Nếu chỉ một lần tận mắt chứng kiến các loại "đặc sản" bình dân như: khô tẩm gia vị, da heo phồng, bì heo, tóp mỡ... được chế biến ra sao thì hẳn nhiều người sẽ tởn tới già
Các "đặc sản" này được chế biến từ những lò sản xuất chui, không đăng ký, không qua kiểm soát nên cơ sở rất dơ bẩn, nguyên liệu hôi thối. Nghiêm trọng hơn là để xóa dấu vết hàng phế thải, chúng được xử lý qua hàng chục loại hóa chất, gia vị độc hại để trở thành những món ăn ngon miệng, rẻ tiền.
Hãi hùng khi vào lò
Bì heo, tóp mỡ là những món khoái khẩu của giới ăn vặt hay dân nhậu nhưng ít ai biết tại các lò, chúng được chế biến không khác gì thức ăn dành cho… gia súc. Không chỉ nguyên liệu mà các vật dụng chứa đựng hầu như không bao giờ được rửa nên lẫn tạp chất, lông heo; khu vực chế biến thì nhớp nhúa, hôi hám.
Cơ sở sản xuất da heo phồng bẩn vẫn hoạt động dù đã bị đình chỉ. |
Khô bò đen, nguyên liệu không thể thiếu cho món bánh tráng trộn, món ăn vặt đang hút người dùng, trước giờ được người bán giới thiệu làm từ phổi bò vừa bị lật tẩy là làm từ phổi heo phế thải.
Ngày 12/8, khi vào lò của ông Sơn Chiều tại nhà không số, nằm sâu trong hẻm thuộc ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM, chúng tôi cùng các thành viên đoàn liên ngành huyện Bình Chánh không thể tưởng tượng đây là cơ sở chế biến thực phẩm cho người vì mùi hôi tanh, dơ dáy; khắp sân, hàng rào từng miếng "khô bò" được đem phơi như giẻ lau nhà thu hút ruồi, nhặng bâu về đánh chén.
Nơi chế biến khô bò, thực phẩm dành cho người, rất mất vệ sinh. |
Công nghệ sản xuất khô bò đen siêu rẻ (giá sỉ 40.000-50.000 đồng/kg) được chủ cơ sở khai là dùng phổi heo (loại phế thải, hôi thối, nhiều lá phổi còn lưu bệnh tích của heo giá 13.000 đồng/kg) luộc chín rồi xắt miếng, tẩm ướp gia vị, phụ gia, sau đó ngào đường, sả ớt... Phần vụn thì thành "khô bò đen", loại miếng lớn được đem phơi sau đó chiên lại thành "khô bò miếng". Thành phẩm làm ra, chủ cơ sở đổ ra sàn nhà, ngay cạnh ổ chó và chó, gà thì đi lại tung tăng. Tại khu vực sản xuất, chúng tôi còn ghi nhận có một số bịch bột các màu nghi là hóa chất dùng trong chế biến.
Trong vai người mua hàng, ngày 21/8, chúng tôi đến cơ sở làm da heo phồng không phép nằm trong con hẻm nhỏ trên Quốc lộ 50 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), mọi người làm việc náo nhiệt dù cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động. Hai nồi luộc da sôi sùng sục, bên trong đen ngòm. Cạnh đấy là mấy thanh niên ở trần lôi da heo ngâm từ thùng ra để cạo lớp mỡ, lúc này da heo có màu trắng, sạch bong chứ không như hiện trạng khi trong nồi luộc. Bên dưới là rạch nước đen ngòm, hôi hám đầy rác thải.
Chủ cơ sở là ông Lê Vĩnh Phước "khoe" với chúng tôi giấy phạt của cơ quan chức năng ghi ngày 6-5 với tổng tiền phạt 17,65 triệu đồng mà ông chưa có tiền đóng. Ông cũng nói thẳng là gia đình không có tiền đóng phạt, cũng không thể thực hiện đúng theo hướng dẫn của thú y vì không có vốn và nếu ông bỏ nghề thì không biết làm gì để mưu sinh!
Vợ ông Phước trấn an chúng tôi rằng sau khi luộc, rửa, da heo còn được nướng trên cát ở nhiệt độ cao nên an toàn, ăn không bị sao (!). Quá trình sản xuất hết sức dơ bẩn, tuy nhiên khi bán ra thị trường thì thành phẩm đều rất bắt mắt, giá rẻ, lại ngon miệng nên các loại thực phẩm chế biến trên vẫn đắt hàng.
Gian nan xử lý
Sáng 21/8, chúng tôi quay lại cơ sở chế biến khô bò của ông Sơn Chiều, ghi nhận chỉ còn... nền nhà, mọi vật dụng lẫn chủ nhân đã dời đi đâu không rõ. Theo thông tin chúng tôi có được thì chủ cơ sở này vẫn còn "nợ" một số tiền phạt từ tuần trước. Tương tự, chiều 20/8, khi đến điểm sơ chế phụ phẩm trâu, bò bằng hóa chất nằm trong hẻm C4 đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), bị cơ quan chức năng xử lý hồi tháng 4 vừa qua, thì cửa đóng, người vắng.
Người dân xung quanh cho biết đây là chiêu chung của các chủ cơ sở làm thực phẩm bẩn, hễ bị phát hiện là dời đi nhưng không ai dám chắc là bỏ nghề mà thường tìm địa điểm khác kín đáo hơn để tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Đội QLTT 6B (Chi cục QLTT TP HCM) cho biết khi có thông tin về khô bò đen sản xuất bẩn, đã tiến hành kiểm tra tại chợ sỉ Bình Tây. Tuy nhiên, tiểu thương rất nhạy thông tin nên đã giấu hàng, kết quả đội chỉ xử lý được một chủ hàng tại 2 sạp liền kề trên đường Lê Tấn Kế (phường 2, quận 6) còn đang bày bán 22 kg khô bò đen.
Chủ sạp trình bày hàng mua của người lạ đến chào bán, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa không nhãn mác, không hạn sử dụng. Do đó, đội tịch thu tiêu hủy tang vật, đồng thời phạt 1,6 triệu đồng hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, khó khăn trong quản lý thực phẩm hiện nay là một bộ phận người tiêu dùng còn rất dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm, vẫn mua những loại không rõ nguồn gốc. Phía "cung" thì nhiều hộ sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ làm theo quy trình truyền thống nên việc thay đổi hành vi, thói quen của người dân gặp nhiều khó khăn.
Sơ chế tai heo nơi dơ bẩn Đoàn liên ngành huyện Bình Chánh ngày 19/8 đã kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất Hòa Thắng (B8/10E, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) chuyên sản xuất thức ăn gia súc đang sơ chế 470 kg tai heo. Nơi thực hiện sơ chế không bảo đảm vệ sinh, sàn nhà đọng nước bẩn lẫn nhiều tạp chất. Đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động sơ chế trái phép trên, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, niêm phong lô hàng và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kiểm dịch lại lô hàng. Ổ vi trùng, hóa chất độc hại Theo TS-BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, các loại “đặc sản” bình dân có điểm chung là giá rất rẻ. Ai cũng biết là những nguyên liệu như tôm, thịt bò, heo, mực đều đắt tiền. Do đó, một là, người sản xuất dùng nguyên liệu giả; hai là, hàng thật nhưng là loại phế thải. Để xử lý các nguyên liệu này, người ta phải dùng rất nhiều loại hóa chất độc hại ở tất cả các công đoạn sản xuất như ngâm, tẩy, rửa, tẩm ướp, bảo quản. TS-BS Ký nhấn mạnh bí quyết của những món ăn này chính là các loại gia vị tạo cảm giác thèm ăn, càng ăn lại càng thấy ngon. Gia vị, phụ gia có loại được phép dùng, có loại cấm nhưng chắc chắn những nơi sản xuất không đăng ký sẽ dùng loại cấm để tiết giảm chi phí và đều là những chất độc hại cho người dùng. Khi ăn các loại “đặc sản” vỉa hè này, nếu bị tiêu chảy là may vì độc chất được tống ra ngoài. Còn không, chúng sẽ được tích tụ trong cơ thể, đến một ngày bùng phát ra thì không thể cứu chữa được vì ung thư, suy gan, thận mạn tính... “Trước đây, các loại “đặc sản” bình dân thường chỉ đắt hàng ở các khu công nghiệp, trường học, nơi có thu nhập thấp, nay đến dân công sở có kiến thức nhất định cũng ghiền” - TS-BS Ký nói. |