Sống an nhiên chính là một loại tu dưỡng, là khởi điểm của hạnh phúc. Biết đủ và không tham, biết đủ và không cầu. Không cầu tự khắc sẽ đến vì đó là thứ ta xứng đáng được nhận. Không cầu thì thứ không đến cũng không làm ta tổn thương, thất vọng vì nó vốn dĩ không thuộc về ta.
Tiền tài cũng vậy, danh vọng cũng vậy, tình cảm cũng thế, đều không thể cưỡng cầu, chỉ có thể cố gắng. Con người khi không cầu sẽ không bị mê hoặc, tự giác thanh tỉnh, biết vị trí của mình trong đời. Càng chấp nhất càng lo lắng, càng buông bỏ càng thanh nhàn.
Tâm thoải mái thì đời mới thanh thản. Không cầu nên tâm an, chí vững, theo con đường mình đã lựa chọn, gắng sức hết lòng, tận hưởng niềm vui trong từng hơi thở. Dẫu đi đường nào cũng tháy mình đã đúng.
Người tính đâu bằng trời tính, nếu cầu mà được thì há chăng tất cả thế gian này đều đã vừa ý, không còn gì phải mơ tưởng. Vạn sự tùy duyên, thuận theo duyên số, có những điều không thể làm trái, càng không nên làm trái. Vì mọi sự đều đã có an bài, đều là nhân quả mà ta gặt được, gieo nhân nào gặt quả ấy, vô cầu sở đắc.
Vô cầu sở đắc – không cầu mà được, đạo lý cuộc sống này của nhà Phật cũng như vạn sự tùy duyên. Ở đời, nếu hiểu được thì sẽ thanh tâm, nhàn thân, không hiểu được thì như thuyền lênh đênh không bờ bến.
Phật giáo nhấn mạnh vào chữ duyên trong cuộc đời. Vạn sự trên đời đều từ duyên mà ra, gặp ai, không gặp ai, yêu ai không yêu ai, thành hay bại, làm việc này hay không làm việc kia, đều là duyên. Có duyên thì không cầu cũng gặp, vô duyên thì cầu cũng không được.
Vì thế, đạo lý cuộc sống chính là vô cầu sở đắc, không cần cầu mọi sự tự đến, không nên cầu vì muốn cũng không tới. Không cầu tức là không có dục vọng, không có dục vọng thì không tham lam, không sân hận, không u mê, không màng tới hồi đáp.