Nhiệt độ và độ ẩm cao là "kẻ thủ" đối với smartphone. Yếu tố thời tiết này không chỉ gây sụt pin nhanh hơn, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng mà còn làm giảm tuổi thọ máy. Trang Mashable đã đưa ra cách xử lý cho 5 rắc rối thường gặp khi dùng smartphone vào mùa hè.
Điện thoại quá nóng
Cảnh báo khi iPhone quá nóng. |
Thời tiết mùa hè không chỉ làm thân nhiệt cơ thể nóng lên mà cũng khiến điện thoại dễ tăng nhiệt độ. Đa số các smartphone sẽ đưa ra cảnh báo hay tự động tắt đi khi vượt quá ngưỡng nhiệt cho phép. Việc này không chỉ giúp bảo vệ thiết bị mà còn đảm bảo an toàn cho người dùng, tránh tình trạng phát nổ.
Khi điện thoại đưa ra cảnh báo, nên ngừng sử dụng ngay, thoát các ứng dụng đang chạy hoặc tắt máy. Để hạn chế gặp rắc rối này, tránh dùng điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp, tắt bớt các phần mềm chạy ngầm. Điện thoại quá nóng sẽ khiến pin nhanh hết và người dùng cần đến trung tâm bảo hành để kiểm tra nếu thường xuyên nhận được các cảnh báo nhiệt độ.
Mồ hôi và bám vân tay
Dùng điện thoại mùa hè sẽ khó tránh được việc dính mồ hôi tay lên thân máy. Nhiều người chủ quan cho rằng một giọt nước nhỏ không ảnh hưởng đến thiết bị nhưng mồ hôi là một trong những “kẻ thủ” với smartphone. Nhanh chóng lau khô điện thoại bằng vải bông mềm, cần thiết hơn là tắt máy và đặt điện thoại trong túi hút ẩm. Vật liệu hút ẩm đơn giản, dễ làm nhất là gạo rang.
Bên cạnh đó, smartphone còn dễ để lại dấu vân tay trong những ngày thời tiết nóng nực. Để khắc phục, người dùng có thể mang theo miếng vải mềm để lau thường xuyên hoặc sử dụng tấm dán màn hình đặc biệt giúp chống bám vân tay.
Camera bị hấp hơi
Dùng gạo rang là cách đơn giản để hút ẩm cho các thiết bị điện tử. |
Độ ẩm cao và sự biến thiên lớn về nhiệt độ là nguyên nhân chính dẫn đến máy ảnh trên điện thoại bị phủ một lớp sương. Việc dùng vải bông lau bên ngoài có thể làm sạch cơ bản nhưng nếu không khắc phục triệt để bên trong, điện thoại có thể gặp tình trạng tồi tệ hơn.
Cách xử lý đơn giản là tắt máy, đặt thiết bị vào tủ chống ẩm hoặc túi đựng gạo rang trong một, hai ngày. Tránh hà hơi vào ống kính máy ảnh để vệ sinh vì hành động này còn làm camera hấp hơi nặng hơn.
Mang điện thoại đi biển
Nếu điện thoại bị vào cát, sử dụng khăn mềm, lau thật nhẹ tránh làm trầy xước máy. |
Dù không vùi trong cát hay ngâm dưới nước nhưng khi mang điện thoại đi biển luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây hỏng máy. Cát có thể dễ dàng bám vào khe máy, môi trường ẩm ướt và những tai nạn không ngờ đủ để gây thiệt hại cho điện thoại. Ngay cả với những thiết bị được giới thiệu với tính năng chống nước, chống bụi, người dùng cần kiểm tra và đóng kỹ các cổng kết nối. Lựa chọn khác là các bộ vỏ bảo vệ chuyên dụng giúp ngăn tác động của cát và nước biển vào điện thoại.
Nếu điện thoại bị vào cát, sử dụng khăn mềm, lau thật nhẹ tránh làm trầy xước máy. Dùng máy thổi hoặc máy hút chân không với vòi nhỏ để làm sạch cát. Nếu điện thoại bị vào nước, nhanh chóng tắt máy, tháo pin (nếu được) và đặt trong túi đựng gạo khô một, hai ngày.
Màn hình hiển thị kém
Nên điều chỉnh độ sáng màn hình lên mức cao nhất hoặc để tự động. |
Nhiều người tỏ ra thất vọng khi điện thoại hiển thị tốt trong nhà nhưng trở nên mờ nhạt khi nhìn ngoài trời nắng. Để khắc phục, nên điều chỉnh độ sáng màn hình lên mức cao nhất hoặc để tự động. Tuy vậy, thiết lập này có thể khiến máy nhanh hết pin hơn. Giải pháp khác là sử dụng miếng dán màn hình chống chói.