Đạo diễn Phạm Đông Hồng ra đi đột ngột do căn bệnh đột quỵ
Nghệ sĩ hài Trà My cho biết đạo diễn Phạm Đông Hồng đã qua đời vào lúc 20h10, ngày 15/9 tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vì đột quỵ. Sự ra đi đột ngột của ông khiến người thân và khán giả vô cùng bàng hoàng.
"Tôi thực sự bất ngờ vì anh Phạm Đông Hồng vốn rất khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật gì cả", nghệ sĩ Trà My cho hay.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng sinh năm 1955 trong một gia đình làm văn hóa nghệ thuật, có bố là đạo diễn, Giám đốc sở văn hóa thông tin tỉnh Quảng Ninh, mẹ làm Giám đốc thư viện tỉnh Quảng Ninh.
Ông từng đạo diễn nhiều phim hài như Xuân Hinh 2009, Xuân Hinh 2013, Râu quặp, series hài Chôn nhời 1,2,3,4, Giấc mơ Chí Phèo, Cả ngố, Cổ tích thời @, Người ngựa ngựa người...
Đột quỵ có xu hướng trẻ hoá
Ít ai biết, tai biến mạch máu não (đột quỵ) là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau tim mạch, ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật.
Báo cáo của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2016 cho thấy, mỗi năm thế giới có 17 triệu ca đột quỵ, trong đó 6 triệu trường hợp tử vong, 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp từ các BV có khoa thần kinh trên cả nước trong 3 năm gần đây cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, trong đó tỉ lệ nam giới gấp 4 lần nữ, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm.
Bệnh thường xảy ra bất ngờ và để lại hậu quả vô cùng nặng nề, 50% số ca đột quỵ sẽ tử vong (nhiều hơn 94.000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm), 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau cơn đột quỵ như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần... Trong đó tỉ lệ bị liệt chiếm khoảng 30%.
PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc TT Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai cho biết, tình hình đột quỵ não tại Việt Nam hiện nay ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Theo thống kê, số bệnh nhân trẻ bị đột quỵ mỗi năm tăng khoảng 2%, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ.
Căn bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng được
Theo PGS. Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm đột quỵ não, BV TƯ Quân đội 108, tuy đột quỵ là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được.
Các nghiên cứu đều khẳng định, tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, 8/10 bệnh nhân đột quỵ lần đầu đều mắc tăng huyết áp.
Tuy nhiên có tới gần 40% trường hợp huyết áp cao không được kiểm soát. Hậu quả, mỗi năm, số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Trong khi chỉ cần giảm mỗi 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 10% tử vong do đột quỵ. Nếu đưa được về huyết áp tối ưu 120/80 mmHg, sẽ phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu hết các trường hợp.
Do đó người dân cần thay đổi lối sống, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỉ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại.
Đồng thời tránh xa thuốc lá, kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế rượu bia…