiền thì đối tượng bám theo sau đồng thời chỉ về phía tủ đựng tiền nhiều lần.

Cảnh giác, anh Lực ra dấu yêu cầu đối tượng này đi ra ngoài nhưng đối tượng không đi. Anh Lực bèn kéo áo đối tượng và gọi báo công an thì đối tượng bỏ chạy ra xe, bỏ cả bình nhớt lẫn 500.000 đồng. Anh Lực đã nhận dạng và xác định Doost là người đã trực tiếp vào cây xăng hỏi mua nhớt như anh đã trình bày. Riêng đối tượng đi chung với Doost anh Lực không nhận dạng được vì đối tượng này mặt áo khoác, đội mũ bảo hiểm và ngồi ngoài xe.

Trước đó, ngày 19.8, tại Long An, hai đạo chích ngoại cũng được thả ra vì Cơ quan điều tra không đủ bằng chứng kết luận họ phạm tội. Các đối tượng này đã ghé các cửa hàng trên tuyen quốc lộ 1A (đoạn đi ngang xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) dùng chiêu mua hàng rồi đưa tiền mệnh giá lớn để chủ tiệm thối lại. Lợi dụng chủ tiệm bận rộn chuyện trả lại tiền, họ ra tay “chôm” những món hàng đã canh sẵn, kể cả tiền của chủ tiệm. Mấy ngày sau, lại có hai đối tượng người I Ran đi xe tay ga SH ăn mặc sang trọng ghé một cửa hàng gạo ở huyện Cai Lậy để hỏi mua gạo. Hai tên này cũng lấy tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng cho chủ tiệm thối lại. Sau đó, họ chụp xấp tiền của chủ tiệm rồi xào chẻ tới lui, tìm hết tờ này đến tờ khác vì sợ tiền giả. Kết quả, khi họ ra khỏi tiệm chủ cửa hàng phát hiện xấp tiền đã “bốc hơi” hết 10 triệu đồng.

Đi đêm có ngày gặp ma

Vài năm trở lại đây, nhiều đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là I Ran và Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đã áp dụng chiêu “đổi tiền lẻ” này để lừa tiền những người cả tin.

Năm 2006, ở thị xã Gò Công (Tiền Giang), công an đã phát hiện và lập biên bản bắt quả tang hai đối tượng quốc tịch I Ran có hành vi trộm cắp tài sản. Hai người này khai tên là Derikvand Sirous và Farsijokari Farhad, cùng nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17.12.2006 rồi thuê khách sạn ở TP. HCM để lưu trú. Vừa qua Việt Nam được một ngày, hai đối tượng này đã thuê xe taxi xuống Go Công “làm ăn”. 9h sáng 18.12.2006 Sirous và Farhad đi bộ đến sạp bán thịt heo của chị Trương Thị Hạnh tại chợ xã Long Thuận, TX Gò Công rồi nhờ “đổi tiền lẻ”. Sau khi Sirous và Farhad bỏ đi, chị Hạnh kiểm tra lại túi tiền thì phát hiện mất 6.100.000 đồng.

Một lúc sau, Sirous và Farhad mò đến tiệm vàng Kim Tùng (phường 1, TX Gò Công) do anh Trương Minh Tùng  trực tiếp đứng bán. Tại đây tên Farhad đưa ra 1 tờ tiền có mệnh giá 100USD yêu cầu anh Tùng cho đổi 2 tờ mỗi tờ 50USD. Anh Tùng lấy xấp tiền USD ra định cho đổi thì ten Farhad dùng tay chụp lấy xấp tiền USD của anh Tùng đếm, lựa rồi trả lại cho anh Tùng và bỏ đi. Sau khi Sirous và Farhad bỏ đi anh Tùng kiểm tra lại thì phát hiện mất 1.100USD. Anh Tùng đuổi theo đến phường 4, TX Gò Công thì phát hiện Sirous và Farhad. Anh Tùng giữ lại và báo công an TX Gò Công đến lập biên bản bắt quả tang. Số ngoại tệ của anh Tùng có đóng dấu riêng nên phân biệt khá dễ.

Mặc dù hành vi phạm tội của Sirous và Farhad bị công an TX Gò Công bắt quả tang ngày 18.12.2006 đã rõ, nhưng sau khi bị bắt Sirous và Farhad không chấp hành biên bản bắt (không ký tên). Sirous và Farhad biết sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh rất thạo nhưng khi Cơ quan điều tra kết hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Tiền Giang làm việc bằng ngôn ngữ tiếng Anh thì Sirous và Farhad lại giả đò ấm ớ tiếng Anh.

 Hai người này yêu cầu Cơ quan điều tra phải có người phiên dịch tiếng I Ran thì Sirous và Farhad mới hiểu và làm việc được. Theo Cơ quan điều tra, Tiền Giang hiện nay không có người biết sử dụng tiếng I Ran nên không thể làm việc được với nhóm đạo chích ngoại này. Sau khi tạm giữ các đối tượng này 9 ngày (2 lần gia hạn), Công an Tiền Giang không thể khởi tố nên phải làm thủ tục trục xuất họ về nước đồng thời cấm nhập cảnh vào Việt Nam.

Không phải đạo chích ngoại nào cũng dễ dàng lọt lưới pháp luật nhờ chiêu “giả câm”. Wang Xiu Xue sinh năm 1970, là công dân thường trú tại tổ 1, Sa Lộ Nguyên, Thị trấn Mai Hoa, huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vừa mới bị TAND tỉnh Tiền Giang xử 12 tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản và bị công an Tiền Giang tóm cổ.

Theo cáo trạng, ngày 09.8.2006 Wang Xiu Xue đã nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ sau đó đi máy bay từ Hà Nội vào TP. HCM ở cùng với một người bạn tên Zhang Qian Ming. Hai tên này bàn với nhau hôm sau sẽ xuống Tiền Giang… cướp tiền. Khi đến Tiền Giang lúc 9 giờ ngày 10.8.2006, Xue cùng Ming vào cửa hàng bán xe gắn máy SYM số 152 Lý Thường Kiệt, phường 6, TP. Mỹ Tho.

Tại đây, Xue đưa ra một tờ giấy bạc có mệnh giá 500.000 đồng rồi ra dấu hỏi mua mũ bảo hiểm với ý định khi người bán hàng đồng ý bán và thối lại tiền thì lợi dụng sơ hở Xue sẽ chụp lấy tiền rồi tẩu thoát. Tuy nhiên, anh Vũ Văn Đạt là người trực tiếp bán hàng do bất đồng ngôn ngữ nên không đồng ý bán. Do vậy Xue và Ming ra đi mà không thực hiện được hành vi lấy tiền.
f
Chị Mộng Trinh bị bọn đạo chích lừa tiền khi hỏi mua hột vịt

Đến 11 giờ cùng ngày, Xue và Ming đến đại lý bia - nước ngọt Mỹ Lệ (334 Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, TP. Mỹ Tho hỏi mua nước bí  đóng lon(cả hai cùng chỉ tay vào thùng nước bí). Chị Lệ hỏi “Mua thùng nước bí này phải không?” thì Xue và Ming “OK” rồi hỏi “Bao nhiêu?”, chị lệ trả lời 75.000 đồng thì cả hai tên cùng “OK”. Xue đưa cho chị Lệ tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng, được chị Lệ thối lại 425.000 đồng.

Nhận xong tiền thối, cả Xue và Ming cùng chỉ tay vào hộc tủ tiền của chị Lệ. Nghĩ họ muốn đổi tiền nên chị Lệ lấy xấp tiền 2.000.000 đồng ra đếm trước mặt Xue và Ming nhưng cả hai vẫn tiếp tục chỉ tay vào hộc tủ tiền của chị Lệ. Bất ngờ, Xue nhào vô dùng tay chụp được số tiền 3.000.000 đồng rồi bỏ chạy nhưng đã bị chị Lệ truy hô rồi tóm cổ giao công an. Tên Ming thấy bạn bị bắt đã nhanh chân phóng lên xe tẩu thoát.

