Hãy cùng đọc câu chuyện cổ phật gia dưới đây
Ngày xưa, ở trong một ngôi chùa cổ, có một vị sư già sinh sống cùng một số hòa thượng trẻ tuổi.
Một hôm, có một thanh niên trẻ tuổi đi vào chùa với vẻ mặt u sầu, buồn bã. Vị sư già hỏi anh ta: “Phải chăng thí chủ đang có tâm tư gì buồn phiền?”
Người thanh niên trẻ tuổi nói: “Cha của con bị bệnh vừa qua đời. Con cảm thấy vô cùng đau khổ. Cha con là người tốt, vì sao mà không thể sống lâu hơn được chứ?”
Vị sư già ân cần nói: “Chẳng phải thí chủ vẫn thường đến đây nghe kinh sao?’
Người trẻ tuổi nói: “Đúng vậy! Mỗi lần thầy mở lớp giảng kinh, con đều đến nghe!”
“Nếu đã thế thì hẳn là thí chủ từng nghe ta giảng qua về “sinh, lão, bệnh, tử”, đạo lý nhân sinh vô thường (không ổn định, luôn thay đổi). Con người đến thế gian này, tuổi tác là có hạn!”
“Những điều thầy giảng con đều hiểu. Nhưng con vẫn cảm thấy cha con ra đi khi tuổi còn chưa phải là già.”
Vị sư già nói: “Độ dài ngắn của sinh mệnh, không phải lấy tuổi mà xác định được, mà là xem duyên của người ấy ở nhân gian được bao nhiêu thì sinh mệnh dài bấy nhiêu.”
Người trẻ tuổi lại hỏi: “Thầy xem cha con ra đi, sẽ được lên thiên đường hay phải xuống địa ngục! Xin thầy hãy gia trì cho cha con, giúp ông được vãng sinh đến thiên đường, nếu không con sẽ rất không an tâm.”
Vị sư già cảm thấy, giờ phút này ông có nói cho người trẻ tuổi kia bao nhiêu đạo lý cũng là vô dụng, bởi vì phiền não đã chiếm hết tâm trí của anh ta rồi.
“Người con vừa có hiếu lại có tâm như thí chủ đây thật là hiếm có. Ta nhất định sẽ gia trì giúp cho cha của thí chủ, nhưng thí chủ phải làm đúng như lời ta nói thì mới được.” Người thanh niên trẻ tuổi vui vẻ đồng ý.
Vị sư già bảo người thanh niên trẻ lấy hai chiếc nậm đến. Sau đó ông đổ đầy dầu vào một chiếc nậm và một chiếc nậm khác thì đựng đầy đá, rồi nói: “Được rồi! Giờ chúng ta cùng ra bờ sông, thí chủ hãy về gọi thêm một số người thân thích và họ hàng đến cùng.”
Người thanh niên trẻ tuổi mừng rỡ, lập tức về gọi hàng xóm và người thân ra bờ sông. Vị sư già mang hai chiếc nậm thả xuống dòng sông, sau đó lại đập vỡ hai chiếc nậm ấy.
Sau khi bị đập vỡ, chiếc nậm đựng đá liền vỡ ra thành từng mảnh và cùng với đá chìm xuống đáy biển. Chiếc nậm đựng dầu sau khi vỡ ra thì những mảnh vỡ chìm xuống biển, còn dầu lại nổi lên trên mặt nước.
Vị sư già nói với mọi người: “Bây giờ chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện cho những viên đá kia nổi lên trên và dầu chìm xuống dưới nước.”
Lời vừa dứt, mọi người ai nấy nhìn nhau vừa khó hiểu vừa buồn cười. Bởi vì họ biết rằng, cho dù có cầu nguyện đến bao giờ đi nữa thì đá cũng không thể nổi lên trên mặt nước và dầu chìm xuống dưới được.
Giữa lúc mọi người đang bàn luận sôi nổi, vị sư già mỉm cười nói: “Làm việc thiện giống như thả dầu trên mặt nước hồ, làm việc ác giống như ném đá xuống hồ vậy. Khi sinh mệnh kết thúc, thiện nghiệp sẽ thăng lên mà đi, ác nghiệp sẽ chìm xuống đáy. Đây là đạo lý không thể thay đổi.
Con người ai cũng có số mệnh của mình, đa phần đã được định sẵn. Thế nhưng người ta có thể thay đổi vận mệnh của mình thông qua những việc làm tốt. Năng làm việc thiện, phúc báo con người sẽ tăng lên, đồng thời vận mệnh có thể thay đổi từ xấu sang tốt.
Một trong các nguyên lý cơ bản của Phật giáo là có nhân có quả. Phật có dạy rằng: " "Cha làm điều chẳng lành, con không chịu thế được, con làm điều chẳng lành, cha không chịu thế được. Làm lành tự được phước, làm dữ tự mang họa" (Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương). Lại có câu: "Ðiều lành dữ cuối cùng đều có trả, khác nhau chỉ đến chóng hay chầy, nhanh hay chậm mà thôi"
Cái Quả hay Nghiệp vốn là kết quả cái nhân hay duyên của con người tạo ra trong kiếp trước hoặc kiếp này. Rồi cái Quả ấy lại làm nhân cho cái Quả khác sẽ báo ứng về sau. Nhân và Quả cứ tiếp tục tương ứng như vậy mãi như bóng với hình, mãi mãi là cuộc trả vay, vay trả của cõi luân hồi.
Nghiệp ở tiền kiếp làm con người đầu thai trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định. Nhưng điều này không có nghĩa là "số phận đã an bài từ trước", mà thực ra hành động và lựa chọn của con người trong kiếp đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người, do con người lựa chọn. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."
Con người đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn khiến bản thân mình sa đọa. Làm thiện hay ác, tạo ác nghiệp hay thiện nghiệp đều do bản thân mình tự chon. Vậy muốn biết nhân quả kiếp trước của ai, cứ xem cái địa vị sang hèn của người ấy ở kiếp đương sanh. Muốn biết nhân quả đời sau của họ thế nào, cứ xem tâm tánh và hành động của họ ở ngay kiếp này vậy.
Không thể dựa vào việc con người khẩn cầu nhiều thì sinh mệnh chết đi ấy có thể vãng sinh đến nơi tốt đẹp hơn, giống như tảng đá không thể dựa vào cầu nguyện mà nổi lên được. Cho nên, con người sau khi vãng sinh được đi đến đâu, hoàn toàn là do mỗi hành vi việc làm của mình khi còn sống quyết định. Chúng ta phải dùng tâm thái đúng đắn để đối đãi với vạn vật trong thế gian. Mỗi một ý một niệm, một lời nói, cử chỉ đều phải theo thiện, chớ theo ác.”
Dưới đây là một số việc không được làm để vận mệnh tốt đẹp hơn
- Không ác khẩu, mắng nhiếc, chửi rủa cha mẹ mình.
- Không làm nghề trộm cướp.
- Không quỵt nợ.
- Không phỉnh gạt, dụ dỗ người khác.
- Không làm ác.
- Không âm mưu hại người.
- Không buôn gian bán lận, cân non, cân thiếu, giả vờ quên rồi tính cao giá.
- Không ghen tị, dèm pha.
- Không làm ai phải mất danh dự, tủi nhục.
- Không giết hại bừa bãi các loài vật.