NSND Trần Hiếu: "Tôi có cảm giác của một con cò mẹ..."

08:05, Thứ bảy 25/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Khẳng định rằng mình vất vả vì tình yêu của Trần Thu Hà#160; hơn là của Trần Hoàng, nhưng NSND Trần Hiếu cũng đinh ninh, điều ông trăn trở và nỗ lực nhiều hơn cả là vì sự nghiệp, chí hướng của hai đứa con.

(Phunutoday) - Được biết đến như một “diva” với tính cách chừng mực, chín chắn và tinh tế của âm nhạc Việt Nam, nhưng thuở nhỏ, Trần Thu Hà lại là một cô bé bướng bỉnh. Những đợt sóng ngầm trong trái tim thiếu nữ của cô ca sĩ “Em về tinh khôi” đã khiến người cha Trần Hiếu không khỏi nhiều phen lo âu thấp thỏm, phải “bày mưu tính kế” để khéo léo chăm lo và định hướng cho con.


Chúng tôi gặp NSND Trần Hiếu trong không gian không hoàn toàn yên tĩnh. “Tay hề đại tài trên sân khấu ca nhạc” một thời, nay tóc đã thưa, mắt đã mờ, ria điểm bạc, da đồi mồi, bàn tay bấm điện thoại và cầm bút đã chầm chậm và run. Giọng nói vẫn trầm ấm và vang của ông vẫn đủ sức “hạ gục” mọi xao động khác để người nghe đắm sâu vào câu chuyện riêng ông. Nếu coi cuộc đời như một sân khấu lớn, thì ông tự thấy mình như một anh “Tư Bền”* nhỏ ở hậu trường số phận.

Người nghệ sĩ già tự bạch: sau ánh đèn sân khấu, sau những pha chọc cười ồn ã, khỏe khoắn tươi vui, sau tất cả những nét duyên ngỡ như rất hồn nhiên dí dỏm đó, ông lận đận một kiếp đời, rất nhiều lần “liêu xiêu trong cảm giác cô đơn”. Có khi ông cô đơn trong cả những cuộc vui.

mal">


Tuy thế, khi chia sẻ về những kỷ niệm với 2 người con – ca sĩ Trần Thu Hà và họa sĩ Trần Hoàng, đôi mắt ông lúc nào cũng ánh lên những niềm vui lấp lánh. Trần Hiếu khẳng định: “Dù trong hoàn cảnh nào của cuộc sống, đó vẫn là 2 tình yêu lớn, là một lòng tự hào ngầm làm cho mình rất khoái. Tôi rất ưng 2 đứa con, nay chúng đã thành tài”. Có được điều ấy, phần nào phải nhờ cách chăm lo lặng thầm và tế nhị của ông đối với con gần nửa thế kỷ qua.

“Tôi rúng động khi Hà yêu lần đầu”

Tuổi 14 của Trần Thu Hà, bất ngờ cả 3 cha con sụt vào một khoảng trống. Đó là khi người vợ đầu của Trần Hiếu – nghệ sĩ Vũ Thúy Huyền qua đời. Hà thiệt thòi hơn anh Hoàng, thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, bởi có nhiều chuyện mẹ và con gái chia sẻ được thì tốt hơn. Bản tính Hà từ bé đã có chút âm thầm, chơi cái gì hay lầm lầm  một  mình.
Mẹ mất đúng vào khi ấy, cô bé bướng bỉnh dường như càng im lặng hơn trong nỗi cô đơn mất mẹ. Đó cũng vào lúc việc học đối với Hà đang ở vào thời kỳ quan trọng nhất. Đó cũng vào lúc cô bắt đầu có “sóng trong ngực”, có những rung động đầu đời, biết tương tư, biết làm thơ … Vẻ ngoài có phần trầm tư, nhưng ẩn bên trái tim hiếu nữ ấy là một cá tính rất kiên cường và ước mơ mãnh liệt.

