Điện thoại di động và những trò lừa đảo tinh vi nhất

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Những trò lừa đảo qua điện thoại là dù không lạ nữa nhưng thời gian gần đây hoạt động này diễn biến ngày càng tinh vi hơn.

“Hù” dính đường dây ma túy xuyên Việt

Ông Lê Văn H. (45 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) kể rằng ông từng nhận được cuộc điện thoại lừa đảo thông báo mình đã vay 39 triệu đồng của một ngân hàng ở Hà Nội nhưng chưa trả. Vì thế, ngân hàng đang kiện ông ra tòa về tội chiếm đoạt tài sản. Người thông báo cũng bảo ông H. bấm phím số 9 và rồi được người khác tiếp chuyện.

điện thoại lừa đảo

Tang vật trong một vụ lừa đảo qua điện thoại

“Bất ngờ vì thông tin cá nhân của tôi, người này biết chính xác 100%. Họ nói tôi liên quan đến vụ vay tiền có thể bị bỏ tù. Sau đó, họ hướng dẫn tôi bấm số 113 gặp cảnh sát thụ lý hồ sơ, thông tin chi tiết hơn”, ông H. chưa hết bàng hoàng kể. Lập tức, ông H. bấm số 113 gặp người đàn ông tự xưng là công an đang thụ lý vụ việc. “Người này buộc tôi phải khai báo đầy đủ những câu hỏi để anh ta ghi âm làm bằng chứng trước tòa; đồng thời yêu cầu tôi tắt tất cả các thiết bị điện tử, ĐTDĐ, internet... không cho phép người nào đứng bên cạnh để nghe, nếu có người thứ ba biết chuyện thì sẽ bị phạt tù từ 7 - 8 năm vì đây là thông tin bí mật nên không thể tiết lộ cho ai biết”, ông H. nhớ lại. Ngoài ra, ông H. cũng bị yêu cầu phải khai rõ trị giá tài sản của gia đình. Chưa dừng lại ở đó, nạn nhân còn bị cho là liên quan đến đường dây buôn ma túy nên phải nộp 50 triệu đồng cho tòa án để được bảo lãnh tại ngoại.

“Sau khi điều tra nếu tôi trong sạch thì sẽ trả lại tiền. Nếu không nộp số tiền trên, trong vòng 24 giờ sẽ bị bắt tạm giam để điều tra”, ông H. kể tiếp. Sau đó, bọn chúng cho ông H. số tài khoản để chuyển tiền. Tuy nhiên, ông H. không có tiền nộp nhưng không thấy chúng gọi lại...

Khá giống các trường hợp trên, anh Trịnh Quốc L. (32 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), kể: Khoảng 10 giờ ngày 3.1.2014, anh cũng nhận được ĐT bàn gọi đến, người đầu dây bên kia giới thiệu đang công tác ở TAND H.Thống Nhất (Đồng Nai). Người này thông báo cho anh L. biết anh đang bị truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chống đối người thi hành pháp luật... cũng do vay mượn tiền ngân hàng. Do am hiểu pháp luật, anh L. cự lại rồi người lạ cúp máy luôn.

Một cán bộ của Công an TP.HCM khẳng định: “Đây là trò lừa đảo qua ĐT, na ná như thủ đoạn của nhóm người nước ngoài lưu trú Việt Nam gọi ra nước ngoài tự xưng là cơ quan công an, viện KSND, tòa án, ngân hàng và đề nghị chủ tài khoản cung cấp tài khoản ngân hàng do đang bị tin tặc tấn công... Theo quy định ngành, Cảnh sát 113 không có thẩm quyền thụ lý điều tra vụ án”.

Tin nhắn gửi tặng

điện thoại lừa đảo

Đây là thể loại lừa đảo ra đời sớm nhất. Lợi dụng một dạo có các tổng đài, kênh phát quà tặng qua điện thoại, bọn xấu đã bày ra chiêu lừa: nhắn vài tin nhắn vu vơ như: “có người yêu quý muốn gửi tặng bạn một bài hát xxxx, muốn nghe bài hát bạn hãy nhắn lại số xxxxx”, hoặc “có số điện thoại 098123xxxx gửi tặng bạn bài hát xxxx, muốn nghe hãy gọi vào tổng đài xxxx”. Sau khi nghe xong, bạn mới biết chẳng có ai tặng cho mình hết, chỉ là những tên lừa đảo muốn bạn nghe nhạc rồi trả tiền.

Hiện nay, các tên nhắn gửi tặng còn phong phú hơn. Ví dụ: Chúc mừng bạn đã lọt vào top 10 người nhận được 10 bài hát hay nhất trong tháng, hãy soạn TN xxxx để nhận quà tặng. Mình rất cô đơn, mình muốn được làm quen với bạn, nếu bạn là nam hãy soạn TN xxxx. Số thuê bao của bạn được tặng 10 tấm hình hoa hậu áo tắm hot nhất Việt Nam, hãy soạn TN xxxx để nhận hình. Kết quả, nếu bạn làm theo hướng dẫn sẽ chẳng nhận được gì cả, kiểm tra tài khoản sẽ bị mất từ 20 đến 30 ngàn.

Cào card giúp hoặc trả lại card

Sau khi chiêu lừa bằng tin nhắn tặng quà lắng xuống, thì lừa bằng tin nhắn cào giùm card nổi lên. “Mình là Trang đây, mình xin lỗi, mình đang có việc gấp cần cào card, nhưng chung quanh đây không có chỗ bán, bạn có thể cào một cái card 200 giúp mình không?”. Và nếu bạn nhẹ dạ, mủi lòng tức bạn cũng đã mất 200 ngàn đồng. Những kẻ lừa đảo thường dùng những cái tên phổ biến như Lan, Hoa, Phương, Trang,….trong tin nhắn. Ngay cả khi số máy quen thì cũng không nên tin, biết đâu bạn mình vừa mới mất số điện thoại. Tốt nhất bạn hãy gọi điện kiểm tra.

Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn nghĩ ra cách đánh vào lòng trắc ẩn của nhiều người. Chúng thường nhắn tin hoặc gọi điện nói với bạn rằng, chúng vừa nạp nhầm card điện thoại vào sim của bạn, nhờ bạn nạp lại. Khi Viettel thực hiện chương trình ishare, thì những kẻ lừa đảo càng có điều kiện thuyết phục nạn nhân. Vì số tiền chúng yêu cầu không nhiều, thường là từ 30 đến 100 ngàn đồng, vì nhiều người ít khi nắm rõ số tài khoản của mình, thêm nữa chúng thường nói chuyện hoặc nhắn tin thảm thiết, nến có rất nhiều thuê bao ở nhiều mạng điện thoại cắn câu.

Điện thoại trúng thưởng

Vài năm trở lại đây, nhiều cư dân Việt Nam ở các vùng quê khắp cả nước thường xuyên nhận được nhiều cuộc điện thoại báo là bạn đã trúng thưởng chương trình gì đó. Kẻ gọi điện sẽ tự xưng là người của Viettel, Mobilphone hoặc của công ty nào đó, báo là bạn đã trúng một giải thưởng khoảng 100 đến 200 triệu đồng. Thế nên, muốn ngày mai nhận được quà tặng, bạn phải đóng thuế, 1 hoặc 2 triệu đồng. Nếu không thể chuyển khoản, có thể ra mua đủ 1 hoặc 2 triệu đồng tiền card rồi cào cho chúng. Để thúc ép nạn nhân, chúng còn “đe dọa”, nếu không nộp tiền hoặc card trước sáng mai, chúng sẽ trao quà cho người khác.

Gọi nhỡ bằng đầu nước ngoài

Thời gian gần đây, rất nhiều người dùng điện thoại di động trong các thành phố lớn nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các số có đầu nước ngoài +881xxxxxx hay +882xxxxx. Có một số người, vì có người thân ở nước ngoài, nghĩ là họ liền ấn gọi lại, nhưng chỉ nghe đổ chuông, tín hiệu nhạc chờ hoặc là nghe các cuộc trả lời tự động; chứ tuyệt đối không nghe ai bắt máy. Rồi khi nhìn tài khoản hoặc cuối tháng nhìn hóa đơn điện thoại, mọi người mới tá hỏa khi mất một số tiền lớn.

Theo trả lời của các nhà mạng, thì đó là số điện thoại của hệ thống vệ tinh di động toàn cầu, không thuộc quản lý của cơ quan hay đất nước nào hết. Khi bạn gọi tới những số đó, thì dù đầu bên kia chỉ đổ chuông thôi bạn cũng bị mất cước phí, bạn giữ máy càng lâu càng bị mất nhiều. Số tiền mà thuê bao Việt Nam chúng ta mất khi gọi vào những số máy ma này vào khoảng 99 đến 150 ngàn đồng/phút.

Mất hàng tỉ đồng vì cuộc điện thoại giả công an lừa đảo

Ngoài chiêu lừa theo chiêu thức cũ là sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo để gọi điện tới nhà riêng của nạn nhân thông báo nợ cước điện thoại. HIện các nhóm tội phạm đã thay đổi chiêu lừa bằng cách gọi điện thông báo nạn nhân có nợ tiền ngân hàng vì các khoản vay này có liên quan tới tội phạm.

Do bị các đối tượng lừa đảo đe dọa, khủng bố tinh thần nên các nạn nhân đã chuyển hàng tỉ đồng vào tài khoản của nhóm lừa đảo và bị chiếm đoạt.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn