Tết nguyên đán "độc nhất vô nhị" không giao thừa, không bánh chưng của người Jrai trên cao nguyên

12:25, Thứ bảy 17/02/2018

( PHUNUTODAY ) - Tết nguyên đán của người Jrai không hề có những cặp bánh chưng hay bánh tét... Ngày tết được chọn và tổ chức tùy theo gia đình, tùy theo khu vực mưa rơi, do đó không có đêm giao thừa chung như tết của người Kinh.

Tết vắng bóng giao thừa

Ở Việt Nam, theo điều tra dân số năm 2009, người Jrai có 411.275 người, cư trú tập trung ở 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Dân tộc Jrai là một dân tộc có bề dày văn hóa truyền thống. Trong bức khảm văn hóa Jrai, tết nguyên đán là một nét đậm tươi sáng..

Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ để đóng Pram đón Atâu (tổ tiên) về với Giàng. Ảnh: Trần Hiền

Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ để đóng Pram đón Atâu (tổ tiên) về với Giàng. Ảnh: Trần Hiền

Lịch của người Jrai theo nông lịch, 1 năm có 12 tháng. Hằng năm, qua mùa khô hanh, khi có hạt mưa đầu tiên rơi xuống là lúc băt đầu tháng 1 của người Jrai. Người Jrai gọi cơn mưa này là lệ rah. Hằng năm, cơn mưa đầu tiên trên rẻo đất Tây nguyên thường trúng vào tháng 4 dương lịch. Trong mười hai tháng theo lịch của người Jrai thì 10 tháng đầu tiên được gọi tên bằng số từ 1 đến 10, còn hai tháng cuối thì có tên riêng lần lượt là tháng Ning Nung và tháng Wor. Ning Nung là hình tượng con cá dưới nước, con thú trên rừng. Tháng Ning Nung có thể xem là tháng săn bắt. Wor nghĩa đen của từ này là “quên”. Sau một năm vất vả con người ta cũng cần quên: quên rìu rựa, quên lo toan đời thường để ăn chơi để chăm lo những việc tinh thần.

Bởi vậy, tháng Wor là tháng người dân quên đi bao mệt mỏi, phiền muộn trong cuộc sống thường ngày của năm qua để đón chào những niềm vui cho năm sắp tới.

Không giống như những dân tộc khác, tết của người Jrai không thống nhất ngày, mà chỉ thống nhất là tháng 1 theo lịch của người Jrai (tức là theo tháng 4 dương lịch của người Kinh). Trong tháng này, tết không được ấn định một ngày cụ thể, bởi ở mỗi vùng đất theo khí hậu thời tiết, mưa rơi xuống theo từng ngày khác nhau. Chính vì thế, ngày tết được chọn và tổ chức tùy theo gia đình, tùy theo khu vực mưa rơi trước sau, nên không có đêm giao thừa.

Bước vào năm mới, người Jrai đón Tết Nguyên đán theo cách riêng. Các gia đình Jrai đón năm mới bằng cách tổ chức kèm theo một lễ nào đó như: Lih (lễ tạ ơn), lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả). Thông thường các lễ khác do thầy cúng chủ trì, còn lễ tạ ơn giao cho bà mối chủ trì. Lễ này được thực hiện trong nhà, mời cha mẹ hai bên cùng vào nhà. Sau đó, họ ngồi giữa nhà, xung quanh rượu ghè, thịt gà và thịt lợn được chuẩn bị sẵn. Tiếp đó bà mối (chủ hôn) của đôi vợ chồng tuyên bố lý do cuộc gặp, sau đó nói về công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng các con vất vả như thế nào...

Bánh chưng thay bằng cơm lam

Theo phong tục, người Jrai rất kỹ lưỡng trong việc chọn và chăm sóc con vật được xác định dùng để cầu, cúng trong ngày tết, nhằm tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. Ngay từ khi mới nuôi, gia chủ sẽ làm một lễ nhỏ cầu xin các thần phù hộ cho nó hay ăn chóng lớn. Khi nuôi, nếu không may con vật này chết đi, muốn nuôi con vật khác để dùng trong ngày tết thì lại phải cúng lần nữa.

Men rượu cần là thứ không thể thiếu trong ngày lễ, tết của người Jrai. Ảnh: Trần Hiền

Men rượu cần là thứ không thể thiếu trong ngày lễ, tết của người Jrai. Ảnh: Trần Hiền

Khác biệt với các dân tộc khác, bánh chưng và bánh tét luôn là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày tết, thì người Jrai lại dùng cơm lam thay cho bánh. Cơm lam được nấu trong những ống lồ ô, cùng với đó là những chú lợn sau một thời gian thả rông đã được chăm sóc, vỗ béo. Đặc biệt, tết của người Jrai không thể thiếu men rượu cần. Người ta cho rằng, rượu là do Giàng (trời) bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, như thế lời cầu nguyện mới linh nghiệm.

Nghi lễ mời thầy về làm lễ trong ngày tết cũng rất được chú trọng. Trước khi ăn uống, người Jrai thường nhờ thầy cúng gọi các thần núi, thần sông, thần suối gần đó và gọi tổ tiên về ăn chung...

Trong ngày tết, khi một nhà tổ chức ăn uống, chỉ cần được thông báo hay nghe tin, không cần biết gia chủ có mời hay không, người ngoài vẫn mang thức ăn, gạo đến góp và ăn, uống bình thường. Gia chủ cũng chẳng quan tâm hay để ý việc ai góp nhiều hay ít, với họ có người đến là “ưng cái bụng” rồi. Cứ thế, họ uống rượu rồi quây quần bên đống lửa đỏ rực, nắm tay nhau tạo thành vòng tròn cùng múa điệu xoang trong tiếng ngân vang của cồng chiêng gần gũi.

Sau khi đón tết nguyên đán, người Jrai bước vào vụ mới. Trước khi lên nương, tha pơ-lơi hay tha bôn (già làng) là người tổ chức lễ cúng để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con chuột, con chim không đến quấy phá.

Người Jrai cũng như một số dân tộc thiểu số anh em khác có ngày tết nguyên đán truyền thống không trùng với tết nguyên đán của người Việt, nhưng ngày tết nguyên đán của người Việt được đồng bào các dân tộc coi là cái tết chung của đại gia đình Việt Nam. Và như thế, đồng bào dân tộc có hai tết nguyên đán, hai niềm vui đón xuân, niềm hạnh phúc của đồng bào như được nhân đôi.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc