Nỗi đau của người đàn ông bị ’cắm sừng’ khi ở tù

07:28, Chủ nhật 21/10/2012

( PHUNUTODAY ) - “Đáng lẽ, khi thấy tôi vì buôn ma túy mà phải vào lao tù, thì cô ấy phải lấy đó làm bài học, đằng này cô ấy lại hám tiền và cặp kè với người khác để lĩnh án nặng. Giờ đây, cô ấy làm thì phải tự chịuhellip;”,Lý nói.

Đối mặt với 17 năm tù, Nguyễn Quang Lý, SN 1963, trú tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, đau đớn nhận tin vợ mình đã cặp kè với người đàn ông khác. Đó là lý do mà vợ gã ngày càng ít khi vào thăm chồng …

[links()]

Cái nghèo đeo bám

Sinh ra ở Sơn Quả, Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang, Lý là con thứ hai trong một gia đình có ba anh em trai. Người xưa vẫn nói, “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần”, không biết có đúng với gia đình nhà người khác, nhưng với gia đình gã thì không lệch đi đâu.

Vì bố mẹ gã dù có lao động chăm chỉ nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết từ năm này qua năm khác. Mấy anh em gã không ai được học hành đến nơi đến chốn, đều bỏ giữa chừng để ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng.

Năm tròn 20 tuổi, thì gã xây dựng gia đình. Vợ gã là một cô gái cùng xã, gia cảnh cũng không khá khẩm hơn nhà gã là bao, gia đình cô có tới 9 anh chị em.

Lấy nhau về, bố mẹ hai bên không có của hồi môn, nên hai vợ chồng gã phải bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Gã lại tiếp tục công việc cấy cày quen thuộc của nhà nông, còn vợ gã ở nhà làm đậu phụ bán, rồi chăn nuôi thêm lợn gà.

Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng vợ chồng gã sống với nhau rất thuận hòa. Một năm sau ngày cưới, vợ gã sinh một bé gái, rồi những năm sau đó, bốn đứa con nữa của gã lần lượt chào đời. Từ khi đứa con đầu tiên ra đời, cuộc sống gia đình gã trở nên thiếu thốn bộn bề.

Để có thêm thu nhập gã xin đi làm công nhân ở đội công nhân Sông Cầu, nhưng chỉ được khoảng một năm thì gã xin nghỉ. Đến năm 1985, gã về làm cho đội sản xuất ở địa phương.

Phạm nhân Nguyễn Quang Lý
Phạm nhân Nguyễn Quang Lý

Tiếng là làm ở đội sản xuất, nhưng thu nhập của gã chẳng đủ nuôi bảy miệng ăn trong nhà. Vì thế, đến năm 1992, gã mày mò học thêm về điện rồi làm “kĩ sư” điện của làng. Với công việc ấy, cùng với những mẻ đậu phụ của vợ, hai vợ chồng gã chắt bóp cũng đủ để nuôi năm đứa con.

Tuy chật vật nhưng gã cũng tạm hài lòng. Cuộc sống tưởng chừng cứ thế êm trôi, nào ngờ bi kịch đã xảy ra, đẩy cuộc đời gã vào chỗ tối.

Ông trùm ma túy

Từ năm 2000, xã Lương Phong nơi gã sinh sống bỗng có nhiều người “phất” lên trông thấy. Nhà cao tầng cứ mọc lên sừng sững bên cạnh những căn nhà ngói cũ kĩ, lụp xụp. Nhìn người ta giàu lên, ngẫm lại gia cảnh mình, gã lân la dò hỏi “bí quyết làm giàu”.

Khi được vài người “bật mí” cho “bí quyết” là đi buôn “hàng trắng”, gã gật gù rồi về nhà suy nghĩ. Mới đầu gã cũng sợ, bởi gã biết “dính” vào ma túy là đi tù như chơi. Nhưng suy đi tính lại, gã lại thấy “được nhiều hơn mất”, bởi nhà gã nghèo lại đông con, vả lại gã thấy có mấy người trong làng giàu lên nhờ buôn ma túy mà vẫn chưa bị bắt, và quan trọng là gã có một người em lấy chồng trên Mộc Châu, Sơn La.

Gã đã lên đó chơi nhiều lần và rất thuộc đường đi. Thấy “điều kiện” rất thuận lợi nên gã tặc lưỡi và quyết định làm “vài chuyến” để nhanh chóng đổi đời. Nhưng giàu sang chưa thấy đâu, Lý đã bị tra tay vào còng, và giấc mộng đổi đời của gã cũng theo đó mà tan biến.

Đầu năm 2006, Nguyễn Quang Lý lên nhà cô em ở Mộc Châu, Sơn La. Trên đường đi, Lý có đi xe ôm của một người được giới thiệu tên là Đức nhưng không rõ địa chỉ. Qua nói chuyện, Lý biết Đức có heroin bán nên đã hỏi mua của Đức 3 cây heroin với giá 21 triệu đồng, mục đích mang về quê bán lấy lãi.

Sau khi mua bán xong, số heroin này được Lý gói trong 3 chiếc bao cao su. Khi về nhà, Lý để toàn bộ 3 cây heroin trong chiếc hòm tôn của gia đình để bán nhiều lần cho Dương Ngô Tiến. Tiến mua về sử dụng, số còn lại đem bán cho Nguyễn Văn Du để lấy lãi. Và Lý cũng bị chính những “khách hàng” này của mình tố cáo.

Ngày diễn ra phiên tòa xét xử Lý và đồng bọn, trong phòng xử kín người, hầu hết đều là người nhà của các bị cáo. Bố mẹ, vợ con Lý đều đến đủ. Khi nghe tòa tuyên phạt 17 năm tù, mức án cao nhất so với đồng bọn, Lý thật sự choáng váng, bởi gã không nghĩ cái giá mình phải trả lại cao đến vậy.

Phía đằng sau, mẹ gã khóc ngất vì thương và tiếc cho con trai, bởi nó bị đồng tiền làm cho lóa mắt, để giờ đây khi đã lên đến “chức” ông ngoại, mà vẫn phải đi tù để trả giá cho những lỗi lầm.

Lý đã thụ án tại trại giam được gần 5 năm. Nhưng gã bảo rằng, ngần ấy thời gian là nỗi cay đắng và đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi căn bệnh tiểu đường tái phát, nó hoành hành khiến gã đau đớn mà cũng chỉ có một mình.

Những lúc như thế, gã mới thấy cái giá phải trả quá đắt. Lý bảo rằng, ngày mới lên trại gã hay suy nghĩ. Nhiều đêm gã nằm nghĩ vẩn vơ đến gần sáng mới chợp mắt được một lát. Càng nghĩ, gã càng thấy tiếc, giá mà gã không ham tiền, thì giờ này gã đã không phải ở bên bốn bức tường lạnh lẽo, mà đang sum vầy với con với cháu.

Nhưng dần gã cũng nguôi ngoai, khi mà tháng nào vợ cũng lên thăm, rồi có tháng con gái gã mang cả cháu lên thăm ông ngoại.

Mỗi lần vợ gã lên trại thăm chồng đều động viên gã yên tâm cải tạo, không cần lo lắng chuyện ở nhà, tất cả đã có vợ lo. Gã lấy làm hài lòng, dù không nói ra nhưng Lý thầm cảm ơn vợ. Gã còn thấy thương vợ khi phải chạy đôn chạy đáo vừa lo cho chồng trong trại, vừa gánh vác, lo toan mọi việc trong gia đình.

Xuất hiện kẻ thứ ba

Nhưng gã đâu có ngờ, mấy năm trời gã trả án trong trại, là mấy năm vợ gã, Lưu Thị Thuần (SN 1964) cho Lý “mọc sừng”. Vợ gã ở nhà “giăng bẫy tình” với Nguyễn Tiến Dũng (SN 1952, ở Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên). Hai người “cặp kè” với nhau, rồi vợ gã rủ người tình đi tiếp “con đường” mà gã đang đi dở.

Nhờ buôn ma túy mà vợ gã ở nhà sống một cuộc sống vương giả, rồi thỉnh thoảng lại đi du lịch, đi dã ngoại với người tình. Đôi nhân tình còn lãng mạn rủ nhau lên Sapa để ngắm tuyết rơi… Để có tiền cho những chuyến du hí đó, vợ gã đã dính chàm, trở thành “bà trùm” buôn bán ma túy.

