Tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông, với số tiền phạt lên tới 1.500 tỷ đồng, xử lý trên 20 trường hợp cảnh sát giao thông có vi phạm.
Con số trên được đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” do Cổng TTĐT Chính phủ (VGP) tổ chức ngày 2/7.
Số tiền xử phạt trên gần tương đương với số tiền Quỹ bảo trì thu được trong 6 tháng đầu năm, khi Quỹ này thu được hơn 1.600 tỷ đồng.
Trong 6 tháng, riêng cảnh sát giao thông đã xử phạt tổng số tiền lên tới 1.500 tỷ đồng, đồng thời cũng có trên 20 trường hợp cảnh sát giao thông có vi phạm bị xử lý. Ảnh:DV. |
Cũng tại buổi tọa đàm trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường sau khi phân tích các nguyên nhân tai nạn giao thông như người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, doanh nghiệp vận tải vi phạm các quy định... Thứ trưởng Trường cũng lên tiếng nhận trách nhiệm: “Chúng tôi cũng thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn”.
Trước đó, trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã phân tích về nguyên nhân tai nạn giao thông, trong đó thừa nhận nguyên nhân sâu xa do công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý không nghiệm… Do vậy, dẫn đến chuyện “nhờn luật”, có cả dấu hiệu, hiện tượng dung túng, bao che, xử lý không nghiêm, không công bằng.
“Những người vi phạm về phẩm chất đạo đức, về nghề nghiệp thì dứt khoát phải đưa ra khỏi đội ngũ, có như vậy tính nghiêm minh của pháp luật mới được thực hiện”, Bộ trưởng Thăng nhận mạnh, và ông chốt lại: “Người thực thi công vụ, người xử phạt phải gương mẫu, phải nghiêm túc, có như vậy người dân mới tự giác chấp hành nộp phạt”.
Xử phạt chưa nghiêm, không công bằng, còn dung túng, bao che mà chỉ riêng cảnh sát giao thông đã thu về số tiền phạt 1.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, nếu xử phạt nghiêm, đúng, đủ thì có lẽ số tiền phạt còn lớn hơn cón số đó rất nhiều.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại tá Trần Sơn Hà cho biết thêm, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân.
“Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại tá Hà khẳng định.
Cũng theo đạ tá Hà, Bộ Công an đã xử lý trên 20 trường hợp cảnh sát giao thông có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, xử lý trước pháp luật.
70% "hộp đen" không hoạt động Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Bộ đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 52 nhà sản xuất được phép cung cấp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên sau những đợt kiểm tra, xử lý vi phạm vừa qua, Thanh tra Bộ Giao thông phát hiện 70% hộp đen kiểm tra bị tê liệt. Do vậy Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định rút giấy chứng nhận hợp quy của 8 nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng. |
- P.V (tổng hợp)