Với bất cứ người Việt Nam nào, Vua Hùng từ lâu đã là nhân vật mang tính biểu tượng, người được xem là có công dựng nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của nước ta. Thế nhưng, có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Vua Hùng mang họ gì? Hãy nghe câu trả lời từ các sử gia.
Vua Hùng họ Lộc hay họ Nguyễn?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỉ.
Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là u Cơ, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo u Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
Theo thuyết này, người ta cho rằng từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỉ được chia ra thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt, dù điều này không có ghi chép lịch sử xác nhận.
Đầu thời kỳ đồ đồng, người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng và hơn 12 nhóm u Việt sống ở vùng Đông Bắc. Để tiện việc trao đổi buôn bán, phòng chống lụt lội, chống lại kẻ thù,… những bộ lạc Lạc Việt dần được gom lại thành một nước lấy tên Văn Lang và người đứng đầu tự xưng là Hùng Vương.
Có ít nhất 18 đời Hùng Vương cai trị trong thời đại Hồng Bàng, cho đến năm 258 TCN. Các thông tin về các đời vua Hùng dựa nhiều trên các truyền thuyết. Cũng có nhiều bằng chứng khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam có cùng niên đại với thời kỳ Hồng Bàng, thể hiện một nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (văn hoá Đông Sơn).
18 đời Vua Hùng gồm:
- Hùng Vương (tức Kinh Dương Vương – Lộc Tục)
- Hùng Hiền (tức Lạc Long Quân – Sùng Lãm)
- Hùng Lân
- Hùng Việp
- Hùng Hy (Hi)
- Hùng Huy
- Hùng Chiêu
- Hùng Vỹ (Vĩ)
- Hùng Định
- Hùng Hy (Hi)
- Hùng Trinh
- Hùng Võ
- Hùng Việt
- Hùng Anh
- Hùng Triều
- Hùng Tạo
- Hùng Nghị
- Hùng Duệ
Dù đều bắt đầu tên hiệu bằng chữ “Hùng” nhưng đây không phải họ của Vua Hùng. Xưa kia tên họ và hiệu khác nhau. Chẳng hạn vua Quang Trung có tên thật là Nguyễn Huệ. Nếu hiểu theo cách này, liệu có phải họ của Vua Hùng là họ “Lộc”? Bởi tên của Vua Hùng đầu tiên – Kinh Dương Vương là Lộc Tục.
Các nhà sử học lại không đồng ý với quan điểm này. Theo họ, thời Vua Hùng nước ta chưa có họ. Phải đến thời kỳ Bắc thuộc, sau công nguyên thì họ người ở Việt Nam mới xuất hiện.
Nhưng vẫn còn một quan điểm khác về họ của Vua Hùng được khá nhiều người ủng hộ. Cụ thể, theo nhiều tài liệu, Thủy tổ Kinh Dương Vương vốn tên là Nguyễn Quảng (người họ Nguyễn). Ông là người dựng nên nước Xích Quỷ (thời tiền sử, năm 2879 TCN). Sau này con trai thứ ba của Kinh Dương Vương là Sùng Lãm, hiệu Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là u Cơ, lập nên nhà nước Văn Lang và mở ra triều đại Vua Hùng đầu tiên của Việt Nam.
Nhìn chung, dựa trên nhiều thư tịch cổ, Ngọc phả thời đại Hùng Vương, nhiều người tin rằng các Vua Hùng xuất xứ từ dòng họ Nguyễn. Dù vậy cũng chẳng ai dám khẳng định 100% rằng họ của Vua Hùng là họ Nguyễn.
Vị Vua Hùng duy nhất lên ngôi nhờ thi tuyển
Trong 18 đời Vua Hùng có 1 người duy nhất lên ngôi nhờ thi cử. Ông là Hùng Vương thứ 7 – Lang Liêu, hiệu Hùng Chiêu Vương. Chắc hẳn người dân Việt Nam đã quá quen thuộc với vị Vua Hùng này bởi ông gắn với truyền thuyết bánh chưng, bánh dày.
Truyền thuyết kể rằng, Lang Liêu trong một cuộc thi đã làm nên bánh chưng, bánh dày rất hợp ý vua cha. Nhờ đó mà ông được truyền ngôi. Đặc biệt, Lang Liêu còn là vị vua sống thọ nhất, trị vì đất nước trong 200 năm.