Tại sao biết chiều con dễ sinh hư nhưng bố mẹ Việt vẫn làm?

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều bố mẹ Việt biết rõ việc chiều con thì con dễ sinh hư nhưng tại sao nhiều người biết sai mà vẫn làm?

Dạy con chưa bao giờ là một việc dễ dàng với những bậc cha mẹ, dạy dỗ con làm sao để có thể nên người thành một người có ích cho xã hội luôn làm cho bố mẹ Việt phải đau đầu suy nghĩ. Nhiều bố mẹ còn lúng túng không biết xử lý như thế nào khi con cái không nghe lời, nhõng nhẽo, thay vì dạy cho con hiểu thì họ lại quát mắng, thậm chí chiều theo ý muốn của con, theo thời gian những thói quen hư hỏng đi và trong nhận thức của trẻ, khiến trẻ trở nên không nghe lời và không sợ trước những lời đe của cha mẹ.

Vì không thể để con phải khổ như mình ngày xưa nên nhiều cha mẹ đã chiều chuộng con quá mức, khiến trẻ hư hỏng. Chiều chuộng quá, con hóa hư

“Con là cục cưng của bố mẹ”

Vốn có tuổi thơ vất vả, hơn thế quá trình mang thai và sinh bé Na đối với chị Lý (Cầu Giấy – Hà Nội) vô cùng gian nan vì chị gần như suýt mất cả mạng sống của mình.

Không có khả năng sinh thêm con, vì thế mọi tình cảm, sự chăm sóc... chị đều dành cho Na.

Cũng chính bởi quan niệm nhà có độc nhất một mụn con, lại ngấm cảnh khổ từ bé nên chị Lý càng quyết tâm không để con chịu khổ dù là một tí chút. Không những vậy, chị còn nhất nhất bắt chồng thực hiện giao ước “Tuyệt đối không bao giờ được trừng mắt hay quát mắng con, nếu không sẽ biết tay…”.

Xót con, coi con là báu vật, chị Lý sẵn sàng mắng mỏ bất cứ đứa trẻ nào trêu, nạt nộ bé Na. Cứ thấy bé Na khóc là chị hung hăng tra khảo những đứa trẻ khác xem ai đánh con. Ai chê con là chị sẵn sàng ăn thua, nói cho ra nhẽ. Có lần bất chấp hàng xóm là người thân tình với bố mẹ chồng, chị không kiêng nể mà mắng xối xả chỉ vì hai đứa trẻ con giành nhau đồ chơi và thằng bé con nhà hàng xóm trót xô con chị ngã.

Hoặc như trường hợp bé Na mải chạy nhảy, nô đùa với bạn bè, va vào chiếc xe đạp dựng ở góc sân, ngã, khóc ré lên. Thế là chị không biết đầu đuôi thế nào, tay lăm lăm cầm roi, chị bắt bọn trẻ con cùng xóm đứng xếp hàng một dãy dài để con chỉ ra đứa vừa làm đau mình. Khi bé Na chỉ tay về phía một đứa trẻ, chị liền dùng roi, đánh vào mông… Thằng bé bị oan tình, khóc ầm về nhà mách mẹ. Thế là chuyện trẻ con mất lòng người lớn lại khiến cả con phố náo loạn.

Chính vì được cả nhà cưng chiều mà bé Na càng lớn càng thể hiện rõ kiểu tính cách “một bước lên trời”, cái gì muốn là phải có bằng được. Không cần biết đúng sai, cứ có ai đụng vào người là bé Na đánh trả, không đánh trả được thì lăn ra ăn vạ để cầu cứu mẹ. Cứ thế cho đến khi bước vào lớp 1, cô giáo của bé Na mời chị Lý lên phàn nàn: “Cháu không chịu học, cô vừa nhắc nhở thì cháu cầm sách ném vào người cô…”.

Cho rằng cô giáo “vu vạ”, dựng chuyện về con mình, chị Lý giận dữ xin chuyển lớp cho con, rồi sau khi 3 cô giáo khác cũng phản ánh tương tự thì chị xin chuyển trường. Nhưng khi chuyển trường rồi, những cuộc điện thoại yêu cầu chị lên gặp giáo viên vẫn không dứt, lúc này chị mới chợt giật mình ngẫm nghĩ…

Làm sao để có thể trao yêu thương

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được ở đa số các cha mẹ quá yêu con nhưng lại không biết thể hiện đúng cách. Có thể thấy rất nhiều các bậc phụ huynh rơi vào những tình huống bị động khi giáo dục con trẻ, dù đã cố gắng cho con những tình yêu thương từ gia đình nhưng những gì họ nhận lại từ tình cảm của các con lại vô cùng ít. Tại sao bố mẹ càng chăm lo, đáp ứng các nhu cầu của con, mà các con lại không hiểu các bậc cha mẹ, thậm chí còn làm họ đau khổ?

cach-day-con

 Ảnh minh họa.

Ngày nay cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách, bố mẹ thì không hiểu con và ngược lại các con cũng không thể hiểu được nỗi lòng của cha mẹ? Có lẽ nguyên nhân xuất phát từ việc các bậc cha mẹ và con cái không cho nhau cơ hội để thấu hiểu lẫn nhau. Với cuộc sống ngày càng phát triển, không còn những vất vả như thời xưa chính vì thế cha mẹ ra sức bảo vệ, che chở cho con, bù đắp hầu hết những nhu cầu của con đề ra để con không còn thiếu thốn như thời của mình. Những đứa con lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ cũng có những ưu điểm như phát triển trí thông minh, sự tự tin và tự tôn cao hơn những đứa trẻ không được bao bọc, nhưng cũng chính những sự bao bọc kỹ càng đó cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Nhiều bậc cha mẹ luôn "đặt mình vào vị trí của con" và chỉ biết đáp ứng mọi nhu cầu của con. Cách thể hiện tình yêu của mình với con cũng bằng cách cho thật nhiều, con thích gì mua cho con, cho con thật nhiều tiền, nhiều đồ chơi. Thể hiện rằng cứ cho càng nhiều thì tình yêu thương càng lớn.

Những hành động này của họ đã vô hình dung đang làm hư con cái, làm cho các con chỉ biết nhận, không biết san sẻ, khiến cho các con nghĩ rằng tất cả mọi thứ trên đời này đều có một cách dễ dàng nếu các con muốn. Các bậc cha mẹ đã không cho con cơ hội được hiểu cha mẹ, hiểu được sự vất vả, khó nhọc, không có cơ hội để bồi đắp lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ và xã hội.

Để có thể yêu thương và hiểu con một cách đúng đắn nhất các nhà khoa học khuyên các bậc phụ huynh nên bước vào thế giới nội tâm của con, làm bạn với con và tâm sự với con để cha mẹ và con cái có thể hiểu được nhau, hiểu những mong muốn thực sự của con mình, giúp cha mẹ và con cái có thể thấu hiểu được nhau nhiều hơn

Theo:  khoevadep.com.vn copy link