Thuần đã bị bắt vào tháng 6/2012 trong một chuyên án ma túy lớn nhất của CA tỉnh Bắc Giang, với tổng số tang vật thu giữ lên tới 62 bánh heroin.

Sau khi chồng đi tù, Thuần “nổi” như cồn và được đánh giá là “bà trùm” ma túy ở khu vực nóng nhất về ma túy ở Bắc Giang. Cuộc vây bắt Lưu Thị Thuần cũng khá gian nan, các trinh sát tới nhà thì Thuần vừa đi khỏi nhà.

Truy tìm theo dấu vết nóng, đến bến xe Kim Mã, Hà Nội, các trinh sát đã tóm gọn được “bà trùm” giải về CA tỉnh Bắc Giang. Tại đây, Thuần cho rằng, công an không có chứng cứ gì vì thị không bao giờ nhận hàng, không giao hàng, tất cả chỉ đạo đều qua điện thoại và tiếp xúc với “trùm ma túy” ở Loóng Luông một cách riêng biệt, kín đáo, nên bọn vận chuyển có bị bắt thì cũng không biết thị là ai.

Nhưng chính sự tự tin đến mức mù quáng ấy lại là điểm yếu. Thị đã phải cúi đầu nhận tội trong ngỡ ngàng. Những lần thị cùng người tình đi xe ôtô con lên Sơn La trả tiền mua ma túy, rồi cả những lần “dã ngoại” cùng người tình lên Tây Bắc xem tuyết rơi ở Sa Pa đều không nằm ngoài “tầm ngắm” của công an.

Thuần giao cho người tình làm hết mọi việc, từ nhận hàng đến giao hàng, còn mình chỉ thu tiền, trả tiền. Sau khi hình thành đường dây ma túy từ Sơn La về Bắc Giang, Thuần rất nhàn. Hàng từ Sơn La đem xuống, Dũng nhận giao xong, ít ngày sau Thuần mới phải lên Sơn La trả tiền cho “trùm” trên đó.

Ngày vợ gã bị bắt và được “nổi tiếng” nhờ báo chí, tuy ở trong trại nhưng Lý cũng nghe phong thanh vì mấy anh em cùng phòng giam nói. Nhưng gã vẫn không tin, thậm chí đến khi được đọc báo, nhìn rõ ảnh của vợ trên mặt báo, gã vẫn một mực không tin đó là sự thật bởi Lý vẫn một lòng tin vợ.

“Khi biết chắc chắn là vợ tôi đã bị bắt vì buôn ma túy, tôi sốc mất 1 tháng trời, ốm liệt giường và không làm nổi việc gì”, Lý chia sẻ. Giờ đây, khi biết vợ mình ở nhà “cặp bồ” rồi đi buôn ma túy, Lý không còn thấy thương vợ nữa mà quay sang hận vợ:

“Đáng lẽ, khi thấy tôi vì buôn ma túy mà phải vướng vào chốn lao tù, thì cô ấy phải lấy đó làm bài học mà tỉnh táo, đằng này cô ấy lại hám tiền và cặp kè với người khác để lĩnh án nặng. Giờ đây, cô ấy đã làm thì cô ấy phải tự chịu…”, Lý tâm sự.

Nghĩ về gia đình từ nay không còn ai chèo chống, bố mẹ già ở nhà không ai trông nom, bản thân gã lại đang bệnh tật, gã càng giận vợ nhiều hơn: “Giờ cả hai vợ chồng đều bị bắt thì gia đình tôi không biết trông cậy vào ai, trong lúc tôi ốm đau bệnh tật thế này thì vợ lại bỏ rơi. Giờ tôi không muốn nghĩ và cũng không muốn nhắc lại chuyện của vợ, cố gắng yên phận cải tạo để tư tưởng được thông thoáng”, gã chia sẻ thêm.

Khi tôi hỏi rằng: “Sau tất cả mọi chuyện của gã và của vợ, Lý có thấy mình có lỗi? Gã trả lời với giọng gay gắt: “Lỗi không chỉ của tôi mà còn do xã hội, do cái nghèo, cái đói và… vì hoàn cảnh nên tôi đến bước đường cùng”. Có lẽ, mức án 17 năm tù xứng đáng với gã và phải từng ấy năm, mới đủ cho gã nhận ra tội lỗi của mình…

  • Bảo Nam
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc