30 % công chức Việt Nam ăn lương...rảnh rỗi?
Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Gần đây, trong cuộc thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ tổ chức thì có tới 30% công chức dự thi không đạt kết quả xét.
Nói về thực trạng công chức Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội - Trương Trọng Dực đã cho biết "chạy công chức 100 triệu" không hiếm.
Đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, ông Dực cũng cho biết có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình, 30% số công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao.
Phó trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung đánh giá, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận “chỉ giữ chỗ ăn lương”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, đến công sở để tám chuyện, cà phê, việc riêng... (Tranh minh họa) |
Ông Trung cho biết, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng tỷ lệ người làm “gánh” cả phần người ngồi chơi là 50-50.
Theo ông Trung, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về độ cồng kềnh của bộ máy, ngân sách hàng năm phải chi nhiều mà cuối cùng, mức lương cho mỗi người lại quá thấp.
Theo GS.TS Luật sư Đỗ Ngọc Quang, đã từng làm Viện phó Viện chiến lược Bộ Công An nếu không giải quyết con số 30% này thì không chỉ để thâm hụt ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ công quyền.
Thêm một vấn đề được đặt ra, lương của công chức được tính theo ngạch, bậc, thâm niên làm việc, do đó, những người làm việc lâu năm sẽ có lương cao hơn những người mới vào.
Trả lời cho vấn đề này, GS.TS, Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng: “Chính chế độ lương bổng theo thời gian này là nguyên nhân chủ yếu cho vấn nạn trì trệ. Và nếu như giải quyết được vấn đề này một cách triệt để, bộ máy hành chính nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả và tự giác hơn nhiều”.
Có nhiều ý kiến đánh giá về con số 30%, đó có thể chỉ là con số thống kê, còn con số thực tế những người “cắp ô” đến công sở buôn chuyện, chơi game còn lớn hơn nhiều. Song chỉ với ba chục phần trăm thôi, thì mỗi năm ngân sách phải mất chừng 2,5 tỉ USD để nuôi họ.
Sẽ có người ngạc nhiên về con số này, nhưng hãy bình tĩnh mà cộng trừ nhân chia. 30% của 2,8 triệu công chức, tức là 840.000 người. Tính bình quân, nuôi mỗi người 5 triệu đồng/tháng, mỗi năm mất 50.000 tỉ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã tìm ra được những công chức thiếu khả năng, thiếu nhiệt huyết để đưa ra con số 30%, đồng thời kêu gọi cắt giảm nhân sự trong bộ máy hành chính công.
Nhưng việc cắt giảm không có nghĩa là cắt một cách cơ học 30% công chức, mà vấn đề quan trọng là cần tìm cho ra đúng người mà cắt giảm. Bởi vì thực trạng từ trước đến nay, chưa có một công chức nào của Việt Nam trả lại lương vì xấu hổ không làm được việc và không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nghị sĩ Mỹ trả lại lương vì xấu hổ
Cuộc sống của người dân Mỹ trở nên ảm đạm sau khi chính phủ ngừng hoạt động |
Chính phủ đóng cửa, hàng trăm nghìn công chức ở Mỹ phải nghỉ việc không lương nhưng 533 thành viên Quốc hội vẫn được nhận lương bình thường.
Vì theo luật pháp Mỹ, các thành viên Quốc hội và Tổng thống vẫn được hưởng lương đầy đủ và quỹ lương dành cho họ là cố định, không phụ thuộc nguồn phân bổ hàng năm.
Các nghị sỹ của Hạ viện và Thượng viện được trả 174.000 USD/năm trong khi các lãnh đạo thuộc Quốc hội được trả cao hơn. Phó Tổng thống Biden có mức lương 230.700 USD/năm, Tổng thống Obama là 400.000 USD/năm.
Theo Washington Post, tính đến trưa 2/10, ít nhất 65 nghị sỹ trong đó 32 người thuộc Đảng Cộng hòa cho biết, sẽ dùng lương của mình làm từ thiện hoặc từ chối nhận lương trong khi chính phủ ngừng hoạt động.
Nghị sỹ đảng Cộng hòa Andy Barr nói, ông muốn đóng góp thu nhập trong thời gian chính phủ đóng cửa cho các tổ chức từ thiện địa phương.
Trong khi đó, thượng nghị sỹ Ami Bera cho hay, ông muốn từ chối nhận lương vì “Quốc hội phải gương mẫu và đặt con người trước chính trị".
Nghị sỹ Tulsi Gabbard phát biểu trên truyền hình CNN, bà nói: “Thật đáng xấu hổ! Không thể chấp nhận được rằng, những người vẫn được hưởng lương khi chính phủ này đóng cửa lại chính là những thành viên Quốc hội, như vậy là vô trách nhiệm”.