Quý ông Ninomiya nhặt rác Hồ Gươm-tự hào hay xấu hổ?

08:20, Chủ nhật 14/10/2012

( PHUNUTODAY ) - lon, một mẩu thuốc lá nhưng nếu người dân có ý thức cúi xuống biết nhặt nó bỏ vào thùng rác, Hà Nội sẽ bớt bẩn hơn.

"Có lẽ bà cụ muốn nói lên sự bất lực trước những con người Việt Nam, sống trên đất nước mình mà lại không yêu mến, không biết bảo vệ quê hương bằng một người nước ngoài.".

[links()]

Hình ảnh một doanh nhân Nhật Bản - ông Ninomiya, Giám đốc một công ty có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên) cặm cụi nhặt rác ở Hồ Gươm vào 8h sáng Chủ nhật hàng tuần khiến nhiều người dân Hà Nội cảm phục.

Nhưng ít ai biết rằng đằng sau hoạt động đó là một câu chuyện đầy xúc động.

Động lòng vì thái độ của một cụ bà 70 tuổi

Tuần nào cũng vậy, công việc nhặt rác được bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 8h30. Mỗi tuần chỉ có một buổi, mỗi buổi chỉ kéo dài 30 phút, với nhiều người đó không khác gì "dã tràng xe cát, không giải quyết được gì", mặc kệ ông vẫn làm.

Ngay cả khi có một mình ông, ông cũng vẫn làm, ông làm không phải vì mục đích đánh bóng tên tuổi cho bản thân, ông làm vì một tình cảm đặc biệt, một mục đích xa hơn, mục đích bảo vệ môi trường.

Ông Ninomiya (trái) xách một túi rác - thành quả sau 30 phút nhặt rác.
Ông Ninomiya (trái) xách một túi rác - thành quả sau 30 phút nhặt rác.

Ông luôn mong muốn tất cả mọi người hãy nhìn vào hành động của ông để có ý thức hơn với chính môi trường sống của mình. Dù chỉ là một ống hút, một chiếc túi ni-lon, một mẩu thuốc lá nhưng nếu người dân có ý thức cúi xuống biết nhặt nó bỏ vào thùng rác, Hà Nội sẽ bớt bẩn hơn.

Ông Ninomiya cho biết, điều khiến ông "quyết tâm nhặt rác" và tích cực nhặt rác hơn không phải vì những lời khen ngợi hay chê cười mà là thái độ và hành động của một bà cụ khoảng 70 tuổi.

Trong một lần ông đang kiên nhẫn nhặt rác, bà cụ đã chạy lại nắm chặt lấy tay ông như một vị ân nhân, run rẩy nói lời cảm ơn. Bản thân ông cũng thấy ngạc nhiên, nhưng hành động của bà cụ làm ông rất xúc động.

Có lẽ bà cụ muốn nói lên sự bất lực trước những con người Việt Nam, sống trên đất nước mình mà lại không yêu mến, không biết bảo vệ quê hương bằng một người nước ngoài.

Ông Ninomiya chia sẻ, không biết sẽ gắn bó với công việc nhặt rác này đến khi nào, nhưng chính hình ảnh của bà cụ khiến ông càng nhiệt huyết và quyết tâm phải làm bằng được. Ông muốn nhân rộng ra, muốn truyền bá tới tất cả mọi người, muốn ai cũng tham gia.

Mong muốn thay đổi một thói quen

Chị Trần Thị Thu Huyền - thư ký của ông Ninomiya chia sẻ, bản thân chị cũng bị cuốn vào hội nhặt rác do chính giám đốc của mình sáng lập. Hội đã hoạt động được gần 1 năm nay, nó xuất phát từ tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam của ông Ninomiya.

Cặm cụi nhặt trước sự thờ ơ của người Việt
Cặm cụi nhặt trước sự thờ ơ của người Việt

Là người đồng hành cùng giám đốc nhiều năm, chị Huyền từng được nghe ông Ninomiya chia sẻ về ước nguyện mong muốn một Hà Nội không có rác.

Ông Ninomiya đã sinh sống, gắn bó với Hà Nội được 4 năm và có nhiều tình cảm đặc biệt đối với Hà Nội. Ông luôn mong muốn làm được một việc gì đó có ý nghĩa.

Ông Ninomiya rất bức xúc khi chứng kiến ở khu nhà ông ở, rất nhiều các bạn trẻ, người cao tuổi đứng từ trên những khu nhà cao tầng hồn nhiên ném rác xuống đường. Khi đó, ông đã có sự phản ứng rất gay gắt.

Ông nói đó là hành vi không đẹp, rất vô ý thức mà các bạn trẻ cần phải thay đổi để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính tương lai của mình.

Khi đi ngoài đường ông cũng chứng kiến rất nhiều người có những hành động thiếu ý thức như vậy, ông luôn tự đặt câu hỏi: Tại sao họ lại làm như vậy? Làm gì để họ không được làm như thế nữa?

Chính những suy nghĩ đó nên khi được một người bạn cũng là doanh nhân Nhật "lôi kéo", ông đã nhiệt tình ủng hộ. Ông thấy đấy là một việc tốt và cần phải làm, sau đó ông tự vận động mọi người trong công ty cùng tham gia.  

Thời gian không kéo dài, không mất nhiều công sức, tiền của nên ai cũng có thể tham gia. Ông luôn vận động nhân viên của mình cho con cái đi cùng.

Vì theo ông, đối tượng ông muốn hướng đến chính là những lứa tuổi trẻ, học sinh, sinh viên. Ông lý giải, trẻ em còn ít tuổi, dễ uốn nắn, giáo dục còn người già thì rất khó để thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức.

Hiện nhóm của ông có khoảng hơn 20 người cùng tham gia có cả những doanh nhân Nhật, Trung Quốc và một số người Việt Nam. Đối với ông mặc dù còn ít nhưng đó là một hiệu ứng tốt, ông tin vẫn còn nhiều người dân Việt Nam muốn làm việc này cùng ông. Ông mong muốn từ giờ đến cuối tháng sẽ có khoảng 50 người cùng tham gia và còn đông hơn nữa.

  • Lam Nguyễn
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc