Răng khôn hay răng số 8 mọc trong khoảng từ 17 đến 25 tuổi . Thông thường, răng khôn sẽ có 4 cái mọc ở 4 phần hàm. Lý do gọi răng này là răng khôn vì nó mọc trong độ tuổi trưởng thành, khi con người đã lớn và nhận thức đầy đủ. Do răng này mọc sau cùng nên thường mọc lệch do hàm thiếu chỗ và hay gây biến chứng, đặc biệt là răng khôn hàm dưới. Người ta hay gọi đùa đây là “răng khôn mọc dại”. Theo Mayoclinic, những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra mà răng khôn đem lại như sau.
Nhiễm khuẩn
Tai biến thuờng gặp nhất là sưng đau, nhiễm trùng tại chỗ, răng bị nướu trùm lên hoặc ngầm trong xương hàm, khiến thức ăn và vi khuẩn giắt vào túi nướu gây viêm lợi trùm, viêm quanh chân răng cấp. Khi bị sốt cao, hàm sưng do mọc răng khôn thì cần gặp bác sĩ nha khoa ngay.
Sâu răng
Răng khôn mọc lệch gây nhiễm khuẩn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sâu răng phát triển mạnh. Khi răng đã bị sâu, lỗ sâu tăng kích thước, phá hủy cấu trúc răng quai hàm, hậu quả là làm hỏng răng quai hàm và lan rộng ra các răng khác.
U nang
Răng khôn mọc lệch còn có thể gây u nang xương hàm. Nang này có thể làm hỏng xương hàm, răng và dây thần kinh. Đôi khi cần phải loại bỏ mô và xương.
Bệnh về nướu
Thức ăn tích tụ ở các kẽ răng khôn mọc trong cùng của hàm răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lâu dài không điều trị sẽ gây viêm nhiễm vùng nướu.
Cách xử lý
Bệnh nhân nếu gặp các biểu hiện đau khi mọc răng khôn nên đi khám chuyên khoa và điều trị ngay từ khi phát hiện sự bất thường. Không nên để tình trạng bệnh phát triển lâu dài, âm ỉ dai dẳng dẫn đến các tai biến nguy hiểm. Tùy theo vị trí răng mọc, răng có hay không đủ chỗ mọc, tuổi tác của bệnh nhân và tình hình thực tế của bệnh, bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị hoặc yêu cầu nhổ trong trường hợp không điều trị dứt điểm được.
Để kiểm soát rủi ro, ngoài các xét nghiệm bắt buộc trước khi nhổ răng như xét nghiệm máu, chụp X-quang theo chỉ định, bệnh nhân nên thông báo các bệnh toàn cơ thể (bệnh mãn tính và các bệnh lý thời điểm hiện tại mắc phải) cũng như các loại thuốc đang sử dụng (nếu có).