Tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

( PHUNUTODAY ) - Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem inj trên phạm vi toàn quốc.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem inj trên phạm vi toàn quốc.

[links()]

Quyết định này được đưa ra sau hàng loạt các ca trẻ tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem xảy ra thời gian gần đây.

Công văn khẩn ngày 4/5 của Cục Quản lý Dược gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng; Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem inj trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem inj do Công ty Berna Biotech Korea Corporation (Hàn Quốc) sản xuất, phòng 5 bệnh trong một mũi tiêm gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB.

Sau hàng loạt ca trẻ tử vong sau tiêm chủng, cuối cùng Bộ Y tế đã quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.
Sau hàng loạt ca trẻ tử vong sau tiêm chủng, cuối cùng Bộ Y tế đã quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.

Quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin trên được đưa ra căn cứ theo kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế ngày 27/4/2013.

Cũng theo thông báo này, Cục Quản lý dược yêu cầu Văn phòng đại diện Công ty Berna Biotech Korea Corporation tại Việt Nam phối hợp với đơn vị nhập khẩu, phân phối phải gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới các nhà phân phối, đơn vị sử dụng.

Đồng thời, Cục Quản lý dược yêu cầu báo cáo về tình hình nhập khẩu, quá trình phân phối và sử dụng vắc xin Quinvaxem inj về Cục Quản lý dược và Cục Y tế dự phòng trước ngày 15/5.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành, Ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng và các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng vắc xin tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem inj.

Trước đó một ngày, trả lời chúng tôi chiều 3/5, TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho hay, về nguyên tắc, việc thu hồi các lô vắc xin có liên quan tới một số trẻ tử vong, hoặc tai biến sau tiêm chủng là để đảm bảo thận trọng cần thiết.

“Tới thời điểm này chưa có bằng chứng gì (liên quan tới các ca trẻ tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem – PV) là do vắc xin. Trong thời gian tạm dừng sẽ nghiên cứu, phân tích xem có phải nguyên nhân do vắc xin không. Về nguyên tắc, nếu vắc xin không vấn đề gì sẽ dùng lại lô vắc xin đó, còn nếu có vấn đề gì thì lúc đó mới đặt vấn đề xử lý vắc xin”, ông Hiển cho biết.

Những lô vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã thu hồi vẫn được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bảo quan như bình thường. Còn vấn đề tiêu hủy hay không, theo ông Hiển, tới nay chưa được đề cập tới. Mới chỉ là tạm dừng và phải đợi kết quả kiểm định của Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

Về kết quả kiểm định vắc xin Quinvaxem tính từ lô vắc xin có liên quan tới 3 trẻ tử vong ở Nghệ An hồi tháng 12/2012, ông Hiển cho hay, có lô có kết quả, có lô chưa, vì việc kiểm nghiệm cần nhiều thời gian. “Những lô có kết quả tới thời điểm này đều cho thấy, chưa có bằng chứng liên quan tới lô nào không an toàn hay chất lượng vắc xin có vấn đề”, ông Hiển nói.

Ông Hiển cũng cho biết, ngoài kiểm nghiệm trong nước, Viện cũng gửi mẫu ra nước ngoài để kiểm nghiệm, tới nay cũng chưa biết khi nào kết quả.

Đánh giá về vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, Bộ Y tế cho biết, phản ứng sau tiêm ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2012 có 13 trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm nặng, trong đó có 4 trường hợp do bệnh và 1 tử vong có thể liên quan đến tiêm chủng. Từ đầu năm 2013 tới nay, liên tiếp xảy ra các vụ tai biến sau tiêm vắc xin trên xảy ra ở Lâm Đồng, Hải Dương...
 
Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem mà Việt Nam đang sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay được Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2015, với kinh phí khoảng 38,5 triệu USD. Đến nay, Việt Nam nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem.

  • Lê Việt
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn