(Đời sống) – “Nơi nào có tội phạm thì ông chủ tịch, bí thư nơi đó phải chịu trách nhiệm. Chỗ nào có tội phạm thì phải ngưng chức ông trưởng công an”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với cử tri Quảng Nam.
Chiều 24/6, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời cử tri Nguyễn Trường Lại (xã Duy Châu) đặt câu hỏi: “Có hay không vấn đề che giấu tội phạm hiện nay của các cơ quan chức năng? Tại sao có công an, có chính quyền mà tội phạm kiểu xã hội đen vẫn hoành hành?”.
Chia sẻ với các cử tri, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính quyền đang mạnh tay với các loại tội phạm. “Người dân có thể còn nghèo nhưng phải an toàn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tiếp xúc cử tri tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chiều 24/6. Ảnh: TTO. |
“Tại sao công an xã có, huyện, tỉnh có mà tội phạm hoành hành như thế? Vừa rồi tôi phải chỉ đạo bắt hàng loạt vụ. Phải thanh lọc những cán bộ công an hư hỏng để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Nơi nào có tội phạm thì ông Chủ tịch, Bí thư nơi đó phải chịu trách nhiệm. Chỗ nào có tội phạm thì phải ngưng chức ông trưởng công an”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm, gần chục sới bạc lớn, nhiều nhóm côn đồ hoạt động kiểu “xã hội đen” ở nhiều địa phương bị Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo triệt phá. Điều đáng nói, các hoạt động phi pháp này ngang nhiên diễn ra từ nhiều năm mà không bị bất cứ ai “sờ gáy”.
Sau những vụ án đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có trả lời phỏng vấn trên báo Chính phủ rằng, một số băng nhóm tội phạm đã lộng hành trong thời gian dài tại địa phương, nhưng chỉ bị lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an trực tiếp triệt phá đã cho thấy, có biểu hiện của sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ sở.
Phó thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền một số địa phương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để các đối tượng, băng nhóm “xã hội đen” hoạt động bảo kê, lộng hành.
“Địa phương nào để tội phạm lộng hành thì cấp ủy, chính quyền, công an nơi đó phải chịu trách nhiệm. Dứt khoát phải kỷ luật, cách chức, chuyển công tác, thậm chí phải truy tố trước pháp luật nếu phát hiện có sự thiếu trách nhiệm, bảo kê, bao che tội phạm của các cá nhân có liên quan và thủ trưởng đơn vị đó”, Phó thủ tướng khẳng định.
Trả lời trên tờ NLĐ, đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm trật tự xã hội (C45, Bộ Công an) cũng từng nói rằng: “Địa phương cũng biết có sới bạc đó nhưng việc tổ chức truy bắt gặp nhiều khó khăn. Từ đây mới đặt ra chuyện liệu có bảo kê, làm ngơ cho sới bạc hoạt động hay không. Tôi cho rằng việc này cần phải tiếp tục xem xét mới có thể kết luận được”.
Nhận định về băng nhóm tội phạm bị Bộ Công an triệt phá ở Hưng Yên, khi hoạt động nhiều năm mà người dân không dám tố cáo vì sợ trả thù, đại tá Tiến nhận định: “Ở đây, có thể có sự dung túng, bao che và thậm chí không loại trừ sự bảo kê đối với băng nhóm này”.
Trong 5 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 17.800 vụ phạm tội về trật tự xã hội, xử lý 39.500 đối tượng, triệt phá 962 băng nhóm tội phạm trên cả nước. |
- P.V (tổng hợp)