Những phận người chiến đấu với bom Ca nông kiếm sống

05:59, Thứ tư 03/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Đi “câu” khi phát hiện ra “hố Ca nông mẹ”, bom chum hay bom từ trường, ít lắm cũng được 1 đến 2 triệu bỏ túi. “Công đoạn đào nó từ dưới đất lên vô cùng căng thẳng, cứ như sắp về gặp ông bà tới nơi”– ông Hy nói.

Vì miếng cơm manh áo, những người nông dân chỉ quen với đồng ruộng liều mình săn bom Ca nông, một loại bom nguy hiểm còn để lại sau chiến tranh. Những mảnh đất đầy bom đạn được làm sạch, họ lấy mảnh bom đem bán phế liệu. Tuy nhiên công việc rà phá bom theo kinh nghiệm truyền tai, không trường lớp nhiều khi để lại những cái chết trong đau đớn. Chuyện những người “câu” miếng ăn bên miệng tử thần ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình để lại không ít bài học xót xa về phận người, lẽ đời.


    

“Câu” Ca nông trên đồi cát

Bãi cát Bến Móc buổi sáng sớm mờ sương, từng đoàn đạp xe nối đuôi nhau đi sâu vào nơi được xem là trận địa bom mìn ngày trước. Bãi cát là nơi đặt pháo đạn nhằm bảo vệ bờ biển và tấn công tàu chiến quân địch phía ngoài khơi nên lượng bom mìn còn sót lại nhiều vô kể.

Trong bộ áo quần bộ đội bạc màu, ông Nguyễn Văn Khởi (58 tuổi) đang rít từng hơi thuốc dài, bên cạnh là bộ đồ nghề. “Sáng nay đi “câu” Ca nông, hy vọng là trúng mánh. Vùng này nhiều bom Ca nông lắm, người ta “câu” mãi chưa thấy hết, cố gắng rà tìm, phát hiện thì vẫn có.

Loại bom này được tàu chiến quân đội Mỹ “câu” từ phía ngoài xa vào đất liền, có sức công phá lớn. Địa bàn tỉnh Quảng Bình hẹp chiều ngang nên có nhiều quả Ca nông “câu” bay sang tận…bên Lào” – ông Khởi cho biết.

“Đồng nghiệp” đi cùng ông Khởi đa số đều đã đứng tuổi, nhiều người từng xông pha cuộc đời trận mạc, sinh tử trong làn bom khói đạn. Cực khổ quá họ mới chọn con đường nguy hiểm này để mưu sinh, kiếm miếng ăn qua ngày giáp hạt.

Người dân xứ Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn “câu” Ca nông, bất chấp nguy hiểm để mưu sinh.
Người dân xứ Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn “câu” Ca nông, bất chấp nguy hiểm để mưu sinh.

Một cân sắt vụn đem bán phế liệu đổi lấy vài mươi ngàn đồng nhưng một mảnh bom nhỏ găm vào người, đôi khi làm cả cuộc đời cũng không đủ tiền cứu được mạng sống. Ông Khởi khẳng định trong số người săn tìm bom Ca nông ở đây đều đã có thâm niên rà tìm vật liệu chiến tranh trong nhiều năm liền.

Kỳ cựu như ông cũng đã ngót nghét gần chục năm trời. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, ông không nhớ hết bao nhiêu lần mình và bạn cùng nghề bị “tử thần” nắm tay kéo đi. “Cho đứa con gái út học xong Đại học năm cuối mới giải nghệ, tìm việc an nhàn hơn kiếm sống” – ông Khởi nói.

Mặt cát bắt đầu nóng lên khi nhận ánh sáng của mặt trời, cũng là lúc từng tốp người chia nhau ra mỗi ngã để “câu” Ca nông. Gió thổi rì rào qua những hàng dương chắn sóng, mặt cát hằn in dấu chân người, những “thợ săn” đi vào trận địa trong cuộc chiến săn tìm bom.

Đi bên cạnh ông Khởi là người bạn già cùng hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cũng là lính chiến đã về hưu, ông tên Phạm Viết Hy (62 tuổi). Bộ đồ nghề của hai người đơn giản chỉ là một cái máy rà tìm phế liệu và chiếc nón bảo hiểm xe máy.

Ông Hy cho hay, dụng cụ này mua từ Trung Quốc về với giá 4,5 triệu gồm chảo cảm ứng, loa và 16 cặp pin 2,5V. “Máy này hoạt động nhiều khi rất “đểu”, khi không có kim loại dưới đất cũng kêu nhức tai. Khi một miếng sắt mỏng dính nằm dưới đất cũng phát hiện ra. Khi hư hại máy này, đa phần ai nấy đều tự động sửa chữa” – ông Hy nhận xét.

