Dù mối quan hệ giữa hai người có tốt đẹp đến đâu nhưng khi đứng trước lời đề nghị giúp đỡ của nhau thì đều cần biết đâu là việc mình có thể giúp thay vì mặc định là giúp tất cả. Bên cạnh sự nhiệt tình, đừng quên duy trì một chút khoảng cách, biết cách từ chối, bảo vệ ranh giới của bản thân và không dễ dàng bước vào ranh giới của người khác.
Nhớ rằng, mối quan hệ có tốt đẹp đến đâu cũng đừng xem nhẹ 3 loại ân huệ này, vì sau đó mối quan hệ rất dễ trở mặt:
Không can thiệp vào việc nhà người khác
Khi Lan còn nhỏ, trong thôn mỗi khi có chuyện cãi nhau là hàng xóm sẽ nhanh chóng chạy sang can ngăn. Không cần biết tình hình cụ thể, họ sẽ nhanh chóng tìm ra phía mình cần bênh vực. Nếu là mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, mẹ chồng bình thường là người biết cách cư xử thì lỗi lầm ắt hẳn từ phía con dâu. Nếu là mâu thuẫn vợ chồng thì mọi người sẽ xem bên nào có vẻ thật thà sẽ là bên yếu thế hơn và đổ lỗi cho bên có vẻ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cách giải quyết như vậy thực sự là vô ích bởi trong các cuộc xung đột, mọi người đều có bất bình của riêng mình. Những người hàng xóm cố gắng thuyết phục và hòa giải một cuộc chiến kia chỉ đơn giản nghĩ rằng mọi người đều cùng như người nhà mà không biết rằng việc can thiệp vào chuyện của người khác quá nhiều chỉ hại thân mà thôi. Nhất là trong những mâu thuẫn vợ chồng, khi bạn giúp đỡ người này sẽ làm mất lòng người kia và sau khi vợ chồng họ tự giải quyết được mâu thuẫn hoàn toàn có thể quay ra đổ lỗi cho bạn.
Suy cho cùng, bạn không phải người trong cuộc nên không thể biết rõ mọi sự tình, làm sao nói đến chuyện phân định đúng sai cho được? Ai cũng có những vấn đề trong cuộc sống và gia đình nào cũng có những khó khăn riêng cần vượt qua. Bởi vậy nhiều người mới nói rằng gia đình là nơi "vô lý" nhất, người ngoài khó có thể dùng “lí trí” để giải quyết vấn đề của “tình cảm”.
Trước việc nhà của người khác, bất kể mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu hay giữa vợ chồng với nhau, là người ngoài cuộc, dù mối quan hệ có tốt đẹp đến đâu bạn cũng không nên là người phán xét hay nhúng tay vào. Nếu khả năng của bạn không đủ để dập tắt xung đột của người khác, tốt hơn hãy tránh xa “chiến trường”, đừng dễ dàng vượt qua ranh giới.
Với việc quá khả năng, đừng giúp đỡ
Bạn có từng rơi vào hoàn cảnh này không: Bạn và người đó đã thân thiết với nhau nhiều năm, khi đối phương gặp chuyện khó khăn cần giúp đỡ, dù ngoài khả năng bạn cũng không thể từ chối. Đối với người thân, họ hàng, càng khó có thể nói "không" dù biết yêu cầu giúp đỡ đó vượt quá sức mình. Đồng nghiệp nọ thường ngày vốn có mối quan hệ tốt với bạn, nay họ cần bạn giúp đỡ một việc dù quá khả năng, dường như phản ứng đầu tiên của bạn luôn là đồng ý.
Trong giao tiếp cá nhân, nhiều người không dám nói lời từ chối vì sĩ diện. Họ nghĩ rằng mối quan hệ vẫn luôn tốt đẹp, nay người ta khó khăn cần nhờ đến mình, nếu không giúp chẳng phải là rất vô lý sao? Lúc này nói lời từ chối, những người xung quanh sẽ đánh giá như thế nào? Mặt khác của việc không dám từ chối chính là sợ rạn nứt mối quan hệ, lo bị bàn tán. Tuy nhiên, chỉ cần bạn giúp đỡ việc quá sức mình, bạn nhất định sẽ hối hận.
Người đàn ông tên Bách và gia đình anh họ vẫn luôn có mối quan hệ tốt đẹp bấy lâu nay. Mỗi khi có dịp về quê hay lên thành phố, họ đều đến thăm nhau và thỉnh thoảng gọi điện để liên lạc.
Người anh họ ở quê có cậu con trai, chật vật mãi chưa kiếm được việc làm nên đã giờ anh Bách giới thiệu cho công việc tốt. Anh nghĩ dù sao cậu em mình cũng đã sống ở thành phố lớn nhiều năm, nhất định quen biết nhiều người. Bản thân anh Bách rất khó xử vì mình cũng chỉ là một công nhân bình thường nhưng vẫn cắn răng đồng ý, sau đó nhờ đồng nghiệp, bạn bè giới thiệu giúp.
Không lâu sau, anh Bách tìm được việc cho con của anh họ, là bảo vệ trong một tòa nhà văn phòng. Khi gọi điện cho anh họ của mình để báo tin, dù không nói ra trực tiếp nhưng anh thấy rõ đối phương đang nghĩ rằng anh bách vì không coi nhà họ ra gì nên mới giới thiệu cho công việc như vậy. Mối quan hệ giữa hai gia đình trở nên lạnh nhạt từ đó. Anh Bách từng nghĩ đến việc nhờ em họ giải thích nhưng cuối cùng lại cảm thấy không cần thiết. Anh chỉ thấy hối hận rằng mình đã không nói lời xin lỗi vì không thể giúp đỡ.
Thận trọng trong lời nói và việc làm khi đưa ra những quyết định liên quan đến cuộc đời của người khác
Có thể bạn được người thân, bạn bè rất tín nhiệm. Khi có khó khăn cần giúp đỡ hay có điều thắc mắc cần đến lời khuyên, họ sẽ tìm đến bạn và bạn thấy việc giúp đỡ được người khác là điều rất nên làm. Tuy nhiên, có một loại ân huệ mà bạn không được giúp đỡ, đó là quyết định trọng đại liên quan đến cuộc đời của một người.
Có đôi chị em nọ vốn rất thân thiết với nhau. Người chị từ nhỏ đã thông minh hơn người, sau lớn lên đỗ vào một trường đại học tốt và ở lại thành phố lớn sinh sống làm việc. Người em học hành không bằng nên ở lại quê và làm việc trong một nhà máy. Mối quan hệ giữa hai người họ vẫn luôn rất tốt, người em luôn lấy chị làm tấm gương để noi theo, làm gì cũng tìm đến chị xin lời khuyên và người chị thì luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Lần đó, người em tâm sự với chị về chuyện tình cảm của mình, hai người rất hạnh phúc nhưng gia đình chàng trai lại nghèo, bố mẹ cũng không hề ủng hộ. Người chị nhanh chóng mà nói rằng nếu là cô, nhất định sẽ không lấy một người như vậy. Cuộc sống gia đình biết bao thứ phải lo toan, không có tiền nhất định sẽ không sống được. Cuối cùng, hai người họ đã chia tay bởi không thể vượt qua sự can ngăn của gia đình.
Những năm sau đó, chàng trai lấy vợ và sinh con, sống một cuộc sống tuy không khá giả nhưng đầm ấm còn người em gái vẫn độc thân. Mỗi khi bất lực với cuộc đời, cô lại trách mình năm ấy lẽ ra không nên nghe theo lời khuyên của chị bởi mỗi người có một cách nhìn và nhu cầu về cuộc sống khác nhau.
Nhớ rằng, mỗi người đều có mục đích sống của riêng mình, yêu cầu đối với cuộc sống khác nhau, lòng khoan dung khác nhau đối với rất nhiều thứ, không thể dùng tiêu chuẩn của bản thân để đo lường việc của người khác. Liên quan đến lựa chọn cuộc sống của người khác, hãy thận trọng trong lời nói và hành động.