(Đời sống) - "Nói là hạn chế nhưng đến khi không có đồ thì mình vẫn phải đi mua, vẫn phải chấp nhận chứ không còn cách nào khác, chỉ là lựa chọn cái nào đỡ nguy hiểm nhất thôi"...
[links()]
Cứ cách 1 - 2 ngày, người dân lại sởn tóc gáy khi liên tiếp đón nhận những thông tin kinh hoàng về thực phẩm bẩn, độc hại, rau có chứa chất kích thích, tăng trưởng nhanh, thịt lợn chứa chất tạo nạc... khiến người ta lại rùng mình khi nghĩ đến mâm cơm nhà mình. Tuy nhiên, bỏ qua mọi khuyến cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều sinh viên vẫn nhắm mắt, ăn liều.
Phải biết ăn liều thông minh?
Gần 1 năm lên Hà Nội trọ học xa nhà, Nguyễn Thị Thùy Linh, SV năm thứ nhất, lớp Y1F trường ĐH Y dường như rất hiếm khi phải đi chợ. Lo sợ con gái ăn phải thực phẩm bẩn trên thành phố, tuần một lần bố mẹ Linh đã đóng gói nào gạo, rau, thịt gửi xe khách mang lên cho cô. Những hôm nhà hết thực phẩm, hoặc xe chưa mang lên kịp bữa ăn của cô sẽ chỉ có rau củ và cá, hạn chế ăn rau lá và các loại thịt lợn, gà.
Lo sợ thực phẩm không an toàn, nhiều sinh viên lựa chọn cách mang thực phẩm quê lên dùng. Ảnh: YM |
Theo lý giải của Linh, thường các loại rau đều được bón phân hoặc thuốc trừ sâu, thuốc kích thích ngay ở trên thân, lá cây. Bản thân nhà làm nông nghiệp nên Linh biết rõ, những người trồng thường phun từ tối hôm trước, hôm sau đã có thể đem ngay ra chợ bán nên ăn vào sẽ không an toàn.
Họ bao giờ cũng trồng một loại rau thành hai luống, 1 luống trồng cho gia đình sẽ không bao giờ phun bất cứ loại thuốc nào, luống còn lại phun thuốc rồi bán ngay.
Trong trường hợp như thế, đối với cô rau củ sẽ là lựa chọn an toàn hơn cả dù rau củ cũng có thể phun nhưng do có vỏ nên vẫn bảo đảm hơn.
"Rau hoặc thịt ở đây đều không an toàn, nhất là những thức ăn bên ven đường em nghĩ nên hạn chế ăn. Còn ngoài ra thức ăn mặn em chỉ chọn cá, thịt lợn, thịt gà không ăn.
Nhà em cũng làm nông nghiệp, hầu hết mọi người đều phun, hôm sau đem bán luôn. Bố mẹ em cũng nói cũng không nên ăn rau của họ, chính họ cũng không ăn rau của họ nữa.
Khi nào tiện xe thì bố mẹ sẽ gửi rau lên, còn nếu không thì buộc phải mua rau mà ăn thôi. Thường một tuần/lần bố mẹ em sẽ gửi. Còn không sẽ mua rau củ về ăn. Nếu một hai buổi không có em sẽ mua rau lá. Vì mọi người vẫn dùng nên em nghĩ chắc không sao". - Linh nói.
Trần Hạnh, bạn học cùng lớp và ở cùng nhà với Linh tâm sự: "Thường em hạn chế ăn thịt hơn, hạn chế nhưng vẫn phải ăn vì ăn cá nhiều cũng chán. Cũng sợ cá có chất cấm nhưng còn đỡ hơn các thịt kia. Ban đầu chưa nấu cơm, bọn em hay vào ký túc xá của trường để ăn. Lúc đầu cũng không dám vào do bẩn, không vệ sinh, thức ăn không sạch nữa. Nhưng dần dần vẫn phải ăn hết. Sinh viên không được lựa chọn, vẫn phải ăn hết nên chấp nhận thôi.
Nói là hạn chế nhưng đến khi không có đồ thì mình vẫn phải đi mua, vẫn phải chấp nhận chứ không còn cách nào khác, chỉ là lựa chọn cái nào đỡ nguy hiểm nhất thôi. ".
Không đành khuất mất trông coi
Không có điều kiện được gia đình chu cấp như Linh, Hạnh, Nguyễn Mai Hương, SV năm 2 lớp Y2E, tổ 19 trường ĐH Y Hà Nội vẫn chọn cách đi mua thực phẩm ngoài chợ như nhiều người khác. Đối với cô, cách đối phó duy nhất khi chọn thực phẩm nấu cơm là bằng trực giác, cảm quan của mình. Hương thừa nhận: "Là sinh viên khi đi chợ mua đồ, mình vẫn phải cân nhắc về vấn đề giá cả nên cũng khó đảm bảo về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân mình.
Ở siêu thị có rau sạch nhưng em vẫn chấp nhận mua rau ở ngoài với giá rẻ hơn dù rau đó không có xuất xứ rõ ràng. Còn thịt, theo quan sát cảm quan của mình nó có thể đảm bảo thì mình vẫn mua, tất nhiên là mình không thể biết chắc chắn được.
Mới gần đây thôi, bạn em mới vào trung tâm chống độc Bạch Mai vì bạn ấy bị ngộ độc thực phẩm do ăn ở hàng chè không đảm bảo. Sau đấy bọn em vẫn đi ăn chè, tất nhiên là ở hàng khác, em không bị ám ảnh lắm.
Em nghĩ về thực phẩm ở ngoài thị trường mình rất khó biết được nó sạch đến đâu. Chắc chắn một lượng rất lớn là không đảm bảo. Tuy nhiên, nếu nhu cầu mình vẫn phải dùng, vẫn phải chấp nhận. Còn nếu gặp những trường hợp như thế mình rút kinh nghiệm lần sau tránh quán ấy ra.
Em cũng không có một kinh nghiệm cụ thể nào cả chỉ dựa vào cảm giác của mình khi mình quan sát thôi. Nếu để lựa chọn thực phẩm đảm bảo thì cũng không có cách nào".
Cũng tương tự như Hương, Vũ Quang Việt, ĐH Y Hà Nội đã tạm chấp nhận bằng cách khuất mắt trông coi đi ăn ngoài quán.
"Bọn em đi ăn ở hàng như thế này bất đắc dĩ phải đi ăn cơm thì mới ăn, còn ai nấu được hoặc có thể về nhà nấu được tốt nhất là nên nấu, còn những ai ở ký túc không nấu được hoặc ở trọ không nấu họ bắt buộc vẫn phải ăn cơm ở ngoài, dù vẫn biết thực phẩm không đảm bảo. Trong hoàn cảnh này thì bắt buộc phải làm thế thôi. Việt nói.
Đi chợ theo hướng dẫn của Bộ Y tế khó hơn lên trời
Công nghệ mới hô biến thịt thối mạnh hơn gấp trăm lần |
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế vừa có một loạt hướng dẫn người dân chọn mua thực phẩm an toàn cực kỳ cụ thể, chi tiết để bảo vệ sức khỏe từ cách chọn măng, trứng, thịt, rau...
Đối với thịt gà, ngan, vịt làm sẵn nên chọn loại có màu sắc tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi), mắt sáng. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ.
Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Với thịt chế biến sẵn như thịt quay thì chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.
Không mua thịt ở các sạp, rổ, mẹt để sát đất vì dễ lây vi khuẩn nhiễm độc thịt. Nếu mua gà sống thì chọn con có bộ lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng.
Với các loại rau, quả không mua rau đã héo úa, dập nát hay có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt riêng lá và cọng rau, ngâm trong nước sạch 15-20 phút, sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập, nát.
Đối với thịt lơn chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
Trước những nội dung hướng dẫn này, Hương nhận định tất cả chỉ là lý thuyết, còn nếu chọn theo hướng dẫn này cũng không thể chắc chắn được.
"Có hướng dẫn của Bộ y tế mình sẽ có thêm những tiêu chuẩn để lựa chọn thôi. Còn với các hình thức bảo quản như hiện nay em nghĩ hướng dẫn này cần phải thêm vào nữa để bổ sung thêm. Phải cụ thể hơn.
Theo em, Bộ phải thêm cách phân biệt thực phẩm chứa chất bảo quản với thực phẩm tươi sống. Nhưng cái này cũng rất khó vì nó thay đổi rất nhanh. Các yếu tố nhìn bên ngoài mình cũng khó phân biệt. Hướng dẫn như thế này nó không hoàn toàn giúp được mình.
Vấn đề an toàn thực phẩm nó rất phức tạp, không thể một vài hướng dẫn mà mình có thể giải quyết được chắc là sẽ phải có nhiều hơn nữa. Quan trọng mình quản lý, phát hiện thực phẩm không bảo đảm để tiêu hủy nó đi".
Đồng quan điểm này, Lã Kiều Anh, lớp Y2G, ĐH Y Hà Nội cho hay: "Thực ra, nội dung khá chung chung vì bây giờ có khá nhiều loại hóa chất nó làm cho thịt màu như thịt tươi thật, để chọn được thịt đúng, đảm bảo thì cũng hơi khó. Phải trực tiếp đi chợ thì mới thấy khó chứ cứ nói như vậy thì không thể hình dung ra được.
Nếu thịt hỏng đã rõ màu như hướng dẫn thì làm sao người ta có thể bầy bán, kiểu gì người ta cũng ngâm hóa chất để cho nó nhìn màu tươi, đẹp, không phát hiện ra thịt hư. Bộ hướng dẫn phải cụ thể hơn và thực tế hơn".
- Khánh Trung