Việc gọi điện thoại tưởng chừng đã trở nên quá quen thuộc với con người trong xã hội hiện đại lại trở thành nỗi sợ đối với một số người. Nhiều người cho rằng việc nhắn tin trao đổi là đủ, không cần đến những cuộc điện thoại trực tiếp. Những thông tin cung cấp qua tin nhắn hoàn toàn có thể giúp họ giải quyết mọi việc.
Nhiều người thẳng thắn thừa nhận rằng họ thích nhắn tin hơn gọi điện. Thậm chí có người sẽ cảm thấy sợ hãi khi điện thoại đổ chuông thông báo có cuộc gợi đến. Họ cảm thấy gọi điện tạo ra cảm giác mệt mỏi, tốn thời gian hoặc bản thân không có đủ năng lượng để duy trì một cuộc điện thoại, tránh cảm giác gượng gạo, dài dòng.
Dù với lý do nào, việc không thích nghe điện thoại không có nghĩa họ là người thiếu lịch sử. Những người này chỉ đang chọn cách giao tiếp phù hợp với mình.
Dưới đây là một số lý do giải thích cho việc tại sao nhiều người không thích các cuộc gọi điện thoại trực tiếp.
Cần nhiều thời gian để suy nghĩ trước khi nói
Với hình thức nhắn tin, bạn có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ trước khi soạn và gửi tin nhắn. Bạn sẽ không cảm thấy cảm giác bị thúc giục, bắt buộc phải trả lời ngay lập tức. Trong khi đó, với một cuộc điện thoại trực tiếp, hai bên sẽ phải liên tục trao đổi thông tin, câu hỏi đặt ra cần có lời giải đáp, không thể để khoảng lặng diễn ra quá lâu. Điều này có thể khiến mọi người cảm thấy bị rối trí, dễ nói vấp, nói sai.
Kết quả của một nghiên cứu được công bố trên Computers in Human Behavior Reports cho thấy việc nhắn tin giúp cải thiện sự thấu hiểu, nhất là khi giao tiếp trực tiếp bị hạn chế.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào tin nhắn cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Việc tránh giao tiếp trực tiếp trong thời gian dài chính là rào cản phát triển kỹ năng mềm của cá nhân.
Nhắn tin có thể mang lại cảm giác thoải mái hơn nhưng chúng ta vẫn cần duy trì những cuộc trò chuyện trực tiếp thông qua điện thoại hoặc gặp mặt. Những lần nói chuyện như vậy giúp chúng ta rèn luyện khả năng phản ứng, khả năng xử lý tình huống.

Cảm giác lo âu khi gọi điện thoại
Nhiều người cảm thấy căng thẳng, sợ nói chuyện điện thoại, đặc biệt là với những người lạ.
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học Mỹ cho thấy những người mắc chứng lo âu xã hội có xu hướng có ít bạn bè. Tình trạng này tạo ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Thay vì trốn tránh, những người mắc chứng lo âu xã hội nên làm quen với việc giao tiếp trực tiếp hoặc tìm cách lành mạnh hơn để cải thiện tình trạng lo lắng thường xuyên của mình.
Làm quá nhiều việc cùng một lúc
Những người đang phải đảm nhận quá nhiều việc cùng một lúc sẽ cảm thấy việc gọi điện khá phiền phức. Với họ, việc nhắn tin sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn, không cần phải "tiếp chuyện" người khác trong lúc đang bận.
Đặt giới hạn dễ dàng hơn khi nhắn tin
Trong cuộc sống, bạn có thể gặp tình huống muốn từ chối nhưng người kia lại không hiểu ý hoặc ngay lập tức không thể nghĩ ra lý do hợp lý để từ chối. Trong nhiều trường hợp, bạn đã cố gắng tìm cách kết thúc cuộc trò chuyện nhưng đối phương vẫn tiếp tục muốn nói khiến bạn cảm thấy lo lắng, sốt ruột, không thoải mái.
Đây chính là lợi ích của việc nhắn tin. Trong lúc nhắn tin, bạn dễ dàng kiểm soát lời nói, cảm xúc của mình. Nhiều người cảm thấy trả lời "không" - một lời từ chối trực tiếp được đưa ra trong quá trình gọi điện thoại là rất khó khăn. Tuy nhiên, khi nhắn tin, họ có thể nghĩ ra những lý do phù hợp và từ chối một cách khéo léo hơn, dễ giữ được phép lịch sự trong khi giao tiếp.

Có bằng chứng khi cần
Việc trò chuyện qua các cuộc gọi điện thoại sẽ khiến bạn khó nắm bắt được các thông tin đã trao đổi. Trường hợp muốn sử dụng thông tin trong lúc nói chuyện làm bằng chứng cho một việc gì đó cũng sẽ rất khó. Tất nhiên, bạn cũng có thể chọn cách ghi âm cuộc gọi đối với những trường hợp cảm thấy cần thiết. Dù vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị sẵn để ghi âm cuộc gọi. Có những lúc chưa kịp ghi âm, cuộc nói chuyện đã thay đổi chủ đề.
Trong khi đó, tin nhắn có thể coi là "giấy trắng mực đen", là ghi chép rõ ràng, có lợi cho việc theo dõi thông tin trong nhiều trường hợp.