(Đời sống) - Liên quan đến giá xăng dầu tăng kỷ, ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, phương châm điều hành của liên bộ Tài chính - Công thương về vấn đề giá xăng là cân nhắc để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
[links()]
"Theo công thức tính giá xăng, trên cơ sở ngừng sử dụng quỹ bình ổn vì đã hết và tính toán đủ chi phí, giá cơ sở hiện cao hơn giá hiện hành ở mức 1.430 đồng/lit với mặt hàng xăng, 480 đồng/lit với mặt hàng dầu hỏa... Mức chênh lệch này tính đến đúng thời điểm 20h ngày 27/3, đề xuất tăng giá cũng bằng đúng phần chênh lệch này", bà Mai cho biết trên Infonet.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Ảnh: TPO |
Theo bà Mai, liên bộ đã tính thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 12%, dầu diezel 8%, dầu hỏa và dầu mazut 10%, thì xuất thuế nhập khẩu này so với barem đang thấp hơn, theo quy định, đối với giá xăng dầu như hiện nay, Nhà nước có khả năng áp thuế đến 20%.
Còn theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trước câu hỏi lần tăng giá này cao nhất, có phải điều hành giật cục, kìm hãm quá dài rồi tăng quá cao, ông cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, liên Bộ được trao thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định rất nghiêm ngặt. Nếu theo quy định của Nghị định thì từ tháng trước, giá xăng đã tăng. Còn biên độ tăng lớn, giật cục hay không thì Bộ Tài chính sẽ giải đáp cụ thể hơn.
“Một thời gian dài, chúng ta bao cấp nhưng hiện điều chỉnh theo lộ trình giá thế giới, trừ một vài nước đặc biệt, còn lại cơ bản theo giá thị trường. Khi đó, chúng ta điều hành hoàn toàn theo giá thị trường thì lúc giá thế giới lên, chúng ta tăng, giá thế giới xuống, chúng ta giảm.
Khi giá giảm, mọi người vui vẻ, nhưng nếu giá tăng sẽ phức tạp, ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng, sản xuất. Do đó, Chính phủ mới đưa ra những giải pháp điều hành giá tiến dần đến giá thị trường”. - Ông Vũ Đức Đam nói.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, quỹ bình ổn đã hết khả năng tiếp tục trích bù lỗ, nếu tiếp tục giữ giá xăng dầu thấp hơn so với thế giới thì có thể phải tính đến việc lấy ngân sách để bù.
Tuy nhiên, từ lâu, Chính phủ đã quán triệt nội dung không lấy ngân sách để tiếp tục bao cấp nữa, mà để giá xăng từng bước điều chỉnh theo giá thị trường. Việc điều hành này dựa trên nguyên tắc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và lợi ích đất nước, chứ không vì lợi ích của một vài doanh nghiệp cụ thể.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, khi tăng giá xăng dầu, các Bộ Tài Chính, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư cùng làm việc để đánh giá, nếu tăng như vậy thì dự kiến ảnh hưởng đến CPI bao nhiêu. Thậm chí, còn đánh giá rõ ảnh hưởng vòng 1 bao nhiêu %, còn lại vòng 2, vòng 3 bao nhiêu %.
Tháng trước, liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã trình Tổ điều hành giá để tăng và báo chí lúc đó cũng viết không thể không tăng được nữa. Nhưng, khi đó, do phải bình ổn giá, tháo gỡ khó khăn, không dồn thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ quyết định không tăng giá.
“Còn bây giờ, khi đến thời điểm phù hợp, chúng ta sẽ tăng giá” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói trên TPO.
PV. (Tổng hợp)