Nữ tướng cướp kiều diễn hoàn lương thành cô giáo làng

( PHUNUTODAY ) - Nguyễn Thu Hà là một kiều nữ xinh đẹp của phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng rồi gia đình đổ vỡ, bố me ly tán, Hà lâm vào cảnh bơ vơ. Bước qua tuổi 13, Hà đã lao vào chốn giang hồ và nhanh chóng vươn lên cầm đầu băng cướp chuyên đi đánh thuê, chém mướn.

Tuy nhiên sau nhiều ngày trong tù, Hà đã thấm thía và hoàn lương trở thành cô giáo làng dạy học miễn phí cho trẻ em thiệt thòi.

Tuổi thơ đầy sóng gió

Ngồi đối diện với chúngtôi, gương mặt của Nguyễn Thu Hà như hằn nhiều dằn vặt và hối tiếc. Cả những trầm mặc u uẩn. Thế những chị không che giấu thân phận cũng như không hạn chế trong cuộc tiếp xúc với người lạ, bởi với chị, giờ đây được thức tỉnh kịp thời và còn may mắn được hòa nhập cuộc sống, được giúp đỡ nhiều đứa trẻ thiệt thòi đó đã là một niềm hạnh phúc mà có lúc tưởng chừng như không bao giờ còn có thể dành cho chị. Chính vì thế chị càng khao khát muốn để lại quãng đời sa ngã của mình cho người khác đang ngấp nghé hay đã trót lao vào con đường tội lỗi mà rút chân ra khi chưa quá muộn màng. Phía sau những danh xứng mà những thành phần bất hảo tự phong cho chị như “Hà tướng cướp”, “Hà thủ lĩnh”…thì tuổi thơ của chị là cả chuỗi ngày đắng cay và cơ cực.

Thu Hà khi còn lộng lẫy như một kiều nữ.

Như một vệt buồn đã hằn sâu vào ký ức suốt bao nhiêu năm nay, Hà buồn bã hồi khứ lại tuổi thơ của mình: “Tôi sinh năm 1980, ở Tô Hạp (Khánh Sơn, Khánh Hòa). Tuổi thơ cứ thế trôi qua trong sự êm ấ của gia đình như bao đứa trẻ khác, nhưng khi tôi lên 6 tuổi thì cha lao vào nghiện ma túy, bán sạch gia sản để hút chích. Người mẹ cũng vì chán chồng mà sa ngã và có bồ nhí, tôi bắt đầu phải nếm trải những tháng ngày cay đắng”.

Học lên lớp 5, Hà bỏ học ở nhà. Trong ký ức tuổi thơ của chị là những lòi cãi vã, nhiếc móc và đánh lộn của cha mẹ mình. “Những trận cãi vã của cha mẹ tôi kéo dài suốt hai năm trời. khi đó tôi chưa đủ sức thấu hiểu hay can thiệp điều gì nên tôi chỉ biết nép mình vào trong xó nhà, một mình khóc nấc”.

Khi Hà lên 9 tuổi thì người cha nghiện ngập nặng của chị sau khi mang cầm sổ đỏ và bán sạch các tài sản quý giá tong nhà bỏ xứ ra đi biệt tích. Chẳng lâu sau, nhà cửa bị người ta phát mãi để thu hồi nợ. Mẹ chị cũng theo chân một người đàn ông khác về TP.HCM. Chị chỉ còn biết ra sông Tô Hạp gào khóc trong nỗi đớn đau và hoang mang đến tận cùng.

Cha mẹ đều chia lìa và bỏ đi, nhà cửa chẳng còn, Hà về tá túc và sống với ông bà ngoại một thời gian. Khi lên 13 tuổi, ông bà ngoại qua đời, Hà bắt đầu những tháng ngày đi bụi. Hà lặng lẽ nhớ lại: “Trước lúc mất, ông bà ngoại định gửi tôi vào trong trung tâm bảo trợ xã hội nhưng tôi không thích nghi được cuộc sống ở đó. Hơn nữa, ở tuổi 13 nhưng tôi đã già dặn hơn so với tuổi rất nhiều, tôi định về TP.HCM kiếm việc mưu sinh nhưng người ta chê tuổi nhỏ không nhận”.

Trượt dài từ một vụ trộm

Tuổi thơ đổ vỡ và có quá nhiều nỗi buồn đau. Hà quyết ra đi để quên đi những ký ức đó. Hàng ngày Hà vẫn tỏ ra vui vẻ, rắn rỏi nhưng trong lòng vẫn đầy xót xa. Sau hai năm lang thang đi bụi khắp các đầu đường xó chợ ở TP.HCM cuộc sống quăng quật nơi đất khách, trên vỉa hè đã nhồi nhét cho Hà những chiêu trò của đám lưu manh. Và rồi kiểu sống ấy cũng đã tiêm nhiễm vào Hà lúc nào không hay.

Khi bước vào tuổi 15, sau một lần bạo gan theo đàn anh đàn chị đi trộm sắt trong công trình thành công, thấy việc kiếm tiền nay quá dễ  dàng nên Hà tác ra khỏi anh chị này và bắt đàu có những kế hoạch đi thực hiện các phu vụ ăn cắp. Nhớ lại, Hà kể rằng: “Do khôn lanh và có nhiều mưu mẹo hơn những đứa trẻ bụi đời khác nên lúc đó tôi đã được rất nhiều đứa cùng tuổi gọi bằng chị hai.

Cuộc sống dưới các gầm cầu, hẻm phố đã nhanh chóng chỉ cho chúng tôi thấy miếng mồi béo bở là sắt thép trong công trình xây dựng lớn đang thi công dang dở. Họ canh phòng ban đêm rất sơ sài, chỉ cần sắm một chiếc cưa sắt nhỏ là trong một đêm có thể đi cắt và ăn trộm hàng trăm kg thép trong các công trình này. Sau khi lên kế hoạch chúng tôi đã thực hiện trót lọt được hàng chục vụ.

Có những đêm chúng tôi mệt mài lẻn vào các công trình cưa được hàng trăm đoạn thép to như ngón tay cái mang đi bán đủ tiền tiêu ăn chơi xả láng. Có lúc cũng đã nghĩ đến việc thuê nhà trọ nhưng cuộc sống dưới gầm cầu và công viên phóng túng và dễ chịu hơn, khi có sự cố lại dễ dàng tẩu thoát được”.

Sau nhiều vụ trộm trót lọt, năm 16 tuổi, Hà bị tóm gọn trong khi cũng đồng bọn đang cưa thép trong một công trình cầu đường. Bị đưa đi cải tạo hai năm. Với nhận thức non nớt, trong lòng Hà nung nấu ý định sẽ tiếp tục tung hoành trong giang hồ. Thấy địa bàn TP.HCM có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, khó mà xưng danh nên khi được ra khỏi trại cải tạo, năm 18 tuổi, Hà tập hợp một số thành phần bất hảo lên Buôn Mê Thuật đi đòi nợ thuê và chém mướn. Tung hoành ở phố núi được hơn một năm thì tên của Hà đã lọt vào danh sách các đối tượng “cộm cán” ở địa phương. Không chỉ đòi nợ thuê theo kiểu du côn mà Hà còn đi cướp.

Trong một lần cướp cửa hàng điện tử, chị đã bị bắt và lĩnh một lúc hai tội danh “cướp của” và” cố ý gây thương tích” ở địa phương. Thụ án trong trại giam được 3 năm thì Hà vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ. Cũng như lần trước, do có rớp ở Buôn Mê Thuật nên chị quay về Nha Trang hoạt động. Với những kinh nghiệm giang hồ có được, Hà nhanh chóng trở thành kiểu nữ có “sô má” ở phố biển. Nhưng rồi lưới pháp luật thưa nhưng khó thoát, những hành động phi pháp của Hà tiếp tục bị trừng trị bằng bản án 3 năm tù giam.

Thức tỉnh khi chưa quá muộn màng

Lần giở lại cuốn album chụp lại hình ảnh của những ngày còn ở tuổi đôi mươi, đôi mắt Hà như tràn đầy nỗi tiếc nuối. Chị kể: “Nhiều khi đã nhúng chàm rồi rất khó quay đầu lại nếu không có một quyết tâm hay động lực nào đó. Mà tôi nào có còn chỗ  nào để bấu víu nữa đâu. Lúc đôi mươi cũng tràn đầy sức sống, nhiều lúc cũng muốn thỏa thích vui cười với cuộc sống bình dị như người khác nhưng lại phải nhanh chóng quay lại với gương mặt “giang hồ” ngay, vì lúc đó cứ nghĩ phải như thế mới tồn tại được”.

Gần 30 tuổi, ý nghĩ như chin chắn hơn nên lần vào từ này, trong tâm trí Hà trỗi dậy những xáo trộn. Được các cán bộ trại giam khuyên nhủ và chợt nhận ra cuộc đời của mình cũng chưa phải đến mức quá muộn màng để quay đầu lại. Thế nên từ đó, trong chị nhen nhóm lên sự thay đổi trong nhận thức theo hướng tích cực. Hà bảo: “Vào trại giam lần này, thấy nhiều người có tuổi thơ bi đát hơn mình. Lần này mới thấm thía cuộc sống tự do đáng quý đến nhường nào. Chưa đầy 30 tuổi mà mấy lần vào tù ra tội, nghĩ cũng chán ghét mình lắm. Bao nhiêu lần xưng hùng xưng bá rồi cũng chẳng thế thoát được pháp luật. Điều này trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ được”.

Chính vì ý nghĩ này mà Hà quyết tâm cải tạo để làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn màng. Cách đây hơn 2 năm khi được đặc xá ra tù trước thời hạn, để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, Hà đi làm công nhận một năm, vừa làm, chị vừa học thêm những kiến thức tốt đẹp trong xã hội. Có một số vốn nhất định, quay về mảnh đất bà ngoại cho năm xưa, chị trồng mỳ ở đó. Thời gian rảnh chị đi đến các trung tâm dạy trẻ mồ côi dạy chữ và các trò chơi cho các em. Học sinh ở các bản làng trong các huyện miền núi ở Khánh Hòa cũng được chị tìm đến dạy miễn phí.

Hà tâm sự rằng: “Lấy lại cân bằng trong cuộc sống bằng cách này tôi cũng rất vui. Có những bản làng tôi đến thấy các em nheo nhóc thì tập hợp lại mượn nhà văn hóa của thôn, bản dạy các em đánh vần chữ và ca hát. Thấy cuộc sống lại như tràn đầy ý nghĩa trở lại. Có đợt suốt hai tháng trời tôi cứ đi xuyên từ bản này sang làng khác để làm việc này. Những người đồng bào Rawsk Lây, họ cũng rất quý tôi và xem tôi như người thân trong nhà. Chính những lúc như thế, tôi như tìm lại được những ý nghĩa và niềm an ủi để xóa đi những vết hằn không mấy tốt đẹp của tuổi trẻ đầy sóng gió đời mình”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn