Quảng Nam: Chuyện khó tin nhưng có thật về cá cứu người

08:56, Chủ nhật 29/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Những câu chuyện ly kỳ trên biển mà người dân đối mặt trong quá trình mưu sinh là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi vùng sóng nướchellip;

(Phunutoday) - Đối với những ngư dân vùng biển, biển là nhà, là nơi mưu sinh, là sự gắn bó từ khi sinh ra đến khi chết đi. Do vậy chuyện tâm linh nơi biển cả đối với họ rất quan trọng, điều đó thể hiện qua việc họ tôn thờ những ngôi đền cá Ông, cá Voi. Xuất phát từ đó, những câu chuyện ly kỳ trên biển mà người dân đối mặt trong quá trình mưu sinh là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi vùng sóng nước…

[links()]

Lão ngư 2 lần được cá Ông cứu mạng

Trong chuyến công tác về xã biển Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam), tình cờ chúng tôi được ông Đặng Tảo (còn gọi là Đặng Châu, 1930, trú thôn Long Thạnh) kể cho nghe nhiều câu chuyện ly kỳ mà ông và những người bạn đã chứng kiến trong những ngày lang thang trên biển mưu sinh.

Trong những câu chuyện xưa cũ đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc ông vô tình phát hiện được bộ xương cá Ông và đem về thờ cúng nơi trang trọng nhất, để rồi sau đấy ông đã được "cá Ông cứu nạn hai lần".

Lão ngư Đặng Tảo lập bàn thờ “Ông Nam Hải” ngay trong nhà suốt mấy chục năm qua.
Lão ngư Đặng Tảo lập bàn thờ “Ông Nam Hải” ngay trong nhà suốt mấy chục năm qua.

Chúng tôi về miền quê biển đúng vào những ngày biển động, tàu thuyền đang neo đậu trú gió nên những ngư dân có dịp chuyện trò bên chén trà đạm bạc, kể cho nhau nghe những chuyện ly kỳ mà cuộc đời lênh đênh theo sóng nước mới có được.

Trong câu chuyện người làm chúng tôi chú ý nhất là ông Tảo, ở cái tuổi 80 khó có ai còn minh mẫn và khỏe mạnh đến vậy.  

Hớp chén trà xanh, ông Tảo kể chuyện hơn 60 năm bám biển của mình mà cứ ngỡ như truyền thuyết. Từ nhỏ, ông sớm tỏ ra là một chàng ngư “bén duyên” với biển, đi biển bắt đầu khi mới đôi mươi. Năm 30 tuổi, ông Tảo sắm được thuyền công suất 11CV, dưới tay có 4 thanh niên phụ việc.

Ông còn nhớ rất rõ vào ngày 23-11-1960, thuyền ông đang câu cá nhám ở khu vực biển Kỳ Hà (Núi Thành), biển lặng trời trong, lúc này đã câu được hai con nhám khoảng 3 tạ, cả thuyền đang khấp khởi mừng thầm, thì bất ngờ chiếc thuyền câu khựng lại, lắc mạnh một bên, định thần lại thì nhận ra con cá nhám gần 5 tạ mắc câu, đang cố vùng thoát thân, 5 người chung tay đánh vật với con cá và phải mất 1 giờ đồng hồ sau mới đưa được con cá hám mồi lên thuyền.

Hôm sau vào bờ, bán cá cho thương lái thì ông Tảo phát hiện có một bộ xương cá đã rữa khoảng 10kg, vừa ói ra từ miệng con cá nhám gần 5 tạ trên. Bộ xương cá trên được các vị bô lão trong làng xác định là bộ xương cá Ông còn nhỏ.

Hôm ấy không ai bảo ai, ngư dân thôn Long Thạnh chung tay mua sắm lễ vật kính cẩn đưa tang cá Ông. Sau khi làm lễ, ông Tảo xin làng đem bộ xương trên về nhà, lập am thờ cúng và bảo quản cẩn thận ở nơi trang trọng nhất.

