Phụ huynh hoang mang trước "phiên bản lạ hoắc" của bài thơ "Thương ông" trong sách Tiếng Việt lớp 2

( PHUNUTODAY ) - Bài thơ "Thương ông" của Tú Mỡ là một tác phẩm khó quên trong chương trình tiểu học đối với nhiều thế hệ.

Bài thơ "Thương ông" của Tú Mỡ là tác phẩm xuất hiện trong chương trình tiểu học của nhiều thế hệ. Nhiều năm trôi qua nhưng những vần thơ bình dị, thấm đẫm tình cảm vẫn in sâu trong tâm trí của mọi người.

Bài thơ "Thương ông" quen thuộc với nhiều thế hệ:

Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Khập khiễng, khập khà

Bước lên thềm nhà

Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó

Việt chơi ngoài sân

Lon ton lại gần,

Âu yếm, nhanh nhảu:

"Ông vịn vai cháu,

Cháu đỡ ông lên."

Ông bước lên thềm

Trong lòng sung sướng

Quẳng gậy, cúi xuống

Quên cả đớn đau

Ôm cháu xoa đầu:

"Hoan hô thằng bé!

Bé thế mà khoẻ

Vì nó thương ông".

Mới đây, một vị phụ huynh đã phát hiện ra sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 tập 1 của con mình có một phiên bản "Thương ông" rất lạ, không còn giữ được những vần điệu hay ho, dễ nhớ như bài cũ. Nhiều người lớn cảm thấy "hoang mang" khi đọc phiên bản mới này.

bai-tho-thuong-ong-01

Cụ thể, bài thơ "Thương ông" mới có độ dài 28 câu (so với 20 câu trong bài cũ, bài thơ gốc có 42 câu). Một số câu thơ cũ đã không còn, thay vào đó là nhiều câu mới.

Nhiều người đọc cho rằng việc thay đổi không có quy luật, làm mất vần điệu của bài thơ gốc, khó nhớ và cũng làm giảm biểu hiện tình cảm giữa ông và cháu qua những vần thơ.

Bài thơ "Thương ông" (bản mới gồm 28 câu)

Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Việt chơi ngoài sân

Lon ton lại gần:

Ông vịn vai cháu,

Cháu đỡ ông lên

Ông bước lên thềm:

"Hoan hô thằng bé!

Bé thế mà khoẻ

Vì nó thương ông".

Đôi mắt sáng trong

Việt ta thủ thỉ:

"Ông đau lắm nhỉ?

Khi nào ông đau

Ông nhớ lấy câu

Bố cháu vẫn dạy

Nhắc đi nhắc lại:

- Không đau! Không đau!

Dù đau đến đâu,

Khỏi ngay lập tức.

"Ông phải phì cười:

"Ừ, ông theo lời

Thử xem có nghiệm"

"Không đau! Không đau!"

Và ông gật đầu:

"Khỏi rồi! Tài nhỉ!"

Việt ta thích chí:

"Cháu đã bảo mà...!"

Và móc túi ra:

"Biếu ông cái kẹo!".

Nguyên văn bài thơ "Thương ông" của nhà thơ Tú Mỡ (gồm 42 câu)

Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Khập khiễng, khập khà

Bước lên thềm nhà

Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó

Việt chơi ngoài sân

Lon ton lại gần

Âu yếm, nhanh nhảu:

"Ông vịn vai cháu,

Cháu đỡ ông lên".

Ông bước lên thềm

Trong lòng sung sướng

Quẳng gậy, cúi xuống

Quên cả đớn đau

Ôm cháu xoa đầu:

"Hoan hô thằng bé!

Bé thế mà khoẻ

Vì nó thương ông".

Đôi mắt sáng trong

Việt ta thủ thỉ:

"Ông đau lắm nhỉ?

Khi nào ông đau

Ông nhớ lấy câu

Bố cháu vẫn dạy

Nhắc đi nhắc lại:

- Không đau! Không đau!

Dù đau đến đâu,

Khỏi ngay lập tức.

"Tuy chân đang nhức,

Ông phải phì cười:

"Ừ, ông theo lời

Thử xem có nghiệm"

Ông bèn nói liền:

"Không đau! Không đau!"

Và ông gật đầu:

"Khỏi rồi! Tài nhỉ!

"Việt ta thích chí:

"Cháu đã bảo mà...!"

Và móc túi ra:

"Biếu ông cái kẹo!".

Trên thực tế, sách không in sai hay những người biên soạn sách không tự ý thêm câu thơ mới mà chỉ chọn lọc, cắt ghép một số câu thơ để tạo ra bài thơ được in trong sách giáo khoa hiện hành.

Những câu như "Khập khiễng, khập khà", "Âu yếm nhanh nhảu"... có vai trò như chất kết dính của bài thơ đã bị loại bỏ. Hay đoạn thể hiện cảm xúc của người ông: "Trong lòng sung sướng / Quẳng gậy, cúi xuống / Quên cả đớn đau /Ôm cháu xoa đầu"... cũng không còn trong phiên bản mới.

Được biết, sách tiếng Việt lớp 2 tập 1 hiện hành cũng do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên. Cuốn sách này cũng đã được tái bản đến lần thứ 17.

Theo Pháp luật và Bạn đọc, GS Nguyễn Minh Thuyết đã giải thích lý do việc lựa chọn trích đoạn mới của bài thơ "Thương ông" để đưa vào SGK hiện hành: "Ở đoạn đầu bài thơ, đúng là rất hay. Nhưng khi lựa chọn cho học sinh lớp 2, ngoài tiêu chí chọn nội dung hay, chúng tôi phải quan tâm tới những yếu tố khác.

Đoạn đầu bài thơ có câu "Đi phải chống gậy / Khập khiễng khập khà". Từ "khập khà" là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ. Nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt cho học sinh thì đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2.

Ngoài ra theo quan điểm của nhóm biên soạn, ở phần đầu có một số câu nôm na, không "thơ" bằng phần sau. Đặc biệt ở phần sau khi đứa cháu bảo ông nói "Không đau! Không đau!", người ông làm theo... là phần rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên rất trẻ con của người cháu. Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở đây. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau".

Theo:  khoevadep.com.vn copy link