1. Tắt điện thoại
Rất nhiều người đã làm việc này sau khi các cuộc cãi vã với mục đích trừng phạt nửa kia. Đây thực sự là hành động của người chưa trưởng thành. Khi hai người xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với nhau mà vấn đề chưa được giải quyết, rất có thể người ấy sẽ gọi điện cho bạn để nói lời xin lỗi, để giải thích, để tìm hiểu thực hư vấn đề hay là để bày tỏ sự tha thứ (trong trường hợp người mắc lỗi là bạn).
Hành động tắt điện thoại chắc chắn sẽ khiến đối tác của bạn tâm trí đang rối bời vì khúc mắc xảy ra lại thêm đau đớn vì có cảm giác bạn không hề quan tâm đến cảm xúc của họ.
2. Im lặng
Im lặng càng làm cho vấn đề trầm trọng hơn, xung đột không được giải quyết. |
Nếu bạn không gọi điện/ nhắn tin cho người ấy sau khi cả hai vừa trải qua một cuộc cãi vã nảy lửa, và bạn cũng không nhấc điện thoại, không trả lời tin nhắn của bạn trai, chắc chắn bạn sẽ phải hối hận vì cách cư xử im lặng này.
Im lặng trong nhiều trường hợp là "vàng" nhưng đối với việc xử lý mâu thuẫn thì nó hoàn toàn không có hiệu quả. Trái lại, im lặng càng làm cho vấn đề trầm trọng hơn, xung đột không được giải quyết. Trong trường hợp đối tác là người mắc lỗi, họ sẽ cảm thấy vô cùng ăn năn, day dứt nếu như bạn vẫn giữ im lặng. Còn khi bạn là người mắc lỗi, sẽ chẳng có cơ hội nào cho bạn sửa chữa nếu bạn chọn cách im lặng với người ấy.
3. Bào chữa và đổ lỗi
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, không bao giờ cố gắng biện minh cho bản thân và tìm cớ đổ lỗi cho người ấy sau tranh cãi. Dù lỗi lầm xuất phát từ phía nào thì hành vi bào chữa, đổ lỗi cũng không có tác dụng tốt đối với mối quan hệ đang sứt mẻ.
Thay vì cứ đào sâu vào vấn đề khiến cả hai cãi vã, cách tốt hơn là bạn nên tập trung tìm cách chấm dứt bất hòa giữa hai người.
4. Nói xin lỗi quá sớm
Một trong những sai lầm nhiều người hay mắc phải sau cãi vã đó là nói lời xin lỗi quá sớm. Xin lỗi được ví như liều thuốc tối quan trọng khi các cặp đôi giận nhau, nhưng nói lời xin lỗi vào thời điểm nào mới phát huy được tác dụng thì không phải ai cũng biết.
Khi bạn nói xin lỗi một cách vội vàng, người ấy sẽ nghĩ rằng bạn không chân thành. Lúc ấy, mâu thuẫn chưa ngã ngũ, họ sẽ cho rằng bạn xin lỗi cuống quýt, qua loa với mục đích xoa dịu cơn tức giận chứ không phải vì bạn ý thức được lỗi lầm của mình.
5. Nghĩ về chuyện cãi vã quá lâu
Không bao giờ suy nghĩ về cuộc chiến vừa xảy ra giữa hai người quá lâu.
Bởi lẽ, khi bạn tiếp tục suy nghĩ về nó, bạn sẽ chỉ kéo dài cảm giác thù hận và bị tổn thương trong tâm trí mình. Cãi vã chỉ thực sự kết thúc khi bạn để nó trôi vào quên lãng. Có như thế, hai người mới nhanh chóng giảng hòa và nối lại tình cảm với nhau.
6. Chia sẻ tâm trạng trên facebook
Đây cũng là một trong nhiều sai lầm phổ biến mà không ít cô gái đã mắc phải khi cãi nhau với người yêu. Xuất phát từ tâm trạng chán chường, không người sẻ chia, tâm sự, nhiều người đã lên mạng bộc lộ cảm xúc của mình.
Có thể buồn phiền sẽ dễ nguôi ngoai khi được chia sẻ với người khác, song bạn không hình dung hết được rắc rối sau hành động của mình. Sau một status đầy tâm trạng, bạn bè bạn sẽ đổ xô vào hỏi han những gì bạn đang phải đối mặt. Và như thế, bạn sẽ càng khơi sâu thêm nỗi buồn, sự tức giận đối với người mình yêu. Thêm vào đó, hành động của bạn vô tình sẽ khiến hình ảnh người yêu xấu xí đi trong mắt bạn bè, người thân của bạn. Đó chắc chắn là điều bạn không mong đợi nếu vẫn yêu chàng.
7. Cố tình làm cho chàng ghen tuông
Người yêu bạn không phải người hay ghen, nhưng vào những thời điểm nhạy cảm của mối quan hệ, đặc biệt khi hai người đang giận dỗi, chàng dễ nổi cơn ghen vì bạn gọi điện cho bạn khác giới trước mặt chàng.
Việc bạn cố tình tán tỉnh, gặp gỡ người khác để chọc tức chàng vừa không chấm dứt được mâu thuẫn mà còn khiến mối quan hệ của hai người có nguy cơ đối mặt với một cuộc chiến mới.
8. Không cho chàng cơ hội nói về mâu thuẫn
"Em không muốn nghe!", như thế là bạn đã khép lại mọi cơ hội giải quyết mâu thuẫn. |
Khi hai bạn cãi nhau, có thể chàng sẽ muốn nói với bạn về vấn đề khúc mắc giữa hai người nhưng bạn lại không sẵn sàng lắng nghe anh ấy nói. Bạn bỏ đi không một lời để lại hay gào lên: "Em không muốn nghe!", như thế là bạn đã khép lại mọi cơ hội giải quyết mâu thuẫn.
Giận dữ, buồn bã, đau khổ... là cảm giác khó tránh khỏi khi bạn và người ấy tranh cãi nhau. Nếu bạn thực sự không có tâm trạng để lắng nghe chàng nói thêm bất cứ điều gì nữa, hãy thẳng thắn nói rằng bạn muốn được ở một mình, muốn bình tâm lại và chừng nào trong lòng thấy dễ chịu hơn, bạn sẽ lắng nghe chàng nói.
9. "Đá thúng đụng nia"
Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, nhiều cô gái nóng nảy đã không kiềm chế được bản thân, họ đập phá, quát tháo, thậm chí muốn đánh nhau với nửa kia. Đây là sai lầm cần tuyệt đối tránh, bởi lẽ, mọi hành động trong lúc nóng giận đều không chuẩn xác. Tổn thương tinh thần đã là quá đủ nên đừng gieo thêm nỗi đau đớn về thể xác cho người mình yêu thương sau khi cãi vã.