Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy các bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu ông Chấn được minh oan thì việc bồi thường thiệt hại cho ông chấn được thực hiện như thế nào, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về việc này?.
Để làm rõ, phóng viên phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
- Thưa Luật sư, ông có nhận định gì về việc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm và Tòa án nhân dân tối cao đưa ra xét xử tái thẩm vụ án “giết người” mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân?
Việc xét lại bản án (đã có hiệu lực pháp luật) đối với ông Chấn theo thủ tục tái thẩm là đúng với quy định tại Điều 290 và Điều 291 Bộ Luật Tống tụng hình sự. Bởi việc anh Chung đầu thú và khai nhận mình là người thực hiện hành vi phạm tội giết người được coi là tình tiết mới đối với vụ án này.
- Khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Năng, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm năm 2004 kết án chung thân ông Nguyễn Thanh Chấn nói rằng: “Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do... Quốc hội chứ biết sao được”. Còn ông Trần Văn Duyên, Thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm cho rằng “cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”. Quan điểm của ông thế nào?
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi không đồng tình với quan điểm của ông Năng và ông Duyên. Bởi vì với vai trò là thẩm phán tiến hành việc xét xử vụ án, các thẩm phán phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá chính xác và toàn diện tất cả các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cũng như lời bào chữa, kêu oan của ông Chấn và luật sư tại phiên tòa, để ban hành bản án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Dù ở cấp xét xử nào thì việc giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm vẫn là nguyên tắc và yêu cầu cơ bản nhất. Việc ra bản án oan, sai là trái pháp luật nên dù ở cấp xét xử nào thì những người đã tiến hành xét xử và ra bản án đó đều có phần trách nhiệm.
Ở những mức độ nhất định, tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã tham gia giải quyết vụ án đều có phần trách nhiệm. Họ đã không thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ tố tụng của mình, thậm chí có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án, dẫn đến việc làm oan người vô tội.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 thì tòa án cấp phúc thẩm tức là Tòa phúc thẩm- Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự cho ông Chấn nếu ông được chứng minh vô tội.
- Những năm qua, nước ta xuất hiện nhiều vụ án oan sai. Theo Luật sư đâu là nguyên nhân chính và nên chăng các quy định của pháp luật cần có sự điều chỉnh?
Á oan, sai có rất nhiều nguyên nhân như: Những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật; sự yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận người tiến hành tố tụng; hiểu biết pháp luật và khả năng tự bào chữa của các bị can, bị cáo còn nhiều hạn chế; trong khi đó, vị trí và vai trò của luật sư bào chữa chưa được coi trọng.
Về mặt lập pháp, để hạn chế các vụ án oan sai, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của Luật Tố tụng Hình sự theo hướng tăng cường hơn nữa tính dân chủ, khách quan, cũng như khả năng giám sát của xã hội đối với các hoạt động Tố tụng Hình sự.
- Có ý kiến cho rằng việc không có luật sư thường trực tại các cơ quan Cảnh sát Điều tra trợ giúp pháp lý cho người bị triệu tập, bị can cũng là nguyên nhân dẫn đến án oan sai. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Tôi nghĩ rằng không hẳn là như vậy. Bởi vì, luật sư chỉ có thể tham gia tố tụng, bào chữa cho người bị buộc tội khi được người đó mời và cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.
Vai trò của luật sư trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho thân chủ, hạn chế oan, sai được phát huy đến đâu phụ thuộc rất lớn vào các quy định pháp luật, có ghi nhận và đảm bảo được các quyền cần thiết của luật sư hay không, đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Nếu luật sư không có, hoặc không được đảm bảo các quyền cần và đủ cho việc bào chữa thì việc luật sư tham gia tố tụng của luật sư chỉ là hình thức.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!