Muốn chống quan liêu vô cảm ở công chức bằng cách dậy cười |
Khỏi phải nói, thông tin về viêc công chức sẽ tiến hành chống quan liêu, vô cảm mang lại niềm vui như thế nào với người dân. Trên thực tế, hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành vẫn còn nhiều người làm việc đủng đỉnh, xa dân và chưa trọng dân. Thậm chí có cán bộ còn vô cảm trước những khó khăn của người dân.
Nhiều ý kiến của người dân phản ảnh đến các cơ quan ngôn luận rằng một số cán bộ trong ngành thuế, cán bộ ở bộ phận một cửa vẫn còn hành dân. Mỗi lúc có việc cần đến các cơ quan ấy người dân còn chứng kiến những gương mặt lạnh lùng, những lời nói cộc lốc vô trách nhiệm.
Người viết bài này đã từng vô cùng bức xúc khi phải chứng kiến một cụ bà đứng ở bộ phận một cửa để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở. Cán bộ ở bộ phận ấy không những không hướng dẫn cho cụ về thủ tục giấy tờ mà còn cáu gắt, quát tháo, nói năng trống trơn. Hỏi chuyện mới biết, cụ đã theo đuổi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã 8 năm. Lý do đơn giản vì trong khu đất có một ngôi nhà của đứa con trai, dù đã ký xác nhận vào hồ sơ nhưng do công tác xa chưa có mặt để một cửa nhận diện! Oái ăm hơn có trường hợp dù hồ sơ đầy đủ nhưng bị hẹn lần, hẹn lữa… kéo dài những 6 năm. Bức xúc quá, bà cụ đăng ký gặp lãnh đạo cấp trên. Cũng may, gặp ông cán bộ có phong cách làm việc gần dân, ông đã kiểm tra sự việc và chỉ sau 2 ngày trường hợp này được cấp ngay cái “sổ đỏ”! Nếu không thì...cụ sẽ còn vất vả, bị hành lên, hành xuống nữa.
Còn nhiều lời than vãn nghe ra cũng khó chấp nhận không kém, người dân cần việc đến công sở, đã vào giờ làm việc, thấy phòng quạt vẫn chạy, đèn vẫn sáng nhưng không có người. Hỏi quanh thì được một cán bộ trả lời tỉnh queo là đang bận ăn uống, cà phê, chè nước, mọi người cứ ngồi đợi.
Căn bệnh vô cảm, nhũng nhiễu dân của các công chức bị lên án nhiều là vậy, nhưng cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào có thể xử lý triệt để.
Ngay cả với hai lĩnh vực để cao văn hóa, lòng nhân ái như giáo dục, y tế, thường xuyên có những chương trình rầm rộ tuyên chiến với căn bệnh vô cảm, bệnh thành tích trên cả nước mà dường như hiệu quả đạt được vẫn chẳng có gì đáng kể.
Người ta vẫn hay bảo phong bì chữa được bách bệnh, chỉ cần có đồng tiền đi trước là mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn hẳn, các mối quan hệ từ xa lạ sẽ dễ dàng trở nên thân tình như người nhà, ruột thịt, tuy nhiên, lắm khi phong bì cũng tỏ ra không hiệu quả. Chính vì vậy mà những câu chuyện như chạy trường, chạy điểm, hay những vụ việc như nhân bản xét nghiệm vẫn diễn ra và khiến dư luận vô cùng xôn xao bức xúc.
Có lẽ vì vậy mà cách đây không lâu Bộ Y tế mở lớp đào tạo bác sĩ biết cười và “cảm ơn” bệnh nhân, với hy vọng nụ cười, lời cảm ơn của bác sĩ có thể khiến bệnh nhân quên đi hết những buồn đau, khó chịu.
Từ đó, suy rộng ra có thể thấy rằng nếu muốn công chức chống vô cảm trong thực thi công vụ chỉ cần có những nụ cười, đào tạo cho họ cách cười với dân. Chỉ cần công chức biết cười với dân, người dân sẽ bình tĩnh mà trình bày sự việc, thời gian tiếp dân của công chức giảm đi, đồng nghĩa với việc hiệu quả tiếp dân sẽ cao hơn.
Đấy là chưa kể, đã nhận được một nụ cười thân thiện của các bậc công bộc, người dẫn sẽ bắt đầu có những suy nghĩ mạch lạc. Rằng các cụ ngày xưa đã dạy "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", "có tiền... làm cái gì cũng được"... Họ sẽ biết cách ứng xử làm sao để "thuận cả hai bề". Như vậy, công việc của người dân sẽ được giải quyết mau lẹ, công bộc nhà nước sẽ vui vẻ, nở nụ cười từ đầu tới cuối, không khéo còn được khen thưởng vì rất hiểu lòng dân.
Tất nhiên, nụ cười và sự hợp tác của các công bộc thôi là chưa đủ. Bản thân người dân khi đến các cơ quan công quyền cũng phải được huấn luyện những kỹ năng: phân biệt các dạng nụ cười, hiểu thấu tâm trạng công chức, mức độ khó khăn của công việc cần giải quyết.... để có những ứng xử cho phù hợp. Nếu làm được như vậy chắc chắn các cấp quản lý sẽ không còn phải nghe những càm ràm về công chức vô cảm nữa. Việt Nam đã hạnh phúc lại hạnh phúc thêm nhiều lần.