Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc BV Đa khoa Bắc Mê xác nhận trường hợp sản phụ Mã Thị C. nhập viện trong tình trạng sốc mất máu. Sản phụ được đưa vào cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên dù cố gắng hết sức nhưng chỉ giúp sản phụ vượt qua cơn nguy kịch, còn tử cung, nơi cưu mang đứa con chị buộc phải cắt bỏ bán phần. Riêng đứa bé trong bụng nặng 3,6kg bị chết trong bụng mẹ trước khi chuyển đến viện.
Sản phụ Mã Thị C., 30 tuổi, ở xã Giáp Trung, Bắc Mê, Hà Giang, mang thai đủ tháng, đang ở tuần 39 của thai kỳ. Ngày 31/12, chị C. có biểu hiện đau bụng nhưng cả gia đình đều chủ quan không đưa đến viện. Sáng ngày 1/1/2019, chị C. bị đau bụng dữ dội và ngất lịm đi thì gia đình mới chuyển đến trạm y tế xã.
Đoạn đường từ nhà đến trạm y tế cách khoảng 15 km, một phần nữa là điều kiện giao thông khó khăn (trạm Y tế xã cách khoảng 15km) nên quá trình chuyển sản phụ đến viện mất khá nhiều thời gian. Khi di chuyển vì sản phụ quá đau và yếu nên không thể ngồi được xe máy, đành phải dùng chiếc xe kéo tay. Cũng vì vậy mà khi đến được bệnh viện Đa khoa Đắc Mê, sản phụ đã bị sốc mất máu.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán thai 39 tuần, sản phụ bị vỡ tử cung, sốc mất máu và thai nhi đã tử vong. Dù cố gắng cứu chữa nhưng chỉ giữ lại được tính mạng, đứa bé trong bụng là bé trai, nặng 3,6 kg, đã tử vong trước khi đưa đến viện.
Sản phụ được nhanh chóng đưa vào phòng mổ để bắt lấy thai ra ngoài, đồng thời làm phẫu thuật cắt tử cung bán phần cho sản phụ C. Hiện tại, chị C. đã qua cơn nguy kịch và cần được theo dõi thêm vì vẫn trong tình trạng thiếu máu.
Vụ việc đau lòng của sản phụ C. xảy ra ngay ngày đầu năm trên đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, bản thân chị C. và gia đình đừng chủ quan, sản phụ được đưa đến viện sớm thì khả năng có lẽ sẽ cứu được cả mẹ và con.
Yếu tố nguy cơ liên quan đến vỡ tử cung
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai biến vỡ tử cung. Cụ thể như khung xương chậu của người mẹ và thai không tương xứng, khung chậu méo, hẹp, bất thường; tử cung dị dạng, kém phát triển; có sẹo ở tử cung hoặc cũng có thể do cơn co tử cung quá mạnh; đẻ nhiều lần, chất lượng tử cung kém, do sang chấn…
Ngoài ra, nếu thai nhi quá to hoặc thai bị dị dạng cũng có thể dẫn đến nguy cơ người mẹ bị rách tử cung khi sinh nở.
Chuyên gia khuyến cáo phòng tai biến sản khoa
Theo Bác sĩ Phạm Phi Long, cách tốt nhất để phòng nguy cơ vỡ tử cung chính là bà bầu cần quản lý, đăng ký quá trình thăm khám, xét nghiệm thai kỳ đầy đủ, đúng lịch với bác sĩ. Những người có sẹo ở tử cung ít nhất phải 3 năm sau mới được có thai.
Những người có tiền sử đẻ khó phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, phải đến các cơ sở y tế có trung tâm phẫu thuật để theo dõi và đẻ. Trường hợp có vết mổ đẻ cũ, phải tới nằm viện trước khi chuyển dạ 10 ngày để theo dõi sát sao.
Bên cạnh đó, sản phụ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cần thiết cho quá trình sinh nở kể cả trong trường hợp bạn sinh thường hay sinh mổ.