Nỗi oan và tấm lòng thơm thảo của người giúp việc

13:29, Thứ hai 10/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Mở túi, bà lôi ra một chiếc phong bì. Bên trong là một ít nữ trang và một xấp tiền. “Có phải đây là những gì đã mất không mẹ?” – tôi hỏi. Bà ngập ngừng: “Không, không,hellip; à, những cái này không giống cái mẹ đã mấthellip;”

Mặc dù chồng tôi là con trai thứ ba trong gia đình có 4 anh em trai, nghĩa là không phải con cả cũng không phải con út, thế nhưng mẹ anh ấy luôn có một tình cảm đặc biệt với chúng tôi. Bà thường bày tỏ mong muốn sống chung với vợ chồng tôi trước mặt mọi người. Thế là ngay sau khi chúng tôi mua được căn nhà mới to đẹp hơn trong nội thành Đà Nẵng, bà đã lập tức gói ghém đồ đạc chuẩn bị sẵn sàng rời ngôi nhà mà bà ở một mình bao lâu nay để đến sống cùng chúng tôi tại ngôi nhà mới.

Mẹ chồng tôi năm nay tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn minh mẫn và ham đọc sách báo lắm. Tôi may mắn rất hợp với bà trong mọi chuyện, từ quan điểm sống đến những việc lặt vặt cụ thể như nấu nướng, giặt giũ.

Mẹ con tôi thường ngồi hàng giờ sưởi nắng vào những buổi sáng cuối tuần để to nhỏ những câu chuyện cũ mới. Tôi rất thích nghe bà kể chuyện thời xưa, những thói quen đã mất, những phong tục thú vị, những chuyện ngày bé của chồng tôi…

Vì có mẹ chồng nên tôi đã tìm thuê một người giúp việc để đỡ đần việc nhà. Chị tên là Vân, hơn tôi mấy tuổi, tôi nhờ chị Vân việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa là chính. Mẹ chồng tôi và chị Vân cũng nhanh chóng thân thiết với nhau.

Tuổi đã cao nên dần dần sức khỏe mẹ chồng tôi sa sút, bà phải nằm trong giường nhiều hơn, tuy nhiên đầu óc bà vẫn sáng láng, bà vẫn không bị lẫn chuyện nọ chuyện kia, những người lâu không gặp bà vẫn nhận ra lập tức.

Vốn quảng giao, bà vẫn thích mọi người đến chơi để được chuyện trò, vì thế mà chúng tôi cũng hay tổ chức ăn uống để có cớ mời anh em họ hàng tới nhà gặp gỡ, hàn huyên.

tôi tin, ở dưới suối vàng, mẹ chồng tôi đã được thanh thản, bởi vì chị Vân đã tha thứ cho bà từ sâu trong tấm lòng bao dung của chị ấy.
Tôi tin, ở dưới suối vàng, mẹ chồng tôi đã được thanh thản, bởi vì chị Vân đã tha thứ cho bà từ sâu trong tấm lòng bao dung của chị ấy.

Tháng 12 năm ngoái, nhà chồng tôi có đám cưới đứa cháu. Mẹ chồng tôi bảo bà muốn may một bộ áo dài mới, vải nhung the màu mận chín có thêu hoa sen. Theo chỉ dẫn của bà, tôi đi mua vải và đặt thêu, đặt may tại nhà hàng mà bà tín nhiệm nhất sau khi tham khảo đủ thông tin từ các bà hàng xóm.

Mẹ chồng tôi quyết định đến nhà cô cháu gái và ở lại chờ đám cưới xong mới về lại nhà tôi. Nhiều đêm thức khuya cộng với thức ăn không phù hợp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, hậu quả là đúng vào ngày cưới, bà lại phải đi cấp cứu tại bệnh viện, lỡ cả dịp vui mà bà chờ cả tháng.

Khi được xuất viện về đến nhà, mẹ chồng tôi lục lọi cái túi mà bà để ở trong phòng riêng mãi. Rồi bà bảo tôi: “Mẹ để 6 triệu trong túi này cùng với ít nữ trang, bây giờ đi đâu hết rồi không biết!” Bà tuyên bố chỉ có chị Vân lấy nó chứ không ai khác.

Tôi thì không tin. Thế nhưng vào đúng lúc mẹ chồng tôi trở về nhà đó, chị Vân lại tự dưng xin nghỉ ốm. Mẹ chồng tôi càng đoan chắc rằng chị ấy là thủ phạm. Ngay cả tôi cũng thấy là lạ, chị Vân chưa bao giờ xin nghỉ ốm cả.

Hai ngày sau, chị Vân quay lại nhà tôi làm việc, tôi tế nhị nói loáng thoáng chuyện bà mất tiền mất đồ. Chị Vân bỗng nhiên trở nên luống cuống, nói những lời lẽ tức giận rồi chị tìm khắp nơi để cố chứng minh sự vô tội của mình.

Tôi trấn an chị rằng tôi tin vào sự chân thật của chị - tôi nói rằng chỉ mỗi mình bà nghi thế thôi, còn tôi thì không nghĩ thế.

Chị Vân khóc rất nhiều rồi bỏ đi, chị ấy không quay lại nhà tôi nữa. Tôi cảm thấy rất buồn, nhưng tôi cũng nhớ rằng mẹ chồng tôi chưa bao giờ đổ lỗi cho ai mà không có lý do cả. Chúng tôi đã tìm kiếm thêm nhiều lần nữa nhưng những gì cần thấy vẫn vô tăm tích.

Trong suốt mấy tháng sau, chúng tôi cố tìm một người giúp việc khác, nhưng chẳng ai trong số đó sánh được với sự chu đáo, sạch sẽ, cẩn thận của chị Vân. Cuối cùng tôi đành phải tự mình lãnh công việc nấu nướng và ti tỉ việc không tên khác trong nhà.

Một hôm, trong lúc chúng tôi chuẩn bị quần áo để đi dự một buổi liên hoan mừng thọ ông chú họ, mẹ chồng tôi gọi tôi đến tìm cái khăn san cho bà, chiếc khăn này cũng đã được đặt thêu để đi kèm với cái áo dài mẹ chồng tôi định mặc đi ăn cưới cô cháu gái.

Tôi tìm trong ngăn kéo và tủ quần áo của bà, tìm cả trong cái hòm bà để dưới gầm giường nữa, thế rồi tôi thấy cái túi nhung mà mẹ chồng tôi đã định cầm theo trong đám cưới ở dưới gầm giường. Tôi đưa nó cho bà.

Mở túi, bà lôi ra một chiếc phong bì giấy màu nâu và một cái túi nhung đỏ nhỏ xíu. Bên trong là một ít nữ trang và một xấp tiền. “Có phải đây là những gì đã mất không mẹ?” – tôi hỏi.

Bà ngập ngừng: “Không, không,… à, những cái này không giống cái mẹ đã mất…”

Tôi không nói gì nữa và rời khỏi phòng bà.

Bữa sáng hôm sau, mẹ chồng tôi bảo: “Con à, con thử cố tìm xem chị Vân ở đâu. Bảo chị ấy đến gặp mẹ.” Khi tôi nhắc bà rằng chị Vân đang bị nghi là thủ phạm vụ trộm, bà nói nhỏ: “Con đã quen với kiểu làm việc của chị Vân rồi, tìm mãi không người giúp việc nào ưng ý bằng chị ấy, gọi chị ấy về làm cho con đỡ vất vả”.

Thật không may, tôi không tìm được dấu vết gì của người giúp việc cũ nữa. Tôi gọi vào số điện thoại của chị nhưng số điện thoại đã bị khóa. Đã thế, mẹ chồng tôi lại cứ nài nỉ tôi cố tìm chị Vân thêm, tôi trách bà sao lại muốn nhìn mặt kẻ trộm đồ của mình làm gì nữa.

Bà thều thào nho nhỏ: “Có Chúa chứng giám, ta đã gây ra tội”. Hôm đó là khoảng 4 tháng sau khi chị Vân bỏ đi, cô tôi hớt hải gọi tôi vào phòng mẹ chồng tôi. Bà thở khó nhọc rồi bảo: “Mẹ sắp đi rồi.”

Tôi chạy đi gọi ông bác sĩ sống ở gần nhà. Khi tôi trở về đã thấy chồng tôi khóc, nước mắt giàn giụa. Mẹ chồng tôi đã trút hơi thở cuối cùng.

Khi tin mẹ chồng tôi mất lan ra, mọi người thân thích bắt đầu đổ về nhà thôi. Giữa lúc tang thương buồn đau, nhà tôi bỗng có tiếng chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là một giọng nói quen thuộc: “Cô Hà à, tôi Vân đây!”

“Chị Vân!” – tôi nói, giọng run run - “mẹ chồng em mất rồi”.

“Bà mất rồi ư? Bao giờ? Tôi sẽ đến ngay!”

Một lúc sau, chị Vân đến, chị đi thẳng tới chỗ mẹ chồng tôi và bắt đầu giúp chúng tôi các việc khâm liệm, tang ma, chôn cất. Sau đó, chị lại lo trà nước cho mọi người, như thể chị chưa bao giờ nghỉ việc ở nhà tôi vậy.

Khi mọi việc xong xuôi, mọi người đã vãn cả, chỉ còn chị Vân ở lại, chị vẫn tiếp tục làm việc trong bếp. Chồng tôi vào bếp và nói với chị: “Xin chị hãy thứ lỗi cho mẹ tôi, chị Vân nhé!” Chị Vân khóc rồi nghẹn giọng đáp lời: “Xin anh đừng nói vậy. Tôi coi bà như mẹ của mình thôi.”

Chị Vân vẫn giúp việc cho chúng tôi, một người giúp việc đáng tin cậy, chu đáo và trung thành. Một hôm, tôi hỏi hôm đó ai đã báo cho chị biết về cái chết của mẹ chồng tôi.

Chị trả lời: “Không ai nói cho tôi biết cả, cô ạ. Tôi đang đi làm ngang qua cái bốt điện thoại. Tôi không biết điều gì đã khiến tôi bước vào cái bốt điện thoại đó hay tại sao tôi lại muốn gọi điện cho cô vào hôm đó nữa.”

Riêng tôi, tôi vẫn tự nhủ, nếu như chúng tôi tìm được chị Vân sớm hơn, mẹ chồng tôi đã có thể xin chị Vân thứ lỗi, nhưng ông trời đã không cho điều đó xảy ra. Ông trời đã mang mẹ chồng tôi đi trước để bà không phải đối mặt với nỗi thẹn khi phải thú nhận lỗi lầm của mình.

Nhưng tôi tin, ở dưới suối vàng, mẹ chồng tôi đã được thanh thản, bởi vì chị Vân đã tha thứ cho bà từ sâu trong tấm lòng bao dung của chị ấy.

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc