Pháo đài cổ lớn nhất Đông Dương ở Long An

06:11, Thứ ba 09/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Pháo đài có hình cánh cung, được xây dựng trên mặt bằng có diện tích khoảng 3ha, chiều dài khoảng 300 m, chiều ngang khoảng 100 m. Pháo đài đồ sộ như tòa nhà khổng lồ 5 tầng, trong đó có 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm.

Sau khi cơ bản áp đặt được ách thống trị trên đất nước ta, Thực dân Pháp bắt đầu xây dựng các công trình quân sự kiên cố để đề phòng sự xâm lấn của một thế lực hùng mạnh khác. Pháo đài Rạch Cát (còn gọi là đồn Rạch Cốc, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) được xây dựng vào loại sớm nhất và là pháo đài kiên cố nhất trên toàn cõi Đông Dương với chi phí xây dựng cao gấp 3,5 lần so với Nhà hát lớn Hà Nội cùng thời. Trải qua hơn 100 năm với bao biến thiên thời cuộc, hiện pháo đài Rạch Cát vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”...
[links()]
Từ câu chuyện thành Gia Định thất thủ

Với dã tâm xâm lược nước ta, ngày 2/9/1858, Thực dân Pháp (có sự hậu thuẫn của quân Tây Ban Nha) bắt đầu nã những loạt đại bác đầu tiên lên bờ biển nước ta, rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà.

Trước hỏa lực quá mạnh của đối phương, quân Việt vừa đánh vừa lui dần, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang. Nhận được tin liên quân đánh Đà Nẵng, vua Tự Đức cử tướng Nguyễn Tri Phương cùng 2.000 quân triều đình vào ứng cứu.

Trước tình thế quân địch quá mạnh, Nguyễn Tri Phương không chủ trương đánh chính diện để tránh sức mạnh hỏa lực của đối phương, mà cho phục kích và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh để bao vây liên quân ngoài bờ biển.

Sau 5 tháng giao tranh, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ chiếm được một ngọn núi không người và vài làng bỏ hoang ven biển. Họ không dám tiến sâu vì liên quân bị đau ốm và chết chóc khá nhiều vì không quen phong thổ khí hậu, thiếu thức ăn...

Một góc pháo đài Rạch Cát.
Một góc pháo đài Rạch Cát.

Bị cầm chân ở Đà Nẵng, tướng De Genouilly buộc phải thay đổi kế hoạch, rút đi hai phần ba số quân (tức 2.000 người) và 8 trong số 14 chiến thuyền ở mặt trận này để vào đánh Gia Định. Ngày 10/2/1859, đại bác Pháp bắn vào bờ biển Cần Giờ, đoàn tàu chiến của Pháp thận trọng tiến vào sông Soài Rạp để từ đó vào sông Sài Gòn, tiếp cận thành Gia Định.

Trên đường tiến vào đất liền, khi đi ngang một vị trí hiểm yếu mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào, tướng De Genouilly nói với tùy tướng rằng nếu quân Nam lập tuyến phòng thủ ở đây, sẽ khó cho quân Pháp. Đó là vị trí nằm trên bờ sông Soài Rạp, cách biển chừng 10 km, đó cũng là nơi 2 con sông Vàm Cỏ và Rạch Cát đổ vào sông Soài Rạp, phía bên kia là rừng rậm hoang vu...

Ngày 17/2/1859, quân Pháp vừa bắn đại bác vừa đổ bộ đánh thành Gia Định và chiếm được thành, mở đầu cho việc chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, tiến tới thôn tính toàn cõi Đông Dương.

Sau khi cơ bản đánh chiếm nước ta (vào năm 1884), Thực dân Pháp bắt đầu xây dựng một số cơ sở hạ tầng (như tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho) và các công trình quân sự hiểm yếu.

Lúc đó tướng De Genouilly đã về Pháp, nhưng các quyết sách liên quan tới Đông Dương ông đều tham gia, và ông đã đề nghị xây dựng một pháo đài phòng thủ thật mạnh, thật kiên cố ở vị trí hiểm yếu trên bờ sông Soài Rạp năm nào.

Pháo đài có hình cánh cung, được xây dựng trên mặt bằng có diện tích khoảng 3ha, chiều dài khoảng 300 m, chiều ngang khoảng 100 m. Pháo đài đồ sộ như tòa nhà khổng lồ 5 tầng, trong đó có 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm.
Pháo đài có hình cánh cung, được xây dựng trên mặt bằng có diện tích khoảng 3ha, chiều dài khoảng 300 m, chiều ngang khoảng 100 m. Pháo đài đồ sộ như tòa nhà khổng lồ 5 tầng, trong đó có 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm.

Theo lập luận của những nhà quân sự Pháp, bất cứ thế lực nào muốn đánh chiếm nước Nam, đều phải vào sông Soài Rạp để đánh Sài Gòn. Việc phòng thủ từ xa, ngoài cửa sông Soài Rạp là biện pháp tối ưu, thay vì để đối phương dễ dàng vào sâu đất liền, tiếp cận Sài Gòn.

Vậy là một dự án lớn xây dựng pháo đài phòng thủ cực mạnh và kiên cố được triển khai ngay vị trí hiểm yếu năm nào. Do đây là vùng rừng ngập mặn, sình lầy, nền đất yếu nên khâu khảo sát, thiết kế, xử lý nền móng của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, mãi đến năm 1903, đại công trình này mới chính thức khởi công.

Đại công trình trên đất sình lầy

Ngày nay, để đến được pháo đài Rạch Cát, du khách chỉ mất hơn 1 giờ từ TP. HCM đi theo Quốc lộ 50 về phía biển, rồi rẽ vào hương lộ, qua cầu Kinh Nước Mặn, đi tiếp khoảng 5 km, tổng cộng chưa tới 50 km.

Ngày nay pháo đài Rạch Cát thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Xung quanh pháo đài hiện dân cư sống khá đông đúc. Vào thời Thực dân Pháp bắt tay xây dựng pháo đài Rạch Cát, nơi đây còn là bãi đất sình lầy (làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn), chưa có người ở, không có đường bộ.

Các ụ pháo trên pháo đài Rạch Cát.
Ụ pháo trên pháo đài Rạch Cát.

Tất cả hàng trăm ngàn tấn xi măng, sắt thép, vật tư... đều được chở từ Pháp tới và tập kết bằng đường sông. Hàng ngàn thợ đào đắp nền được tuyển mộ tại chỗ, cùng với hàng trăm thợ xây dựng, cơ khí được đưa từ Pháp sang để thi công công trình.

Pháo đài có hình cánh cung, được xây dựng trên mặt bằng có diện tích khoảng 3ha, chiều dài khoảng 300 m, chiều ngang khoảng 100 m. Là một pháo đài quân sự, nhưng công trình được xây dựng đồ sộ như tòa nhà khổng lồ 5 tầng, trong đó có 2 tầng nổi và 3 tầng ngầm.

Pháo đài được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, tất cả các bức tường đều có độ dày từ 60 đến 80 cm, chịu được sức công phá của đạn đại bác thời ấy. Cửa pháo đài và các phòng làm việc, chỉ huy, các ụ pháo đều được làm bằng thép dày 10cm.

Xung quanh pháo đài có hào nước rộng, thông ra sông Rạch Cát, vừa là hào nước bảo vệ mọi sự tấn công bên ngoài, vừa là đường vận chuyển vật liệu, vũ khí, đạn dược, quân lương ra vào pháo đài.

Xung quanh pháo đài còn có hệ thống các lô cốt bảo vệ từ xa, với trang bị hỏa lực mạnh, cách pháo đài chính vài trăm mét. Việc xây dựng pháo đài rất công phu và tốn kém, từ vận chuyển vật liệu đến việc xử lý nền đất yếu.

Công việc xây dựng kéo dài từ năm 1903 đến 1914 mới hoàn thành. Theo báo chí Pháp thời ấy, chi phí xây dựng pháo đài ngốn hết 7 triệu Francs, gấp 3,5 lần chi xây dựng Nhà hát lớn Hà nội cùng thời kỳ (2 triệu Francs).

Trên nóc của pháo đài là nơi đặt các dàn đại bác thuộc loại hiện đại nhất của Pháp thời ấy. Những dàn đại bác này với tầm bắn trên 20km được Thực dân Pháp tính toán sẽ kiểm soát cả vùng cửa biển, tới tận Vũng Tàu.

Về phía đất liền, pháo đài có thể khống chế khu vực Cần Giuộc, Gò Công, thậm chí sát tới Sài Gòn. Hỏa lực chính là hai tháp pháo được đặt ở hai bên cánh. Mỗi tháp pháo đặt hai khẩu đại bác 240 mm 93-96. Đây là loại pháo hạm do Pháp sản xuất, đặt trên tàu chiến, thuộc loại hiện đại nhất thời đó.

Mỗi khẩu pháo nặng 140 tấn, trái đạn nặng 162 kg, tầm bắn lớn nhất là 22,7 km. Tháp pháo kiểu Schneider bằng thép dày, mỗi tháp đặt hai khẩu pháo song song, tháp có thể quay vòng tròn.

Đến nay, dù đã hơn 100 năm mà tháp pháo tại pháo đài Rạch Cát vẫn vững chắc, không bị han rỉ, chỉ các khẩu pháo trong tháp đều không còn.

Cùng với 2 tháp pháo chủ lực nói trên là ba khẩu đội pháo hỗ trợ, mỗi khẩu đội hai khẩu pháo phòng không 75 mm 1897 và hai khẩu đội pháo bắn gần, mỗi khẩu đội hai khẩu pháo 95 mm 1888. Tại trung tâm pháo đài có đặt thiết bị điều khiển hoả lực và máy đo tọa độ cùng với khẩu đội pháo phòng không 75 mm 1897/1916.

Các vũ khí này hiện nay đều không còn, chỉ còn dấu vết của các bệ pháo. Pháo đài còn có một hệ thống hoả lực phòng thủ với 10 súng máy 8mm.

Về sau, vào cuối thập niên 1930, đến trước Thế chiến thứ II, để tăng cường thêm hoả lực cho pháo đài, người Pháp còn xây dựng ở hai đầu hồi của pháo đài hai ụ pháo lộ thiên, mỗi ụ đặt một khẩu pháo 138 mm.

Đây là một loại pháo hạm hiện đại, bán tự động, có tốc độ bắn cao, tầm bắn 18,2 km, đạn nặng 40 kg. Hai ụ pháo này tiếp tục được quân đội Sài Gòn sử dụng cho tới thập niên 1960, dùng để bắn “càn quét” vùng hạ huyện Cần Đước, tỉnh Gò Công, huyện Cần Giờ... hiện 2 khẩu pháo này vẫn còn nhưng đã hư hỏng hoàn toàn.

Một giá trị lịch sử bị lãng phí

Xem bộ phim “Đất phương Nam”, chúng ta thấy cảnh khu đồn trú của quân Pháp rất hoành tráng, chung quanh là đất ngập nước với nhiều cây bần, cây đước. Đó là cảnh được quay tại pháo đài Rạch Cát vào năm 2002.

Trước và sau đó, hàng chục bộ phim khác đã mượn bối cảnh pháo đài Rạch Cát để ghi hình cho những cảnh đồn trú của quân Pháp, cảnh pháo đài bị bỏ hoang... Đó là tất cả những gì hữu ích mà pháo đài Rạch Cát đem đến cho công chúng gần xa trong thời gian qua.

Dù xây dựng pháo đài kiên cố phòng thủ, nhưng Thực dân Pháp vẫn không chống cự nổi quân Phát xít Nhật. Tháng 3/1945, Nhật lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, quân Nhật chiếm đóng pháo đài Rạch Cát.

Cuối tháng 8 năm đó, khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi ở Tân An, Chợ Lớn, pháo đài Rạch Cát được Việt Minh chiếm giữ trong thời gian ngắn. Sau đó quân Pháp tái đánh chiếm Nam Bộ, chúng chiếm lại pháo đài Rạch Cát.

Đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Văn Thiệu, pháo đài Rạch Cát bị bỏ hoang, chủ yếu là sử dụng 2 ụ pháo ở đầu hồi để bắn phá vùng giải phóng xung quanh, còn toà nhà chính và các tháp pháo dần bị hư hỏng, phá hủy.

Hiện nay pháo đài là địa điểm quân sự, do một đơn vị của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đóng quân.

Theo khảo sát của ngành du lịch tỉnh Long An, hiện pháo đài Rạch Cát vẫn còn khá nguyên vẹn các kết cấu bằng thép, còn các công trình bê-tông bị hư hỏng nặng, nhất là phần xây dựng âm dưới lòng đất.

Theo lời kể của các bậc cao niên tại địa phương, trong 3 tầng hầm âm trong lòng đất, có đường hầm thông ra sông Soài Rạp, cửa hầm có lắp kính để có thể quan sát dưới nước, phát hiện tàu ngầm.

Đến thời chiến tranh chống Mỹ, cửa kính vỡ, bùn đất tràn vào lấp mất đường hầm và tầng dưới của pháo đài. Hiện vào lúc nước ròng, tầng hầm trên cùng hiện ra khá rõ, còn 2 tầng hầm bên dưới thì nước và bùn ngập quanh năm, không ai biết hiện còn những gì.

Đường giao thông từ TP. HCM về tới pháo đài Rạch Cát hiện đã được đầu tư, nâng cấp thuận tiện, không còn phải qua đò Kinh Nước Mặn như trước.

Nếu tỉnh Long An đầu tư, khôi phục một phần (phần lộ thiên) của pháo đài Rạch Cát để phục vụ du lịch, chắc hẳn đây sẽ là điểm đến của nhiều người. Đặc biệt, gần pháo đài Rạch Cát có ngôi nhà nổi tiếng “Nhà trăm cột” hiện cũng chưa được khai thác tốt phục vụ du lịch.

Những gì còn lại của pháo đài Rạch Cát không nhiều, thời gian tiếp tục hủy hoại không thương tiếc. Việc giữ gìn pháo đài Rạch Cát ngoài giá trị du lịch, còn nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử đặc biệt đầy bi tráng của dân tộc.

  • Hoàng Dũng
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc