Prayuth tuyên bố giải tán thượng viện, cách chức cảnh sát trường quốc gia

17:30, Chủ nhật 25/05/2014

( PHUNUTODAY ) - Tuyên bố giải tán thượng viện, cách chức cảnh sát trưởng quốc gia, lãnh đạo chính kiêm thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth thông báo rằng việc ông chiếm mọi quyền của thượng viện và hạ viện vào thời điểm này là để thông qua những dự luật khi cần.

Cùng với việc giải tán thượng viện, mọi quyền lập pháp giờ đây nằm trong tay của lực lượng đảo chính là Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia (NPOMC). Lãnh đạo đảo chính kiêm thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth thông báo rằng việc ông chiếm mọi quyền của thượng viện và hạ viện vào thời điểm này là để thông qua những dự luật khi cần.

Tối 24-5, NPOMC cũng tuyên bố cách chức cảnh sát trưởng quốc gia, tướng Adul Saengsingkaew và đưa ông này về một ví trí khác thấp cấp hơn. Người đứng đầu Cục điều tra đặc biệt Tarit Pengdith cũng bị cách chức. Hai nhân vật này được coi là thân với chính phủ vừa bị lật đổ.

Đêm qua, chính quyền mới cũng ra thông báo cho biết đã viết thư gửi Văn phòng hoàng gia hai lần vào hôm 20-5 (tức ngày ban bố thiết quân luật - PV) và 22-5 (ngày đảo chính) để báo cáo về các hoạt động của quân đội. Và hôm qua (24-5), Văn phòng hoàng gia phản hồi rằng nhà vua đã được báo cáo về các diễn tiến đó.

Thúc đẩy kế hoạch cải tổ

Thủ tướng lâm thời Prayuth tuyên bố rõ: “Mọi chuyện của đất nước phải ổn thỏa trước khi tiến hành bầu cử”. NPOMC sẽ hoạt động đến khi hoàn tất cải tổ và tiến hành bầu cử. Nó cũng đồng nghĩa với việc ông Prayuth và các lãnh đạo quân sự có thể sẽ nắm giữ quyền lực kể cả khi đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 9 năm nay.
Tướng Prayuth tự tin có thể tìm được nguồn quỹ để trả nợ cho nông dân trong 15-20 ngày nữa. “Tôi sẽ tìm được tiền. Tiền sẽ ưu tiên trả cho nông dân, còn các thỏa thuận bán gạo giữa Chính phủ Thái với chính phủ các nước sẽ bị hoãn” - ông tuyên bố.

Quân đội Thái Lan cũng đối mặt thêm với sức ép từ giới truyền thông khi bốn công ty truyền thông lớn hôm qua cùng gửi đơn yêu cầu quân đội xem xét lại và bãi bỏ các quy định kiểm soát đối với phóng viên và truyền thông. Trước đó, các tổ chức du lịch Thái Lan cũng đã yêu cầu nới lỏng các quy định đối với khách du lịch nước ngoài sau khi hàng chục nước ra cảnh báo du lịch đối với Thái Lan.

Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, cựu bộ trưởng nội vụ Charupong Ruangsuwan, người đã không ra trình diện hôm 23-5, tuyên bố sẽ không nộp mình cho quân đội. “Tôi sẽ không cúi đầu trước quân đội. Tôi sẽ không tham gia cuộc họp của những kẻ nổi loạn vì tôi là lãnh đạo Pheu Thai và là bộ trưởng nội vụ được người dân bầu” - ông cho biết trên tài khoản Facebook của mình, trong đó nói thêm rằng ông đang trú ẩn ở khu vực đông bắc Thái Lan. Tuyên bố của ông đưa ra sau khi quân đội Thái Lan yêu cầu thêm 35 người phải ra trình diện. Những người bị trình diện trước đó được “mời nghỉ ngơi” tại một khu vực của lục quân.

Người biểu tình rượt binh sĩ

Ngày thứ hai sau đảo chính ở Thái Lan, phản ứng của người dân hiện rõ trên đường phố. Mặc dù thiết quân luật và lệnh cấm tụ tập trên năm người vẫn còn hiệu lực, nhưng các nhóm biểu tình tự phát đã tụ tập tại nhiều địa điểm để phản đối đảo chính. Các cuộc biểu tình về chiều đông hơn với khoảng 1.000 người.

Ban đầu quân đội xuất hiện nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn từ người biểu tình. Binh sĩ rút đi, cảnh sát chống bạo động được thay vào để giảm nhiệt. Những nữ cảnh sát chống bạo động cũng xuất hiện, làm dịu bớt bầu không khí.

Ở khu tượng đài Chiến thắng trung tâm Bangkok, đầu mối giao thông quan trọng tại thủ đô, các nhóm biểu tình giáp mặt với binh sĩ, đôi khi chỉ cách nhau vài mét, tay giơ cao các biểu ngữ và la hét phản đối đảo chính. Có nhóm biểu tình đã nhào đến phía một số binh sĩ đang đứng làm nhiệm vụ khiến những binh sĩ này bỏ chạy, leo lên xe đi mất. Có vẻ như quân đội đang cố gắng kiềm chế để không xảy ra đụng độ vào thời điểm này. Cảnh sát được triển khai để hỗ trợ an ninh.

Ngán ngẩm giờ giới nghiêm
Tại những nơi khác trên đường phố Bangkok, sự xuất hiện của quân đội tiếp tục thu hút sự chú ý của người dân và du khách. Nhiều người xin ra chụp ảnh với binh sĩ hay cầm điện thoại chụp hình “tự sướng” với quân nhân.

Cuộc sống thường nhật bắt đầu bớt bất tiện hơn khi người dân tìm cách thích nghi với lệnh giới nghiêm. Những người bán hàng cho biết dù buổi tối bán được hơn nhưng cũng đành chấp nhận dọn hàng sớm.

Giới trẻ thì ngao ngán thấy rõ. Anh Nutthakit Chawmuengkrung, sinh viên Trường đại học Rangsit, cho biết nhận được thông báo nghỉ học từ ngày 23 đến 25-5 trong khi sắp có kỳ thi vào tuần tới. Nhưng Nutthakit cũng chưa chắc chắn sẽ đi học lại vào tuần sau hay không. “Tôi phát chán với lệnh giới nghiêm. Phải ở trong nhà từ 10g tối, tôi chỉ biết ngủ, chơi game và xem phim trên Internet”.

Trong khi đó, du khách tại đây cho biết cũng không thích lệnh giới nghiêm. Một số du khách dù biết một số điểm giải trí có mở cửa nhưng cũng ngại đi lại trong giờ giới nghiêm. Ở một quán bar bên đường sát bên một khách sạn lớn vẫn mở cửa trong giờ giới nghiêm, khách khứa vẫn bù khú trong khi cánh tài xế taxi đứng đợi khách. “Chúng tôi chỉ đứng đây đợi chở khách ra sân bay hoặc về nhà chứ không thể chạy lòng vòng khắp nơi để đón khách được” - một tài xế phàn nàn. Chốc chốc lại có những xe cảnh sát nháy đèn đi tuần trên đường phố.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Thị Minh
TIN MỚI CẬP NHẬT