Tuổi 20 cô  bắt đầu yêu. Nhớ lại thời điểm này những nếp nhăn trên trán NSND Trần Hiếu chun lên theo chiều ngang khi ông nhấn mạnh: “Lúc này là lúc tôi cần phải biết nhất thì nó lại giấu! Hồi đó nó đang học đại học, cứ âm thầm ngưỡng mộ một anh chàng cùng trường, đánh trống hay mà đẹp trai lắm! Nó chỉ có yêu 1 cách đơn phương chứ ko dám thổ lộ, mà cũng lại lầm lầm không chia sẻ với ai".

Bố Trần Hiếu quan sát “tận tình” nên cảm nhận ra điều đó. Ông không giấu giếm cảm giác khi ấy hết sức lo lắng vì đó là thời gian việc học đối với Hà là vô cùng quan trọng. Anh chàng đẹp trai lại rất hay đến nhà chơi với anh Hoàng. Thế nên “Cả bố cả anh đều hay phải để ý, như hai thám tử trong nhà!”.

Ông nhớ lại, để giải quyết vấn đề này, ông kể với con về nghệ sĩ Vũ Thúy Huyền - mẹ của cô: “Ngày xưa bố mẹ yêu nhau cũng bằng tuổi con, nhưng bây giờ đã khác. Ngày xưa bố mẹ phấn đấu trong học tập ko giống con bây giờ. Thanh niên hiện nay 28, 30 tuổi mới lấy vợ lấy chồng, như lúc này thì sớm quá, thôi, cố gắng tập trung vào học, không phải chỉ học hát cho hay mà phải giỏi tất cả các môn!”

Khi nghe những lời “giáo huấn” ấy, Hà chỉ im lặng, không cãi, cũng không tỏ thái độ gì, Trần Hiếu có lẽ cũng rối tung vì “không biết nó có chịu nghe không”. Thời gian đó, khi Hà từ 18 đến 22 tuổi bố không ở gần Hà được nhiều, hai bố con đã có phần xa nhau mà Hà thì lại càng lặng im trong nỗi cô đơn mất mẹ. Nhưng ông bố có bản lĩnh “Con Voi” không hề nao núng! Ông “tư duy” đâu ra đấy: “Điều đó không làm tôi khó hiểu vì ngày xưa tôi cũng im lặng, con cái im lặng là nó có không gian riêng. Không gian ấy người lớn xâm phạm vào thô bạo là hỏng chuyện.”

Điều đáng tự hào là ông giữ được điều đó: “phải tôn trọng không gian riêng của con cái, của cả Hà và của Hoàng. Nếu lấy quyền bố, quyền anh mà can thiệp nó sẽ cách xa ra. Phải nhờ người khác nữa”

Tuổi 14 đến 22, Trần Thu Hà còn làm thơ nhiều hơn, viết thơ kiểu mới, tự do, về đủ thứ trên đời, thuở đó Hà cũng hay bàn lẽ đời. Cô bé Hà hay đưa cho bố xem. Ông thực sự vui sướng và rất trân trọng, vì điều đó là con đã cho ông tham gia phần nào vào không gian của nó rồi, nhờ thế giúp ông hiểu được con khi bố con không có nhiều điều kiện ở gần nhau.

Cũng nhờ  sự quan tâm thầm lặng và cư xử khéo léo, Trần Hiếu đã giải quyết được cả  vấn đề lo nghĩ về 2 mối tình sau của cô  con gái, để giúp cuộc đời Hà trôi qua êm  ả, ấm áp yêu thương hơn. Lần thứ nhất là khi “cô bé khó tính”, hay làm thơ, thường hay chiêm nghiệm lẽ đời, cô bé cứng đầu và “già trước tuổi” của ông yêu một nhà báo người Mỹ.
d
NSND Trần Hiếu

Người phóng viên yêu và rất thương cô nhưng không phải yêu vì giọng hát – lý tưởng mà Hà say mê và kiên gan đeo đuổi suốt đời. Người ấy có thể không đi xem cô biểu diễn. Khi Hà diễn về người ấy cũng có thể chẳng hề hỏi han, sẽ chẳng thể sẻ chia về con đường âm nhạc. Nhưng người ấy thật lòng yêu thương cô, không dễ gì dứt bỏ. Tâm lý người cha lo lắng biết nhường nào, liệu chúng có thể hòa hợp mãi chăng?

Lần thứ  2, có kẻ yêu Hà say đắm mà Hà chỉ  mến không yêu. Nhưng nếu không có cách nào tác  động, một ngôi sao theo đuổi một ngôi sao cũng rất có  thể sẽ gây nhiều chuyện xôn xao, rắc rối. Điều  đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp ca hát của Trần Thu Hà đang lúc thành công. Thế mới hay, khi một “nhà thơ bút tre” viết mấy câu hóm hỉnh:

“Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con”

- câu thơ  ấy thật chí lí! Không phân biệt gái trai, và câu thơ lại rất đúng với NSND Trần Hiếu trong câu chuyện kể trên.

Trước tình hình “bối rối” thứ nhất, giải pháp của NSND Trần Hiếu là: một mặt “không tỏ ý phản  đối mà cũng chỉ “gợi ý” cho con nên xem xét lại những gì mà con có thể sẽ đối mặt. Mặt khác ông nhờ người giúp đỡ! Có cái may, nhiều bạn của Hà cũng là học trò của ông trong trường nên bạn bè của con ông cũng nắm khá rõ.

“Nhiều khi muốn chia sẻ, khuyên nhủ con gái điều gì, mình nói phần nào thôi, còn thì nhờ những người bạn bè, người thân mà nó yêu quý nữa.” – ông hồ hởi nói. Có như vậy, cân nhắc những lời của bố và của bạn bè, một thời gian sau Hà đã nhận ra và không còn tiếp tục tình yêu đó nữa.

Với câu chuyện thứ 2, một thời cũng có manh nha vài thông tin khép mở, nhận thấy nguyên nhân không nằm ở phía con gái mình, NSND Trần Hiếu quyết định tác động từ phía chàng trai si tình kia.

“Tôi vẫn rất trân trọng người con trai kia chứ, nhưng bằng sự chân thành tôi làm cho cậu ấy hiểu được hai người thật sự không nên đến với nhau, vì không tương hợp. Mãi rồi nhận ra điều đó, cậu ấy đã tự nguyện rút lui”. Mọi thứ đều nhẹ nhàng nhưng chân thành, và theo cách của đàn ông!” – NSND kể lại.

Sau tất cả  những hồi ức ấy, NSND Trần Hiếu khẳng định một điều giản dị: “Tình yêu là một chuyện phức tạp. Bố mẹ nào cũng quá lo âu, nhưng hãy nhớ lại mình khi ở tuổi đó để hiểu, tế nhị và tôn trọng”. Người cha già ấy cũng hết sức chú trọng khuyên bảo và làm gương cho các con bài học về “trách nhiệm trong tình yêu”.

Ông bồi hồi nhớ lại khi mẹ của Trần Thu Hà mất đi, ông rơi vào những ngày tháng rất cô đơn. Ông rất yêu bà giáo, đến mức lang thang thất thểu quán nước lề đường, sợ cảm giác trở về nhà vì ngôi nhà 30 năm qua “xó xỉnh nào cũng chứa đầy kỉ niệm”.

Bốn năm sau khi ông có người bạn mới để chia sẻ, ông nhắc lại: “dù suy nghĩ của các con và mọi người cũng đã thoáng, rất thoáng nhưng tôi vẫn đăng kí, cưới xin đàng hoàng. Nhiều người nói như vậy là quá mức không cần thiết. Nhưng tôi nhất quyết cho rằng trách nhiệm là rất quan trọng, thiêng liêng trong tình yêu, và bố mẹ phải làm gương cho con về điều đó”.


Khẳng định rằng mình vất vả vì tình yêu của Trần Thu Hà  hơn là của Trần Hoàng, nhưng NSND Trần Hiếu cũng đinh ninh, điều ông trăn trở và nỗ lực nhiều hơn cả là vì sự nghiệp, chí hướng của hai đứa con.

NSND Trần Hiếu và con gái
NSND Trần Hiếu và con gái


Đôi mắt ông nhộn nhịp hẳn lên và chốc chốc lại bật cười khi kể lại những trò chơi đùa tuổi thơ của họa sĩ Trần Hoàng và ca sĩ Trần Thu Hà. “Cô em thì còn nhỏ  đã ham biểu diễn, chuyên bắt bố mẹ phải mời hàng xóm sang trà nước làm khán giả, nó đứng lên ghế hát hết bài nọ bài kia. Thằng anh thì nghịch như quỷ, biết hát, cũng mê hát nhưng có vẻ quyết không theo nghề nhạc”.

“Bố mẹ theo nghiệp nhạc mà con không theo nghiệp nhạc, ko nối nghiệp mình tất nhiên tôi cũng nghĩ ghê lắm chứ” – NSND Trần Hiếu bày tỏ “Nhưng tôi xem ra say mê họa của nó (họa sĩ Trần Hoàng - PV) lớn hơn. Tôi không phản đối. Ngày xưa tôi cũng thế. Khi tôi bước vào ĐH Mỏ, lúc đó là khóa 1, cũng vinh dự lắm, nhưng vì yêu ca hát tôi đã bỏ để về học trung cấp nhạc. Tôi đã vậy thì cũng phải tôn trọng cái say mê của con.”

Cũng như  vậy, đối với Trần Thu Hà, khi cô nàng bướng bỉnh không chịu theo nghiệp bố về âm nhạc cổ  điển, ông cũng không thúc ép mà khéo léo rèn luyện. Trần Thu Hà từng “cự nự”: “ Sao bố  cứ bắt con học Đại học, (vì đại học nghĩa là cổ điển), trung cấp là hát nhạc nhẹ được rồi!”. Nhưng nếu không có cổ điển thì giọng hát rất khó mà đặc sắc. Vậy là NSND Trần Hiếu chuyển sang “biện pháp mềm mỏng”.

Khi là thầy giáo của con, ông tập cho Trần Thu Hà hát từ những đoạn nhạc cổ điển nhỏ có hơi hướng nhạc nhẹ. Dần dà cô nàng thích thú, rồi sau đó cổ điển cũng rất tốt. Về sau, “dù ít tuổi nhất lớp nhưng Hà đã là “trùm cổ điển””. Ông cũng khẳng định, sau này, nhờ có cổ điển mà giọng của Hà mới vượt lên được.

Trong suốt cuộc đời mình, nhất là từ khi con mới lớn, NSND Trần Hiếu luôn nhắc nhở và làm gương cho hai con về bài học vượt lên chính mình. Ông thường kể cho các con nghe về bài học “Tự phủ  nhận”, ngụ  ý: Con người thường hay có  tính tự tôn, nhiều khi hay bằng lòng với những gì mình đã làm được, như vậy khó vượt qua chính mình lắm. Ông muốn các con luôn luôn phải hướng tới một bản thân mới mẻ hơn, sinh động hơn.

“Bài học này tôi tìm thấy trong tác phẩm “Faust” của J.W. von Goethe và đến giờ còn tâm đắc. Tôi cũng muốn các con không được làm những ngôi sao. Và với vai trò của người đi trước, hiểu biết hơn, mình cần định hướng cho con trên đường sự nghiệp.”

Trần Hiếu  đã khép lại câu chuyện hồi ức bằng một so sánh lẫn lộn buồn vui: “Tôi có cảm giác của một con cò mẹ: Khi cò con được vài tuần, đủ lông đủ cánh, nó sẽ cắp con và bay lên cao rồi thả cho con tự tập bay. Nếu bay được, cò con sẽ dần trưởng thành và không cần dựa vào cò mẹ nữa. Con cò con của tôi có thể tự bay được rồi thì tôi lẻ loi hơn. Nhưng chắc hẳn điều đó là cần thiết”.

Hạ  Hòa
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc