Theo báo Tuổi Trẻ, trong phiên họp, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng nói về hàng loạt tiêu cực xảy ra trong xã hội khiến bà rất đau lòng: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh tư liệu |
Bà Doan tiếp lời: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Thực trạng 'ăn của dân không từ một cái gì' của ngành y tế được Phó chủ tịch nước chỉ ra đã khiến người dân không khỏi bất ngờ, thậm chí có người cho rằng thực tế không đến mức ấy. Hơn nữa, như Bộ trưởng Tiến phát biểu ngay trong phiên họp: “An sinh xã hội của ta cũng tốt hơn nhiều nước. Vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ vấn đề, có lẽ sẽ không ít người phải giật mình trước thực trạng vô cùng đáng lo ngại và việc 'ăn của dân không từ một cái gì' là nhận xét hoàn toàn đúng.
Vấn nạn phong bì vẫn tồn tại trong hầu hết các bệnh viện ở nước ta, việc bệnh nhân tìm đến bác sĩ, các nhân viên y tế để đưa phong bì không chỉ trong các trường hợp nặng như phải phẫu thuật, nằm điều trị bệnh trong bệnh viện mà cả khi có một mũi tiêm đỡ đau, hay muốn làm hồ sơ, giấy tờ nhanh chóng...
Đau xót hơn nữa là cán bộ tiêm chủng đã ăn bớt vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội khi chỉ tiêm 2/3 lọ cho trẻ sơ sinh. Ngay sau đó, một vụ việc tương tự đã bị phanh phui tại trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) khi cán bộ y tế tiêm vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella hết hạn cho bệnh nhân khiến người dân cả nước bàng hoàng, lo lắng.
Hàng loạt vụ việc liên quan tới vấn đề y đức tại các bệnh viện chưa kịp lắng xuống thì một vụ việc động trời khác lại tiếp tục diễn ra. Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) là bê bối có quá trình kéo dài thời gian nhất, đến nay mới bị phát hiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong cuộc họp đã ví đó như tội ác và bình luận rằng: “Làm việc như vậy thì phải mang ra bắn chứ đừng có đùa".
Vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế
Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu và cảm ơn các ý kiến góp ý và cho rằng đó là những ý kiến thẳng thắn về những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực này. “Hạn chế thì chắc chắn hạn chế rất nhiều. Và vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế. Bởi vấn đề an sinh xã hội thì phải luôn cần được cải thiện” - bà nói.
Theo bà Tiến, ở các nước, người ta có bộ y tế và an sinh xã hội, tức là phải hai bộ của mình ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế nó đặc thù, cần quản lý đặc thù, nhưng ở ta thì quản lý rất chồng chéo, phức tạp.
“Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản. Như vậy là chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ” - bà Tiến trình bày.
Bà Tiến nói: “An sinh xã hội của ta cũng tốt hơn nhiều nước. Vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”.