Ước chừng nơi nào chưa có người rà tìm, ông Khởi khom lưng rà qua rà lại chiếc máy trên nên cát cháy bỏng. Bỗng có tiếng kêu “tít, tít, tít” vang lên từng hồi sau đó kéo dài ra và kêu to hơn. Ông Hy nở nụ cười vì chắc chắn bạn đã phát hiện ra hố Ca nông lớn.

Vội bỏ chiếc máy qua bên, ông Khởi lấy cuốc từ bao ra, bổ từng nhát cuốc mạnh vào lòng đất. Cuốc đã gần nửa mét đất vẫn chưa thấy dấu hiệu gì, đến vài cuốc nữa, quả bom Ca nông mới dần lộ rõ nguyên hình.

Nhiều cái chết thương tâm vì rà phá, cưa đục bom mìn.
Nhiều cái chết thương tâm vì rà phá, cưa đục bom mìn.

Ông Khởi nói: “Quả này không lớn lắm, chắc được khoảng 2-3kg sắt. Thấy hắn (bom) rồi nhưng phải lôi hắn lên khỏi mặt đất cho khéo cũng là chuyện không hề dễ dàng”. Ông Khởi lại châm thêm điếu thuốc nữa, có vẻ như công việc quá căng, khiến ông cần hơi thuốc để lấy lại tinh thần bình tĩnh.

Bởi với bom mìn sót lại, thêm một hai nhát cuốc thừa sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Ông Khởi phủi tay nhẹ nhàng lên lớp đất đá, dùng cuốc chét loại nhỏ cuốc từ từ phía hai bên thân quả bom. “Trúng mảnh Ca nông con” – ông Khởi cười, tay quệt mồ hôi chảy ròng.

Với người đi “câu”, trúng mảnh là bán kiếm tiền ngay, còn trúng nguyên quả thì phải bỏ công ra cưa đầu đạn. Việc cưa đạn có thêm khoản tiền nữa nhưng không ai khao khát vì công việc vô cùng nguy hiểm, đã có nhiều người bỏ mạng hoặc thiệt thân.

Ông Khởi tâm sự: “Quê mình vùng lúa nước, trước mặt sau lưng đều là đồng với núi đồi cát trắng. Vào mùa giáp hạt, sống qua ngày nào là khó khăn ngày ấy, lại nuôi thêm đàn con ăn học, đứa lớn đã có chồng, hai đứa nhỏ đang học ở xa.

Mình chỉ còn bám víu vào nghề này để kiếm thêm đồng vào đồng ra. Chứ thực sự công việc trắc trở này nên dành cho…bộ đội công binh hay các đội rà phá bom mìn của Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam sau chiến tranh”.  

Những cái chết thương tâm vì “câu” bom

Mặt trời đứng bóng, cái nắng nóng vùng cát như tan chảy, phía bên kia ngọn đồi, đoàn người “câu” Ca nông đã bắt đầu tìm bóng râm tránh nắng. Hai người bạn đồng hành, là ông Khởi và ông Hy cũng chạy tới gốc dương gần đó ngồi, hút thuốc.

Ông Hy nói: “Mình đi lính chiến trường, được ra đánh trận hẳn hoi lại may mắn không trúng mảnh đạn nào. Hoà bình lập lại, mưu sinh bằng nghề “câu” Ca nông, bom nổ, mảnh đạn M79 cắm phập vào người. Vết thương vẫn hay gây đau đớn mỗi khi trái gió trở trời”.

Trường hợp bị thương như ông Hy có lẽ vẫn có chút cơ may nào đó, bởi không ít người đã bỏ mạng hoặc thương tích nặng nề trên khi “câu” Ca nông trên vùng cát trắng Lệ Thuỷ.

Ông Khởi ngồi cạnh bên góp chuyện: “Ở xóm Bến Mốc, năm ngoái có hai người bị chết bởi bom Ca nông. Chết mà không còn nguyên vẹn bởi bom Ca nông có sức công phá lớn. Máy rà kim loại có thể phát hiện ra nhiều loại bom khác nhau, trong lần đó hai người xấu số đã bị…máy đánh lừa, thành ra tiếng kêu của bom từ trường.

Họ thoải mái bổ cuốc mạnh, ai ngờ quả bom phát nổ. Giấy tờ mang theo trên người cũng tan tác, vương vãi trên cát bỏng. Tội nghiệp cho gia đình, đã nhiều “miệng ăn” nay phải mất đi trụ cột chính”.

Người bị thương vì bom mìn ở Lệ Thuỷ nhiều hơn so với số người bị chết, đa phần họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Hy kể năm ngoái, bạn của ông đi rà được đầu đạn. Thấy bạn moi từ dưới lòng đất lên, ông Hy hoảng hồn, tay chân run bắn.

Bởi đầu đạn là loại có khả năng phát nổ cao nhất nhưng quả này đã bị ngấm nước và bị rỉ sét hết. Tuy nhiên điều đau lòng là khi bạn đem về nhà, dùng cưa sắt để cắt gọt đầu đạn lấy thuốc đạn để đánh cá. Đầu đạn phát nổ, bạn bị cụt nửa cánh tay, hỏng hai con mắt cùng nhiều mảnh sắt găm sâu trong người.

Nhà nghèo, vợ con nay phải nuôi thêm một nạn nhân của bom mìn nữa nên cuộc sống vô cùng thiếu thốn, cơ cực trăm bề. Vợ bạn định thay chồng lấy máy rà kim loại đi “câu” Ca nông nhưng ông Hy cực lực can ngăn.

Ông chỉ khuyên nhẹ nhàng một câu: “Muốn sống an lành thì đem bán cái máy đi rồi làm thêm việc khác mà sống”. Thế nhưng ông Hy vẫn gắn bó với cái nghề này.

Một câu chuyện buồn khác cũng dó chính ông Hy là người chứng kiến. Ông Hy nói “Hơn ba năm về trước, một người trong xóm Bến Mốc từ “câu” Ca nông đổi đời, chuyển sang nghề thu mua phế liệu bom mìn để bán.

Bom đạn, súng ống từ thời Pháp, Mỹ chất đầy nhà từ trong ra ngoài sân. Trong lần đứa con nhỏ của anh nghịch ngợm, nó vô tình lấy quả bom đã gỉ sét, tròn vo như quả ổi ném qua ném lại như quả bóng. Thế rồi tiếng nổ lớn kèm theo nhiều tiếng nổ khác. Đau lắm, cả nhà chết cùng lúc, thân xác không vẹn nguyên”. 

Ông Hy nói làm nghề “câu” Ca nông nhưng bom gì cũng “câu” được hết. Dân trong nghề này sợ nhất là đụng phải đầu đạn M79 và bom ổi, loại có vỏ sù xì, màu xanh rợn người. Thứ nhất là hai loại đạn này còn sót lại ít, khả năng phát nổ cao, nhạy cảm với tác động của kim loại.

Người ta đi “câu” trúng mánh lớn như phát hiện ra “hố Ca nông mẹ”, bom chum hay bom từ trường, ít lắm cũng được 1 đến 2 triệu bỏ túi. “Công đoạn đào nó từ dưới đất lên vô cùng căng thẳng, cứ như sắp về gặp ông bà tới nơi” – ông Hy cười nói.

Trong quãng đời làm nghề, ông Khởi và ông Hy chứng kiến không ít nỗi thương tâm, nguy hiểm của nghề mang lại. “Có lần hai người đi cạnh nhau đều phát hiện ra hố Ca nông, cả hai chia nhau đào.

Người này “khai quật” được hố Ca nông con, người kia sau một hồi đào tìm thấy được quả bom ổi đã rỉ sét, hình thù như quả bóng sắt tròn. Quả bom phát nổ, cả hai người đều bỏ mạng, máu me vưỡng vãi thấm vào cát, thật tội nghiệp” – ông Khởi kể.

Ở vùng cát Lệ Thuỷ ấy, có một người đàn bà điên ngày ngày chạy dọc đồi cát này đến hết đồi cát khác. Vừa đi vừa khóc, la hét vang cả một vùng trời góc biển. Người dân xóm Bến Móc nói rằng bà mẹ ấy trở nên bị điên khi cả chồng và con trai đều bỏ mạng do bom mìn trên đồi cát quê hương cách đây 8 năm về trước.

Ở vùng cát trắng Lệ Thuỷ, vùng đất được coi là trọng điểm bắn phá của quân đội Mỹ tại tuyến lửa Quảng Bình, bom đạn còn ẩn mình đâu đó dưới lòng đất sâu. Hiểm hoạ cái chết vẫn luôn đe doạ từng ngày đến sinh mạng của người dân.

Có những vùng đất đã thành trù phú, cây cối hoa màu nảy nở vì được dọn dẹp sạch bom mìn. Nhưng đổi lại, từng tấc đất ấy đã thấm đẫm máu của bao người nông dân lam lũ, nghèo khổ xứ Quảng Bình này.

Bom đạn còn sót lại giúp người dân kiếm sống thoải mái qua mùa giáp hạt nhưng ở đó cuộc sống đầy may rủi.

  • Phong Nhã

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc