Người đàn ông có khả năng kỳ diệu đó là anh Trần Thanh Tùng (SN 1966, ngụ khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ). Dù cả hai chân bị cụt lên đến gần bẹn nhưng anh đã dệt nên một câu chuyện cổ tích tình yêu đẹp giữa đời thường.
Đồng thời bằng khả năng và nghị lực của mình, khi ở dưới nước, anh trở thành kình ngư đuổi bắt cá siêu hạng ở các con sông lớn. Khi ở trên cạn, anh leo trèo giỏi hơn cả những người lành lặn để hái dừa cho vợ đem ra chợ bán, kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Tình yêu đẹp của chàng thương binh
Về Thới Bình (phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) hỏi người thương binh bị cụt 2 chân Trần Thanh Tùng, nhưng hằng ngày vẫn giông xuồng bắt cá, trèo cây hái dừa thì ai cũng biết.
Người dân ở đây, ai cũng thán phục và kính nể người thương binh này vì những cố gắng phi thường của anh trong cuộc sống. Dù 2 chân của anh đã mất đi trong chiến tranh, nhưng bằng nghị lực của chính mình anh đã vượt lên số phận và khắc phục sự “khuyết tật’ của mình, hòa nhập cuộc sống với mọi người.
Năm 1984, chàng thanh niên Trần Thanh Tùng theo tiếng gọi của non sông đất nước đã lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện nghiệp vụ trên Sài Gòn, anh lên đường cùng đoàn quân tình nguyện sang Campuchia giúp nước bạn tiêu diệt bọn Pôn-Pốt.
Anh Trần Thanh Tùng đang trèo cây hái dừa. |
Anh được phân công chiến đấu tại đơn vị công binh, chuyên mở đường để cho bộ binh đi sau tiến quân. Vì vậy, nhiệm vụ chính của anh là rà soát và tháo gỡ bom mìn trên đường mà đơn vị công binh của anh đi qua.
Trong một lần làm nhiệm vụ, buổi trưa trời nắng gắt, người anh mệt lả nên, khi đang dò mìn, anh mắc phải một sai lầm chết người. Quả mìn K58 do Trung Quốc sản xuất bị anh giẫm phải, nổ tung trời.
Anh Trần Thanh Tùng hồi tưởng “Sau tiếng nổ lớn ù hết tai, tôi nhìn xuống thấy đôi chân không còn, nghĩ đời mình thế là hết, rồi lịm dần đi lúc nào không biết”.
Sau tiếng nổ, phát hiện Trần Thanh Tùng bị thương nặng, những đồng đội của anh đang làm nhiệm vụ gần đó, đã thực hiện động tác sơ cứu và nhanh nhanh chóng chuyển anh đến trạm xá để cấp cứu. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, đã cứu sống anh từ tay thần chết trở về.
ôn mê 5 ngày liền, Trần Thanh Tùng đã tỉnh lại, nhưng 2 chân của anh cũng vĩnh viễn mất đi. Sau đó, anh được chuyển về nước điều trị. Đến khoảng năm 1986, khi đã hồi phục sức khỏe hẳn, anh được chuyển về địa phương cùng gia đình.
Ngày xuất ngũ, do điều kiện kinh tế đất nước khi đó còn khó khăn, anh chỉ được phụ cấp mấy chục cân gạo và mấy chục nghìn. Về đến cổng nhà mà anh rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến tương lai phía trước với đôi chân bị cụt lên đến khớp háng.
Những ngày đầu khi trở về với cuộc sống, anh đã hụt hẫng nặng với thương tật của mình. Cuộc sống cứ dần trôi đi trong sự mặc cảm và hờn tủi của chàng thương binh trẻ. Cho đến một ngày, khi anh được mẹ đưa ra chợ Ô Môn, tại đây anh đã gặp và đem lòng yêu thương cô thiếu nữ Nguyễn Thị Đức (SN 1971), khi đó mới 17 tuổi.
Từ sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ấy, cuộc đời của chàng thương binh trẻ đã rẻ sang một hướng khác. “Khi ấy dù thích cô gái nhưng không dám mộng lập gia đình, đó là giấc mơ xa vời quá”, anh Tùng bộc bạch.
Người thương binh cụt hai chân nhưng vẫn đánh bắt cá, trèo cây một cách tài tình. |
Như một duyên số, hai người nói chuyện hợp nhau từ buổi gặp gỡ đầu tiên. Mới lên 17 tuổi, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Đức vừa xinh đẹp lại nết na. Hằng ngày, cô theo mẹ ra chợ bán rau cải.
Từ lần gặp gỡ đầu tiên, cứ lâu lâu Tùng lại cùng mẹ đi chợ mua rau cải để được gặp cô thiếu nữ đương tuổi xuân thì, ngây thơ, dịu dàng và nói chuyện rất có duyên. Điều khiến chàng thương binh Trần Thanh Tùng không ngờ rằng, chỉ qua vài lần trò chuyện, cô thiếu nữ ấy cũng có tình cảm với anh.
Thời gian cứ thế trôi đi, và tình cảm của 2 người cũng lớn dần qua những lần trò chuyện ở những buổi chợ ấy. Cho đến một ngày, cô gái đã nói thật tình cảm đã dành cho chàng thương binh cho mẹ biết.
Ban đầu, mẹ của cô thiếu nữ cũng giật mình bỡ ngỡ vì không hiểu sao con gái mình lại đi yêu một người không đủ chân tay, nhưng bà quý trọng tình cảm đó mới đem lời thưa chuyện với mẹ Tùng.
Anh Tùng kể lại: “Khi mẹ cho biết là cô ấy cũng thích tôi, tôi đã không dám tin đó là sự thật, cảm xúc lâng lâng khó tả, suýt nữa tôi bật khóc vì hạnh phúc quá”. Năm đó, anh Tùng cũng chỉ mới 22 tuổi. Vượt qua những lời xì xào bàn tán của dư luận, họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân chính.
Không lâu sau đó đám cưới được tổ chức trong sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. Ai cũng chúc mừng cô dâu chú rể có tình yêu đẹp, trăm năm hạnh phúc. Và cho đến bây giờ, người dân ở khu vực Phước Thới ai thán phục câu chuyện tình yêu cảm động của vợ chồng anh Tùng.
Nghị lực phi thường đi lên bằng đôi chân khuyết tật
Khi mới cưới nhau về, hoàn cảnh gia đình của 2 bên cũng không khá giả mấy, còn đôi chân của anh Tùng thì lại bị tật nguyền nên cuộc sống hết sức khó khăn. Tài sản không có gì, ngoài 500 mét vuông đất vườn, nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào người vợ trẻ chưa đầy 20 tuổi.
Thời gian ban đầu, gia đình anh phải “chật vật” với bao nhiêu nỗi lo toan cơm, áo, gạo tiền… Rồi cuộc sống vợ chồng của những ngày đầu cũng trôi đi, với những ngày dài dằng dặc với khó khăn.
Dù khó khăn, nhưng 2 vợ chồng anh Tùng hết sức thương yêu nhau. Và “kết tinh” cho tình yêu của 2 người là một bé trai kháu khỉnh chào đời, trong niềm vui khôn tả của gia đình. Và từ đây, gia đình anh cũng phải đối mặt với một khó khăn mới, khiến anh Tùng phải trăn trở, sẽ làm gì để kiếm tiền nuôi con.
Và một việc cần phải nói thêm, là hằng ngày mọi sinh hoạt, đến cả việc tắm rửa anh Tùng cũng phải nhờ vợ bồng ra con sông phía trước nhà. Từ những lần tắm đó anh Tùng nảy sinh ý định bảo vợ tập bơi để còn lên xuồng đi sông bắt cá.
Khi đó, “ý tưởng” của anh Tùng đã bị nhiều người phản bác, chê cười. Vì người bình thường tập bơi còn khó nói gì đến người mất cả hai chân như anh. Nhưng nhờ được người vợ tận tình động viên giúp đỡ cùng nỗ lực phi thường của bản thân, sau khoảng 3 năm miệt mài luyện tập, anh Tùng đã làm chủ được con nước, bơi lặn giỏi như kình ngư.
Khi đã biết bơi, vợ chồng anh dồn sức sắm một chiếc xuồng để ra sông bắt cá. Những ngày đầu vợ anh phải đi theo, nhỡ có chuyện gì xảy ra còn có thể trợ sức. Vài năm sau đó, thấy công việc chèo xuồng thả lưới bắt cá của chồng thành thạo, cô mới để chồng đi một mình.
Thế nhưng có giỏi giang như thế nào thì cũng không tránh khỏi những rủi ro. Anh kể rằng từng mấy lần bị chết hụt ở các con sông, bởi khi thả lưới xuống thì lưới bị mắc ở dưới đáy sông không kéo lên được. Khi đó anh phải lặn xuống gỡ lưới ra, đến khi gỡ được thì anh kiệt sức, hết hơi.
Đến khi ngoi lên được đến mặt nước thì sắp ngất do ngạt thở. “Giá như những lúc ấy tôi có đôi chân khỏe thì chỉ cần đạp mạnh xuống đất lấy đà thì ngoi lên mặt nước sẽ được nhanh hơn”, anh Tùng nói.
Việc đi đánh cá của anh có khi kéo dài hàng nửa tháng, một mình lên đênh trên sông. Thời gian đi dài ngày như vậy nên quãng sông mà anh đi dài hàng trăm cây số. Ban ngày đánh bắt cá rồi đem lên các chợ ở ven sông bán, ban đêm tranh thủ ngủ luôn trên xuồng.
Sau mỗi chuyến đi như vậy anh cũng kiếm đủ tiền đong gạo và các chi phí khác cho cuộc sống gia đình. “Đi nhiều thành quen, dù mưa to sóng lớn như thế nào tôi cũng vẫn đi được. Có khi xuồng bị lật, một mình tôi cũng cố gắng vật con thuyền lại. Từ trước tới nay tôi đã bơi trên sông hàng nghìn km để bắt cá, dù đôi chân bị cụt”, anh Tùng cho biết.
Không những trở thành một “kình ngư” giỏi, chàng thương binh này còn là một “chuyên gia’ trèo cây hái dừa với đôi chân cụt đến khớp háng một cách tài tình.
Đối với những người nguyên vẹn chân tay thì việc leo trèo không có gì đáng kể, nhưng mất cả hai chân như anh Tùng mà vẫn leo trèo giỏi đến cả bầy khỉ trong rừng cũng phải phát ghen thì là điều lạ lùng.
Đất nhà anh trồng một vườn dừa nhưng vợ anh lại không biết trèo cây. Sau những lần đi sông bắt cá về, vợ chồng anh buổi tối thường mắc võng ở ngoài sân ngồi tâm sự.
“Có một lần, trong lúc vợ tui khát nước, nhìn cây dừa trước mặt với rất nhiều quả treo lơ lửng phía trên. Lúc đó, vợ tôi đã thuận miệng nói “giá như anh có thể hái dừa cho em uống”. anh Tùng nhớ lại.
Sau câu nói bâng quơ của vợ, anh im lặng, nhưng trong đầu nảy sinh ra ý định tập trèo dừa “người khác làm được mình làm được”. Thế là vì yêu vợ, muốn tự tay hái dừa cho vợ uống, ngay buổi sáng ngày hôm sau anh Tùng ra vườn dừa tập trèo cây.
Nhưng phải đến khoảng 3 tháng sau anh mới tự tay hái được trái dừa đầu tiên đem cho vợ uống. “Ban đầu mới tập trèo đau hai cái giò lắm, đến khi phần da thịt chỗ bị cụt chai đi thì mới không bị đau”, anh Tùng nói.
Thế là cứ mùa dừa đến, vợ chồng anh lại đem đòn gánh ra vườn dừa, chồng hái xuống thì vợ gánh về và đem đi chợ bán. Trong khu vực có nhiều nhà trồng dừa, đến mùa thu hoạch nhiều người còn đến thuê anh Tùng hái dừa hộ.
Không biết bằng kỹ thuật gì mà anh được người dân khen là có khả năng hái dừa rất nhanh và giỏi. Ông Đào Văn Thấm, trưởng khu vực Thới Bình cho biết, trong nhiều năm nay gia đình anh Tùng đều đạt gia đình văn hóa của phường.
Dù bị cụt hai chân nhưng những gì anh làm được thật đáng khâm phục. Bằng nghị lực phi thường của mình anh Tùng đã cùng vợ xây dựng một gia đình hạnh phúc.
- Tiểu Viên
[links()]