Hằng năm sau lễ giỗ chạp cá Ông chung của làng vào ngày 10-9 âm lịch, thì hôm sau (11-9) gia đình ông Tảo làm lễ giỗ lại tại gia đình. Thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin, ông Tảo đứng lên thay bộ đồ đang mặc, thắp nén nhang, kính cẩn khấn vái trước am thờ.

Sau đó ông mang xuống cái hộp gỗ nhỏ bằng viên gạch ống, cẩn trọng mở từng tờ giấy điều đỏ bên trong là nắm xương cốt đã xỉn màu chì nhưng vẫn còn chắc chắn. Nhiều người hàng xóm cũng khẳng định đó là xương cốt cá Ông mà ông Tảo đã lưu giữ, thờ phụng 50 năm nay.

Ông Tảo kể tiếp: “Ông” linh thiêng lắm, nhờ “Ông” phù hộ mà từ đấy thuyền ông làm ăn khấm khá. Đời sống gia đình nhờ thế mà ổn định, ngày càng đi lên. Và có lẽ luôn có sự che chở của “Ông” khi mà hai lần thuyền ông Tảo thoát nạn trên biển.

Lần thứ nhất cách đây 20 năm, thuyền ông Tảo đánh cá ở vùng biển Chu Lai, bỏ neo ở độ sâu 27 sải nước, đêm về khuya trời đột nhiên nổi gió chướng, con thuyền chòng chành như chiếc lá giữa biển.

Trên thuyền lúc đó có 8 người, họ thay phiên nhau điều khiển con thuyền tránh gió, vừa khấn vái cá Ông. Ngay sau đó xuất hiện hai con cá Ông lớn, chúng lặng lẽ tựa mình vào hai bên hông con thuyền cứ thế lai dắt vào bờ thì trời cũng vừa hửng sáng. 5 năm sau, thuyền của ông Tảo đánh cá đến 22 giờ thì đầy khoang nên ông quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ.

Lão ngư Đặng Tảo bên bộ xương cá Ông.
Lão ngư Đặng Tảo bên bộ xương cá Ông.

Con tàu đang phấn khởi nhằm hướng bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược, con thuyền có khả năng sẽ bị lật úp do chở nặng. Lần đó cũng xuất hiện cá Ông, con cá cứ bơi trước cách con thuyền khoảng 30m, che chắn hướng gió cho thuyền vào bờ an toàn.

Câu chuyện ly kỳ bên chén trà xanh còn có ông Huỳnh Ngọc Mai (1935), ông Võ Hồng Điền (1937), anh Huỳnh Ngọc Hiến (1964, trú cùng thôn) là những người bạn đi thuyền ông Tảo những năm ấy xác nhận câu chuyện kể trên là sự thật.

Câu chuyện ly kỳ, cảm động của lão ngư Đặng Tảo đã giúp tôi cảm nhận được niềm tin của ngư dân Việt có sức mạnh như thế nào. Đối với những con người sinh ra, lớn lên và bám biển mưu sinh, niềm tin pha chút tâm linh là cội nguồn của sức mạnh cuộc sống.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao từ bao đời nay người Việt luôn biết kiềm chế, kiên định lập trường và không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù hung bạo.

Cá Ông đuổi cá mập, cứu ngư dân

Chuyện xảy ra đã lâu nhưng nay ngồi kể lại cho chúng tôi nghe, ông Võ Văn Hùng (72 tuổi, trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn hồi hộp. Bên chén rượu nồng cùng chúng tôi giữa đêm khuya một ngày cuối đông, lời kể của ông Hùng “nóng hổi” như xua đi cái lạnh giá rét: “Trước đây, lúc còn đi biển, tui là một người đàn ông khỏe mạnh, lực điền.

Suốt tháng này qua năm khác, tui chỉ thích “nằm lại” trên biển Đông để ngụp lặn, mò bắt con hải sâm, con bào ngư ẩn mình dưới đá san hô. Nhưng vào tháng 5-2000, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra lúc đang sinh mà đến bây giờ nhớ lại,  tui vẫn thấy….run người”.

Ông Võ Văn Hùng hồi ức lại lần đối mặt với cá mập hung bạo.
Ông Võ Văn Hùng hồi ức lại lần đối mặt với cá mập hung bạo.

Ngừng lại một lúc, uống ậc ly rượu cay xuống cổ, ông Hùng kể tiếp: Lúc đó khoảng 8 giờ sáng một ngày biển lặng. Sau một đêm thức trắng mưu sinh dưới đáy biển, thuyền trưởng cùng 11 ngư dân trên con tàu Qng-1298.TSV (trong đó có ông Hùng-PV) đang ngủ để lấy sức chuẩn bị cho công việc buổi tối tiếp theo. Nhưng bất thình lình con tàu nghiêng mạnh.

Ông Hùng là người không may mắn nhất trong đoàn bị rơi tỏm xuống biển. Lúc tỉnh dậy thì ông phát hiện ra bên cạnh mình là một con cá mập hung dữ dài hơn 10 m, nặng hàng chục tấn đang chờ chực, há miệng để nuốt chửng “vị khách lạ” vào bụng. Trong tình thế khẩn cấp, kinh hoàng, ông Hùng tưởng như mình đã buông xuôi, chỉ biết… chờ chết.

Còn những ngư dân trên tàu dù biết đồng nghiệp đang gặp nạn phía dưới nhưng cũng không dám liều mình hành động vì như thế sẽ rất nguy hiểm. “Nếu để con cá nghe thấy tiếng động hoặc nhìn thấy “con mồi” bỏ chạy, nó sẽ đớp đứt tôi liền” - ông Hùng giải thích. Nhưng trong giây phút hiểm nguy, khó khăn, hồi hộp đến nghẹt thở ấy, ý chí can trường vốn có ở một “kình ngư” đã có gần 50 năm gắn bó với biển Hoàng Sa bỗng nhiên trỗi dậy.

Lúc đó, bác xử lý ra sao? -chúng tôi thấp thỏm chen ngang. “Tui biết mình đã gặp nạn và có thể sẽ không bao giờ được trở về với người thân, gia đình ở đất liền nữa. Xác của tui họ cũng không thể lấy được. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn cố gắng lấy lại bình tĩnh, mở mắt thật lớn nhìn trừng trừng vào mắt con cá dữ mỗi lúc nó đến gần, há miệng đòi nuốt. Cứ thế sau mỗi lần ngửa cổ lên mặt nước thở lấy hơi, tui lại lặn xuống nhìn thẳng mắt “đối phương”.

Hơn 10 phút sau, lúc tui tiếp tục ngụp đầu xuống nước lần nữa để giáp mặt cá giữ  thì không thấy nó đâu nữa. Nhưng cùng lúc đó, tui lại cảm nhận được phía bên dưới đang có một con vật lớn nâng từ từ cơ thể mình nổi lên. Hóa ra, sau này khi đã được các đồng nghiệp hỗ trợ đưa lên boong tàu, tui mới biết được rằng: Mình vừa được “Ông Nam Hải”-một con cá ngư Ông lớn gấp bội phần con cá mập hung giữ lúc nãy đến giải cứu rồi nâng đỡ lên tàu” - “Kình ngư”, Võ Văn Hùng nói trong hồi hộp.

Câu chuyện của “kình ngư” Võ Văn Hùng trong đêm khuya thanh vắng thật cuốn hút và để lại nhiều cảm xúc trong chúng tôi. Không sinh ra từ biển, nhưng chúng tôi cảm nhận những người con của biển họ thành kính với người mẹ biển cả như thế nào? Họ có niềm tin, nhận thức tâm linh cho mình bởi họ sống nhờ vào biển. Dù trong câu chuyện với những ngư dân có pha chút tâm linh, huyễn hoặc thì chúng tôi vẫn tin, như tin vào sự kỳ diệu của cuộc sống!

  • Phương Dung

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc