Chuyến vi hành kỳ lạ của bậc quân vương
Cách đây rất lâu về trước, có một quốc vương tên là Sái Vi, phẩm hạnh đoan chính, chí hướng cao xa, tư chất hiếu học, đặc biệt rất thờ phụng Phật giáo. Một ngày nọ, Sái Vi vương bèn cải trang thành dân thường vi hành. Ngài bắt gặp một ông lão đóng giày bên đường, bèn hỏi một câu: “Theo ông, người trong cả nước, ai vui vẻ nhất?”
Ông lão trả lời: “Đó chính là Quốc Vương, có bá quan theo hầu, trăm họ tiến cống, muốn gì được nấy.” Sái Vi vương nói: “Tôi cũng nghĩ giống như ông”. Sau đó Sái Vi vương liền mời ông lão đóng giày uống rượu nho, chuốc cho lão say mèm, rồi sai người khiêng lão vào trong cung.
Sái Vi vương nói với hoàng hậu: “Nàng cho ông ấy mặc trang phục của ta, để ông ấy lên điện xử lý mọi việc triều chính.” Hoàng hậu vâng mệnh. Ngày hôm sau, ông lão đóng giày tỉnh rượu, được các cung nữ khoác hoàng bào, thị vệ đưa lên điện nhiếp chính. Văn võ bá quan không ngừng thúc giục lão thẩm nghị các việc chính sự. Ông lão cả ngày ngồi ở trong điện, xương cốt toàn thân đều đau nhức hết cả, ăn uống cũng không còn biết mùi vị gì nữa, chỉ mới một ngày mà đã thấy yếu đi rất nhiều.
Hoàng hậu thấy sắc mặt ông lão xấu đi, bèn hỏi: “Đại vương không được khỏe, chi bằng hãy gọi đám vũ công đến ca múa cho khuây khỏa một phen vậy”. Thế là, ông lão một bên thưởng thức ca múa, còn các cung nữ bên cạnh không ngừng chuốc rượu. Đến khi lão say mèm không còn biết trời đất gì nữa, mọi người mặc lại bộ quần áo ban đầu cho lão rồi khiêng về nhà.
Hé lộ sự thật về tiền kiếp
Mấy ngày sau, Sái Vi vương đến tìm ông. Ông lão đóng giày nói: “Mấy ngày trước uống rượu của ông, tôi say đến mắt hoa đầu váng, mơ thấy mình làm quốc vương. Nhưng trong tâm tôi hoảng sợ vô cùng, xương cốt khắp người đau nhức, tôi nghĩ dù có bị đòn roi cũng không đến mức như vậy. Lời mà tôi nói với ông mấy hôm trước Quốc vương là người hạnh phúc nhất, chắc chắn sai rồi!”.
Sái Vi vương sau khi về đến hoàng cung liền đem chuyện này thuật lại với chúng đại thần, ai cũng cười ầm. Sái Vi vương bèn thuyết giảng về một đạo lý của tiền kiếp: “Cùng một thân xác, chỉ mới thay đổi số phận và hoàn cảnh xung quanh còn không tự biết được. Huống gì cách nhau một kiếp sống, khoác lên một nhục thân mới, trải qua đủ loại thống khổ, phiền não, ưu sầu.
Muốn nhớ được những gì mà thần thức của mình đã trải qua trong đời trước, gần như là điều không thể”.
Phật dạy: Tiền kiếp là có thật nhưng ta không thể nhớ ra là do...
Ngàn năm nay, chúng ta vẫn tranh luận không ngớt các câu hỏi: Con người từ đâu mà có? Chết rồi có phải là hết không? Theo Phật Giáo: chết không phải là hết, chúng ta đều bị rằng buộc trong vòng xoáy nhân quả, luân hồi.
Nhiều người vô tri, bất hiếu, thường oán trách cha mẹ không có phúc, bất tài, sinh ra mình nghèo khổ, thua kém người ta. Mà không biết phúc phận, nghiệp báo mình được hưởng kiếp này, đều là do nhân quả gieo gặt từ kiếp trước mà thành. Thế nhưng tại sao, nếu kiếp trước là có thật, mà ta không thể nhớ ra?
Phật dạy: Cuộc sống có cách cân bằng riêng, mang đến ta cuộc sống tốt nhất, chỉ là ta không thể biết mà thôi. Có những thứ không biết sẽ tốt, có những điều lãng quên được sẽ thấy an vui.