Thế nào là chân thiện và giả thiện?
Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng (một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên) hỏi: “Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?” Hoà thượng nói: “Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư“.
Nho sinh lại hỏi: “Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy?”
Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác.
Một người trong bọn nói: “Mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện“.
Hoà thượng nói: “Không nhất định là như vậy“.
Một người khác cho là: “Tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện“.
Hoà thượng cũng bảo: “Không nhất định là như vậy“.
Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy.
Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì có ích cho mình gọi là ác. Vì giúp ích cho người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì mang ích lợi đến cho mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.
Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi cho mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại nói thêm, việc thiện tự lòng phát ra là chân, đua đòi học theo là giả… Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng”.
Tích đức cho đời
Thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta phải tích âm đức. Âm là không để cho người khác biết. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức không nên để người khác biết, không nên để người tán thán. Địa vị của chính chúng ta càng thấp càng tốt, làm công đức có tốt hơn cũng như không hề làm việc gì, chính mình cung kính khiêm hạ đối với tất cả mọi người. Có thế, công đức mà chính chúng ta tích được có thể bảo toàn, tương lai quả báo sẽ lớn, sẽ thù thắng.
Người thông minh nhất, có trí tuệ nhất là người đem phước báu cả đời tu được hưởng vào lúc lâm chung. Lúc lâm chung hưởng phước không bệnh khổ, đó là đại phước báu. Lâm chung không bị bệnh, lâm chung rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, lâm chung có thể đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, biết được mình sẽ đi đến nơi nào, thù thắng nhất là thế giới Cực Lạc. Đó là sau khi nghiệp báo của thân này đã trả hết. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật, chọn lựa tối cao trong mười pháp giới, chọn lựa làm Phật. Không có chọn lựa sanh thiên, đương nhiên cũng sẽ không chọn lựa đời sau đến nhân gian để hưởng phú quý. Phú quý là giả, hãy thử lật lịch sử xem thấy những hoàng đế tướng quân trải qua nhiều thời đại, có oanh oanh liệt liệt cũng không quá một đời, ngày nay họ ở đâu? Đều chôn vào lòng đất, đâu có gì để đời. Nếu bạn thấy tường tận chân tướng sự thật này thì công danh phú quý của thế gian bạn liền buông bỏ, nó không ý nghĩa gì. Trong những phước báu của thế gian có rất nhiều khổ báo, từ xưa đến nay có vị quốc vương nào không khổ? Có vị nào cả đời làm vua được vừa lòng mãn ý? Tuy hưởng phước nhưng trong lòng họ cũng lo lắng bất an, cũng không thể một đời an tâm thư thích. Cho nên lỗi lầm không nên che giấu, càng không thể đùn đẩy cho người khác, phải phát lồ sám hối, hoàn toàn phơi bày, một chút cũng không che giấu.
Cái lẽ âm dương như thế, phải để tâm nhiều mới hiểu hết.
Thế nào là thiên lệch và chính đáng?
Xưa ông Lã Văn Ý, lúc mới từ chức tể tướng , cáo lão về quê, dân chúng 4 phương đến nghênh đón như thái sơn bắc đẩu. Nhưng có một người làng say rượu mạ lỵ ông. Lã công điềm nhiên bất động bảo gia nhân: kẻ say chẳng chấp làm gì , đóng cửa lại mặc kệ hắn.
Qua một năm sau, người đó phạm tội bị tử hình. Lã công hay biết sự tình mới hối hận rằng: giá mà ngày ấy ta bắt hắn đưa quan nha xử phạt thì hắn có thể bị phạt một tội nhẹ mà tránh khỏi phạm trọng tội về sau.
Ta lúc đó chỉ muốn giữ lòng nhân hậu tha thứ cho hắn, không ngờ hóa ra nuôi dưỡng tính ngông cuồng của hắn để phạm tội tử hình như ngày nay vậy.
Đó là một sự việc do lòng thiện hóa ra làm ác. Cho hay có khi tâm lành mà hành sự lại ác, có khi tâm ác mà hành sự lại lành.
Thế nào là khó và dễ?
Đức Khổng Tử bàn về nhân ái nói bắt đầu từ chỗ khó mà thi hành trước, tức là từ chỗ phải thắng được lòng mình vậy, bởi lẽ khó mà làm được thì dễ ắt cũng làm xong. Chẳng hạn như ở Giang Tây có ông già họ Thư làm nghề dạy học, nhân gặp một người nghèo thiếu tiền quan, vợ người ấy sắp bị quan bắt làm tôi tớ, ông liền bỏ số tiền nhập học của học trò mà ông đã dồn được trong hai năm ra chuộc, nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán.
Ông già họ Trương ở tỉnh Trực Lệ, nhân gặp một người bị nợ khốn, phải đem cầm vợ con. Ông liền bỏ số tiền mình để dành được trong 10 năm ra chuộc, nhờ đó vợ con người kia được an toàn. Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi.
Lại như ông già họ Cận ở Trấn Giang tuổi đã cao, không có con nối dõi, lân gia có người đem đứa con gái còn trẻ đến nạp cho làm thiếp, nhưng ông không nhẫn tâm thu nạp mà đem hoàn trả lại. Đó là chỗ khó có thể nhẫn mà nhẫn được.
Vậy nên phúc báo trời cho hưởng sẽ hậu. Phàm những người có tiền tài, có quyền thế mà họ muốn làm phúc thì thực là dễ, dễ mà chẳng làm là tự hủy hoại mình. Người nghèo hèn khốn cùng muốn làm phúc thật là khó, khó nhưng mà làm được, đó mới thực là đáng quý vậy.