Sau khi bắt được tên Xue, nhờ có phiên dịch tiếng Hoa nên quá trình tố tụng đã diễn ra khá suôn sẻ và tên Xue phải cúi đầu nhận tội.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, các đối tượng lừa tiền chủ yếu là người Tây Á (I Ran, Thổ Nhĩ Kỳ) nên quá trình điều tra thường rất vất vả do các đối tượng này không chịu hợp tác bằng tiếng Anh. Trong bóp đựng tiền của họ lúc nào cũng có một xấp tiền đô, nằm phía ngoài là tiền mệnh giá 100 USD, còn bên trong ruột chỉ là những tờ 1USD hoặc 5 USD để làm người dân lầm tưởng họ có nhiều tiền nên không đề phòng.

Căn cứ theo Hộ chiếu, các đối tượng này trước khi đến Việt Nam thường theo một lộ trình trùng hợp là từ nước sở tại sang Indonesia, qua Malaysia, về Trung Quốc rồi vòng sang Việt Nam theo đường du lịch cá nhân chứ không theo tua. Nhận định ban đầu, các đối tượng này có khả năng nằm chung một đường dây, hoạt động cùng một chiêu thức…

Cơ quan điều tra lưu ý người dân không được chủ quan. Hạn chế tối đa việc để người nước ngoài tiếp xúc với nơi để tài sản. Đặc biệt, người dân không được để cho họ cầm lấy tiền bạc và những tài sản có giá trị khác…

Nhiều đạo chích “ăn quen”

Ở Long An, khu vực chợ Ngã Tư, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành là nơi mà nhóm đạo chích ngoại cũng liên tục mò tới kiếm ăn. Các đối tượng này từng 3 lần vô cây xăng Sáu Lài để lừa tiền. Với chiêu đưa tiền mệnh giá lớn, lần đầu họ chôm được của cây xăng khoảng 3 triệu đồng. Hai lần sau do chủ cây xăng đề phòng nên họ đưa tay giật nhưng không được. Kế bên, đại lý vật tư nông nghiệp Tám Mãnh cũng hai lần bị đạo chích “ghé thăm” để lừa tiền.

Cách đại lý Tám Mãnh chừng 100m, nhóm đạo chích mò vào tiệm thuốc tây Tư Ngự nhưng ông chủ tiệm giằng co quá mạnh và đạp “ông Tây” văng ra cửa nên tên này đành bỏ chạy mà chưa lấy được tiền. Thế nhưng, bằng thủ đoạn tương tự, chúng mò qua cửa hàng thức ăn gia súc của chị Bé Bảy cách đó vài căn và lừa tiền trót lọt. Lấy tiền của chị Bé Bảy xong, bọn này là lân la sang tiệm trứng vịt của chị Mộng Trinh nằm gần đó hỏi mua hột vịt. Đưa 500.000 đồng nhưng chỉ mua… 2 trứng, khi chị Trinh loay hoay thối tiền thì một ông Tây đòi mua… nửa ký thức ăn gia súc! Lợi dụng lúc khổ chủ phân tâm, cả hai ông Tây này chộp tiền rồi leo lên xe bỏ chạy…

Đầu tháng 1.2009, ba người đàn ông nước ngoài đi ô tô đời mới dừng trước cây xăng Bình Khánh (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM) để hỏi đường. Khi nhân viên bán xăng ra hướng dẫn thì họ đưa tiền mệnh giá lớn để “đổi”. Thấy người của cây xăng còn đang suy nghĩ để trả lời vì không thạo tiếng anh, một người đàn ông giật luôn xấp tiền trên tay anh và xòe ra tìm tiền lẻ. Trong tích tắc, họ trả lại tiền, trong khi người của cây xăng còn chưa kịp hiểu ra vấn đề thì họ leo lên xe chạy mất. Kiểm lại, anh nhân viên tá hỏa khi phát hiện hơn 3 triệu đồng không cánh mà bay. Thời gian sau, hàng chục cây xăng và cửa hàng ở khu vực này cũng bị mất tiền bởi những thủ đoạn tương tự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các vụ trộm do các “ông Tây” thực hiện đều theo hình thức “chẻ tiền” – tức giả mua hàng hoặc nhờ đổi tiền lẻ rồi ra tay “rút ruột”. Hầu hết các nạn nhân khi tiếp xúc với người nước ngoài đều bị động, rơi vào tình trạng “khớp” nên khi phát hiện mất tiền thì đã quá muộn.


Phương Dung
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc