“Nội các” toàn phụ nữ có một không hai trong lịch sử

08:51, Thứ bảy 08/10/2011

( PHUNUTODAY ) - #160;(Phunutoday) - Năm 304, sau Công nguyên dưới thời Tây Tấn, quan phủ Nghiệp Thành bắt được rất nhiều người Hồ, quyết định mang ra chợ bán cho nông dân làm nô lệ. Bốn mươi năm sau đó, một trong số những đứa trẻ người Hồ bị đem ra chợ nô lệ hôm đó trở thành Hoàng đế nhà Hậu Triệu.


Và như để trả thù những người Hán đã đối xử với người Hồ như những kẻ nô lệ, vị Hoàng đế nhà Hậu Triệu quyết định dời đô về Nghiệp Thành. Đó là câu chuyện mà người ta thường nghe kể khi nhắc tới hai ông vua khét tiếng Thạch Lặc và Thạch Hổ của triều đại Hậu Triệu, một trong những đế quốc duy nhất của người Hồ trong thời Thập lục quốc thống trị miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, sự độc nhất vô nhị của đế quốc này không chỉ có như vậy…

Đế quốc người Hồ

Người có công sáng lập nên nhà Hậu Triệu chính là Thạch Lặc. Sau khi bị bán làm nô lệ vào năm 304, một năm sau đó, Thạch Lặc tham gia một cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Tây Tấn rồi dần dần trở thành lãnh tụ của phong trào này. Tới năm 319, Thạch Lặc xưng đế, sử gọi là Hậu Triệu Cao Tổ. Kinh đô ban đầu được Thạch Lặc đặt ở một tòa thành nhỏ có tên là Tương Quốc nằm cách Nghiệp Thành, nơi lưu giữ những kỷ niệm không đẹp của ông tới tận hơn 300 dặm.

Sau khi Thạch Lặc chết vào năm 333, Thạch Hổ vốn là cháu của Thạch Lặc được vị Cao Tổ Hậu Triệu giao cho trọng trách “nhiếp chính”, giúp đỡ con trai mình là Thạch Hoằng cai trị đế quốc người Hồ do mình gây dựng nên. Tuy nhiên, chỉ ngồi yên ở ghế nhiếp chính vừa tròn 1 năm, Thạch Hổ quyết định cướp ngôi từ người anh họ của mình tự làm Hoàng đế.

Sau khi Thạch Hổ lên ngôi, việc đầu tiên Thạch Hổ làm là dời đô. Vị trí kinh đô mới được lựa chọn chính là Nghiệp Thành. Kết quả, hơn 10 vạn người Hồ, cao lớn, da trắng, mũi thẳng rầm rập tiến vào tòa thành nơi 40 năm trước họ đã phải đứng giữa chợ để người ta sờ nắn như những con trâu, con bò để trở thành hoàng thất và tầng lớp quý tộc.

Phía Tây Nghiệp Thành là Ngũ Hành sơn, phía Nam cạnh sông Hoàng Hà, khống chế con đường qua lại giữa Trung Nguyên và bình nguyên Hà Bắc và Liêu Đông. Thời kỳ cuối nhà Đông Hán, đây chính là trung tâm thế lực của Viên Thiệu. Tào Tháo sau khi đánh bại Viên Thiệu, chiếm được Hà Bắc đã biến Nghiệp Thành nơi đặt “trụ sở” của phủ thừa tướng, khống chế triều đình của Hán Hiến Đế tại đây. Dưới bàn tay của Tào Tháo, Nghiệp Thành biến thành một tòa thành rất hoàng tráng và hoa lệ.

Thạch Hổ
Thạch Hổ


Đến thời con Tào Tháo là Tào Phi và nhà Tây Tấn kinh đô đều được đặt ở Lạc Dương, Nghiệp Thành trở thành một vị trí hiểm yếu do một vị quan to trong triều trấn giữ. Con cháu Tư Mã Ý sau khi cướp ngôi của họ Tào còn đem con cháu họ Tào đến giam lỏng tại đây. Trong suốt hơn 100 năm kể từ cuối nhà Đông Hán cho tới thời Tây Tấn, Nghiệp Thành trở thành mảnh đất động loạn liên miên. Cho mãi tới khi người Hồ xây dựng chính quyền, Nghiệp Thành mới một lần nữa trở thành trung tâm quyền lực của một chính quyền.

Thạch Hổ là một bạo chúa theo đúng định nghĩa chuẩn mực của từ này. Khi còn theo Thạch Lặc khởi nghĩa, Thạch Hổ nổi tiếng là kẻ thích chém giết, thậm chí y sẵn sàng giết chết chiến hữu của mình chỉ vì nghi ngờ và đố kỵ. Sau khi trở thành Hoàng đế, Thạch Hổ đã không còn hứng thú với việc chém giết, thay vào đó, lại dồn mọi hứng thú vào việc xây dựng những công trình tiêu tốn tiền của.

Dưới thời Thạch Hổ trị vì, bên trong và ngoài Nghiệp Thành xây dựng tổng cộng hơn 40 tòa cung điện, vườn hoa khác nhau, lao động tập trung có lúc lên tới 400 nghìn người. Thạch Hổ rất ít quan tâm đến việc triều chính, mọi công việc thường ngày của triều đình đều giao cả cho con trai của mình lo liệu còn ông ta cả ngày chỉ săn bắn làm vui, thậm chí là giả trang làm người dân thường để đi dò xét tiến độ của các công trình xây dựng.

Để tạo nên hình ảnh của một “đế đô” cho Nghiệp Thành, Thạch Hổ ra lệnh cho vận chuyển tất cả các tượng đồng có ở cố đô Lạc Dương chuyển tới Nghiệp Thành. Để thực hiện mệnh lệnh này, người ta đã phải đóng riêng một con thuyền khổng lồ. Tất cả các tượng động vật, con người cho đến tượng thần thánh ở Lạc Dương đều được vận chuyển tới đặt trước cung điện Nghiệp Thành. Để chúc mừng cho sự kiện này, Thạch Hổ đã hạ lệnh giải phóng cho những tội phạm đã thực hiện công việc lao dịch từ 2 năm trở lên.

Mỗi một chỉ dụ của Thạch Hổ, bất cứ lúc nào cũng có thể khiến cả bộ máy chính quyền của toàn bộ đế quốc người Hồ rung chuyển. Có lần, chẳng biết hứng thú từ đâu tìm đến, Thạch Hổ quyết định phát binh đánh Tây Tấn và các triều đình nhỏ xung quanh Hậu Triệu. Để chuẩn bị cho cuộc chiến, Thạch Hổ ra lệnh tổng động viên toàn dân, cứ 10 người thì phải có 1 thanh niên trai tráng phải ra tòng quân, 9 người con lại phải chuẩn bị binh khí, lương thực và quần áo cho binh lính.

Khi chiến dịch tổng động viên của Thạch Hổ kết thúc, binh lính tập kết tại Nghiệp Thành lên tới hơn một triệu người. Tuy nhiên, khi đoàn binh lính khổng lồ thực hiện nghi lễ duyệt binh trên đường phố lớn của Nghiệp Thành thì bỗng dưng xuất hiện một đàn chim ưng trắng bay lượn trên trời, nhất định không chịu rời đi.

Các nhà chiêm tinh giỏi nhất trong đế quốc được mời đến đã phán rằng, đây chính là điềm báo kinh đô Nghiệp Thành sắp biến thành nơi hoang phế, đây không phải là điềm tốt cho việc xuất binh. Thạch Hổ tin theo, quyết định giải tán đội quân hơn 1 triệu người đang khí thế hừng hực, từ bỏ việc đem quân chinh phạt Đông Tấn và các nước láng giềng.

Thạch Hổ thiết kế Nghiệp Thành theo hình chữ nhật, hướng Đông Tây dài, còn hướng Bắc Nam thì ngắn. Con đường lớn chạy dọc theo hướng Đông – Tây nằm ở trung tâm chia Nghiệp Thành thành hai nửa Bắc và Nam. Khu vực phía Nam Nghiệp Thành là dành cho tầng lớp thường dân, còn phía Bắc là khu vực dành cho hoàng thất và quý tộc.

Ở khu vực phía Bắc, nằm ở trung tâm là hoàng cung, phía Đông là khu dành cho những người giàu có còn phía Tây là khu vườn thượng uyển của hoàng gia. Trong khu vườn thượng uyển của hoàng gia có 3 cái đài cao do Tào Tháo xây dựng trước đó hàng trăm năm. Tuy nhiên, so với thời Tào Tháo, 3 cái đài này đã được xây cao thêm, tu sửa lại rất nhiều. Đây chính là nơi Thạch Hổ làm việc và tiếp khách hàng ngày.

Trong số ba cái đài này thì Đài Đổng Tước nằm ngay chính giữa, trên đài xây dựng một tòa lầu cao năm tầng, đỉnh lầu cách mặt đất tới 80 mét. Những người tới bái kiến Thạch Hổ không phải trèo từng bậc thang để lên tới đỉnh lầu mà sẽ được thái giám dẫn vào trong một cái động rồi được một chiếc lồng sắt vào trung tâm của đài.

Khách đến chưa kịp thích ứng với bóng tối trong lòng đài thì thoắt cái đã ở ngay trên đỉnh lầu, nơi Thạch Hổ đặt tên là Thái Vũ điện. Tại Thái Vũ điện, cung nữ nhộn nhịp qua lại phục vụ các vị khách quý và Hoàng đế Thạch Hổ. Chỉ cần ngoảnh đầu nhìn ra cửa, khách đến có thể nhìn thấy toàn bộ kinh đô Nghiệp Thành giống như một bàn cờ khổng lồ trước mắt.

Nghiệp Thành
Nghiệp Thành


Nếu như Thạch Hổ có hứng thú, các vị khách có thể được dẫn sang tham quan hai tòa đài bên cạnh. Phía Bắc là Băng Tỉnh Đài, phía Nam là Kim Phương Đài đều nằm cách Đổng Tước Đài đúng 100 mét. Các đài này được nối với nhau bằng một cây cầu lớn, giúp việc đi lại giữa các đài trở nên thuận tiện và dễ dàng.

Là một người Hồ, một dân tộc được coi là ngoại lai, Thạch Hổ luôn lo lắng những thần dân người Hán của mình sẽ không tuân phục. Vì vậy, Thạch Hổ tìm mọi nghi thức long trọng và xa hoa nhất để thần thánh hóa chính mình. Thạch Hổ rất nhiều lần tổ chức nghi lễ đăng cơ.

 Vào năm 337, Thạch Hổ quyết định tổ chức một nghi lễ đăng cơ chính thống và cổ điển nhất. Để buổi lễ đăng cơ diễn ra tốt đẹp, các đại thần trong triều đình được lệnh phải luyện tập nhiều lần suốt cả ngày đêm. Tới mức, phía trước cung điện Thạch Hổ phải cho đặt rất nhiều giá đèn khổng lồ, cao như một cây cổ thụ, mỗi giá đèn đồng thời đốt hơn 120 cây nến, ngày đêm không tắt để phục vụ việc luyện tập.

Ngoài ra, Thạch Hổ còn cho đắp tượng những con rồng bằng vàng đang cuộn quanh những cây cột lớn trong cung điện, ở miệng con rồng này là những vòi dẫn tới kho rượu, các loại rượu ngon liên tục chảy. Sau khi nghi lễ đăng cơ kết thúc, Thạch Hổ và các quần thần của mình đã uống rượu ở miệng những tượng rồng này để ăn mừng.

Ngày đại lễ, hàng nghìn cung nữ vây quanh ngai vàng, hàng trăm cung nữ khác diễn tấu âm nhạc, không khí vô cùng tưng bừng, náo nhiệt. Thạch Hổ đầu tiên ngồi kiệu tới, rồi bước giữa tiếng tung hô vạn tuế của bách quan đang xếp thành hai hàng tiến lên ngài vàng. Tuy nhiên, đúng lúc đó bỗng nhiên tòa đại điện mà Thạch Hổ dày công trang trí để chuẩn bị cho lễ đăng cơ bỗng nhiên xảy ra sự cố.

Cây đèn trên đỉnh một cột trụ bỗng dưng bốc cháy, dòng dầu nóng chảy từ trên đỉnh theo cột trụ lan xuống khiến các thầy tế đang đứng xunh quanh cây cột bị bỏng. Dòng dầu nóng tiếp tục chảy xuống đại điện, nơi đang diễn ra nghi lễ đăng cơ của Thạch Hổ khiến các đại thần, cung nữ cho tới các vệ sỹ bỏ chạy tán loạn. Sự cố này giống như một lời cảnh cáo đối với việc xưng đế của Thạch Hổ. Vì vậy, trong lần đăng cơ đó, Thạch Hổ chỉ tự xưng mình là Đại Triệu Thiên Vương.

Vì sao xuất thân bần hàn, từng phải trải qua những ngày tháng đói khổ, cơ cực mà Thạch Hổ lại không hề đồng cảm với những người dân nghèo, ngược lại còn rất hiếu sát và tàn bạo? Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thạch Hổ trở thành một bạo chúa cũng là vì tuổi thơ cơ cực, bị coi như một kẻ nô lệ. Chính vì chứng kiến cảnh những người Hồ đã bị dồn lại ở chợ và bị người ta buôn bán như những con vật nuôi đã tạo nên một vết thương không thể lành đối với Thạch Hổ.

 


Vì thế, khi có thành gươm trong tay, y trở thành một kẻ cuồng sát để trả thù. Nhưng đến khi có quyền lực thì y lại tìm cách trả thù khác, đó là thống trị những kẻ từng đối xử với mình như nô lệ. Có thể nói rằng, đế chế người Hồ hà khắc mà Thạch Hổ dựng nên ở Nghiệp Thành chính là cái giá mà người Hán phải trả cho phiên chợ nô lệ diễn ra cách đó 40 năm. Tuy nhiên, cũng nhờ thế, Nghiệp Thành mới có được một đế chế của người Hồ độc nhất vô nhị trong lịch sử.

Đế chế quyến rũ

Tuy nhiên, sự độc nhất vô nhị của đế chế mà Thạch Hổ xây dựng không chỉ vì nó thuộc về những người Hồ. Thạch Hổ không chỉ thích chém giết và xa hoa, dưới sự thiết kế của Thạch Hổ, Nghiệp Thành trở thành một kinh đô cực kỳ hoa mỹ và “quyến rũ” khi vị Hoàng đế này quyết định thành lập một “nội các” toàn phụ nữ.

Khi Thạch Lặc tìm thấy Thạch Hổ, vị Cao Tổ Hoàng đế nhà Hậu Triệu phát hiện ra đứa cháu của mình đã trở nên cổ quái và xa lạ. Hai cuộc hôn nhân do Thạch Lặc sắp xếp thì cả hai cô dâu mới đều bị Thạch Hổ giết chết. Hóa ra, Thạch Hổ từ lâu đã đem lòng yêu một kép hát tên là Trịnh Anh Đào. Cả hai người vợ mới cưới của Thạch Hổ vì vậy đều trở vật hy sinh cho những cơn ghen tuông của Trịnh Anh Đào.

Trong thời gian 8 năm ly tán, Thạch Hổ và người bà của mình đã gặp phải những chuyện gì khiến tính cách Thạch Hổ biến đổi khủng khiếp như vậy? Thạch Lặc đã cố thử tìm nguyên nhân. Kết quả, sau khi Thạch Lặc bị nông dân chọn mua về phụ giúp việc đồng áng, còn lại Thạch Hổ và người bà của mình bị bán vào một nhà giàu có ở Nghiệp Thành.

Thông thường, chỉ có nhà giàu có mới có thể cùng lúc mua cả hai bà cháu Thạch Hổ. Họ cần một người phụ nữ phục vụ nữ chủ nhân và một nam đồng phục vụ cho các cậu chủ. Những người Hồ vốn mang dòng máu lai nên khi còn nhỏ, gương mặt rất dễ thương dù là nam hay nữ, vì vậy, khi Thạch Hổ bị bán vào nhà phú hộ thường bị họ xâm hại về tình dục.

Những nghiên cứu sau này đều chứng tỏ rằng, thời Tây Tấn, việc quan hệ đồng tính nam rất thịnh hành ở tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên, đối với Thạch Hổ đây có lẽ là ký ức rất khó để nhắc tới. Tuy nhiên, những ám ảnh tuổi thơ lại thể hiện rất rõ trong tích cách và cách hành xử của Thạch Hổ.

Khi Thạch Hổ kiến thiết Nghiệp Thành, chim phượng hoàng, biểu tượng của nữ giới và sự âm nhu xuất hiện ở khắp mọi nơi. Ngoại trừ tòa đài Kim Phương, Thạch Hổ còn cho tu sửa cửa Phượng Dương, cửa phía nam của Nghiệp Thành cũng được Thạch Hổ cho xây dựng lại trở thành một tòa đài rất cao. Độ cao của tòa đài này cho tới nay vẫn còn tranh cãi, người nói tòa đài này cao tới hơn 50 mét, có người lại nói nó cao tới hơn 60 mét lại có người cũng nói nó cao tới 100 mét.

Ở trên đỉnh của cửa Phượng Dương, Thạch Hổ cho xây một tượng con phượng hoàng đang dang rộng hai cánh bằng đồng. Những người sống cách xa Nghiệp Thành cả trăm dặm vẫn có thể nhìn thấy con phượng hoàng khổng lồ này đang dang rộng đôi cánh hướng lên trời.

Ngoài việc xây dựng những biểu tượng nữ tính, Thạch Hổ còn tự mình đắm chìm trong thế giới của nữ giới. Khác hẳn với những vị Hoàng đế khác, Thạch Hổ trước sau không hề cho rằng trí lực của  phụ nữ kém hơn so với nam giới.

Vì vậy, trong hậu cung của Thạch Hổ không hề có thái giám mà toàn bộ đều là các nữ quan. Thạch Hổ đã thành lập hẳn một “nội các” bao gồm toàn các nữ quan nhằm giúp việc cho mình. Các nữ quan trong triều đình Hậu Triệu, theo trình độ văn hóa và lý lịch được chia làm 24 cấp bậc, trong đó cấp bậc cao nhất là Nữ Thượng thư và Thị trung, đảm nhiệm vai trò của một thư ký và cố vấn trong triều đình.

 


Khác với cung nữ trong các hậu cung khác mặc những chiếc áo thêu dài là lượt, cung nữ trong hậu cung của Thạch Hổ trông giống như những kỵ sỹ trên thảo nguyên, ăn mặc theo kiểu con nhà võ. Trong đó, nữ Thượng thư là chức quan to nhất, trở thành người tổ chức “nội các” cho Thạch Hổ, giải quyết tất cả những công việc triều đình liên quan.

Nữ Thượng thư là người tinh thông chữ nghĩa, phụ trách việc tiếp nhận các tấu chương do các bộ của triều đình cũng như quan lại địa phương gửi về, phân loại rồi trình cho Hoàng đế phê chuẩn. Nhiệm vụ của nữ Thị trung còn rộng hơn, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho Hoàng đế và Hoàng hậu, đồng thời nữ Thị trung cũng là người truyền đạt các mật chỉ của Hoàng đế.

Ngoài hai chức vụ là Thượng thư và Thị trung, Thạch Hổ còn đào tạo nên các nữ Thái sử, chức quan chuyên lo việc quan sát và dự đoán thiên văn, một chức vụ cực kỳ quan trọng trong triều đình.

 Không chỉ thế, để thuận tiện cho các nữ Thái sử làm việc, Thạch Hổ còn cho xây dựng các đài thiên văn chuyên dụng trong cung. Khi đó, người ta tin rằng quan sát các vì sao có thể dự đoán được lành dữ cũng như vận mệnh của mình, vì vậy, bất cứ thay đổi nhỏ nào trên bầu trời đều phải được ghi chép lại một cách cực kỳ tỉ mỉ.

 Tuy nhiên, Thạch Hổ cảm thấy không thể tin được các quan làm việc tại đài thiên văn của triều đình vì vậy quyết định thành lập riêng một đài thiên văn trong cung do các nữ Thái sử đứng đầu. Mỗi khi các quan trong triều nộp báo cáo quan sát thiên văn, bao giờ cũng phải mang đối chiếu với báo cáo của đài thiên văn mà Thạch Hổ thành lập trong cung rồi mới đưa ra quyết định. Đủ thấy, Thạch Hổ tin tưởng vào đội ngũ nữ quan của mình tới mức nào.

Hai năm sau lần xưng đế thất bại diễn ra vào năm 337, năm 349, sau hơn 10 năm ngồi ở ngôi Thiên Vương, Thạch Hổ quyết định tổ chức một lần đăng cơ nữa, tự xưng làm Hoàng đế. Tuy nhiên, có vẻ như ông trời thực sự không muốn Thạch Hổ trở thành một Hoàng đế. Ngay trong năm ấy, Thạch Hổ qua đời vì bạo bệnh.

Ngay sau đó, Hậu Triệu rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn dẫn tới việc nhà Hậu Triệu bị tiêu diệt chỉ 2 năm sau đó.

Trên thực tế, tấn bị kịch của dòng họ Thạch bắt đầu từ trước khi Thạch Hổ trút hơi thở cuối cùng và chấm dứt cuộc sống xa hoa của mình. Thạch Hổ vốn nhiều con trai nhưng lại chỉ yêu quý 2 người là Thạch Tuyên và Thạch Thao.

 Một hoàng tử khác là Thạch Thúy bất mãn vì Thạch Hổ thiên vị, vì vậy, lập mưu giết cha để đoạt ngai vàng. Tuy nhiên, kế hoạch lọt đến tai Thạch Hổ, Thạch Thúy cùng hơn 200 người liên quan bị Thạch Hổ giết chết trong cùng một ngày. Sau khi Thạch Thúy bị giết, Thạch Tuyên trở thành Thái tử. Tuy nhiên, bi kịch “cốt nhục tương tàn” của dòng họ Thạch vẫn chưa kết thúc ở đây ngược lại càng thêm phần kịch liệt.
 

Thạch Tuyên sau khi trở thành Thái tử lại ghen ghét vì Thạch Thao được Thạch Hổ sủng ái hơn vì vậy tìm cách giết chết Thạch Thao. Không lâu sau đó, trong một lần xung đột giữa hai anh em, Thạch Tuyên đã chặt đứt tay chân của Thạch Thao, chọc mù mắt, rồi mổ bụng cho tới chết. Thạch Tuyên lên kế hoạch, dự định trong đám tang của Thạch Tháo sẽ giết luôn cả Thạch Hổ để cướp ngôi.

Thạch Hổ nghe tin đứa con yêu của mình là Thạch Thao bị giết chết liền ngã lăn ra hôn mê. Ban đầu, Thạch Hổ dự định sẽ chủ trì tang lễ của Thạch Thao, tuy nhiên, do các quan ngăn cản, lo rằng có kẻ lợi dụng cơ hội hành thích nên Thạch Hổ mới thôi.

Sau này, khi Thạch Hổ biết rằng Thạch Thao bị chính anh thái tử Thạch Tuyên giết chết thì nổi giận đùng đùng, sai nhốt Thạch Tuyên vào cung cấm, đến bữa ăn thì đổ đồ ăn vào máng, cho ăn như súc vật. Tuy nhiên, vẫn chưa hạ cơn tức giận, Thạch Hổ cuối cùng ra lệnh thiêu sống Thạch Tuyên rồi giết toàn bộ gia đình bao gồm vợ và chín đứa con của Thạch Tuyên.

Sau khi Thạch Hổ chết, một đứa con khác của ông ta là Thạch Tôn lên ngôi vua. Tuy nhiên, ngồi trên ngai vàng chưa ấm chỗ thì Thạch Tôn đã bị Thạch Giám giết chết. Thạch Giám lên ngôi chưa đầy một năm, tới năm 351 thì bị quân đội Nhiễm Mẫn giết chết. Triều đình Hậu triệu chấm dứt trong bi kịch tang thương.

Đại Nam
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc