TGĐ PetroChina chi nhánh Indonesia bị cách chức

07:58, Thứ năm 17/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thêm một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị cách chức để điều tra do có dính líu đến các vụ bê bối của ngành dầu khí nước này.

Theo Tuổi trẻ, vụ bê bối bắt đầu vỡ lỡ kể từ khi "vua dầu mỏ" Tưởng Khiết Mẫn, cựu giám đốc PetroChina và CNPC, bị bắt giữ hồi đầu tháng 9. Tiếp đến hàng loạt lãnh đạo cấp cao của CNPC cũng chịu chung số phận.

Reuters dẫn lời 3 nguồn thạo tin trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc cho biết vài tuần trước, ông Ngụy Chí Cương, nguyên tổng giám đốc Công ty dầu khí PetroChina tại Indonesia, bị cách chức để điều tra.

“Nguyên tổng giám đốc PetroChina tại Indonesia đang bị điều tra" - Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết. Nguồn tin thứ hai tiết lộ “Ngụy bị cách chức và người thay thế đã đến Indonesia”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, người từng được mệnh danh là "vua dầu mỏ" Trung Quốc - Ảnh: Telegraph

Nguồn tin còn lại của Reuters tiết lộ nhân vật được thay thế chính là ông Tiết Lương Thanh. Ông Tiết từng đảm nhận vị trí người đứng đầu nhóm các nhà địa chất ở bộ phận sản xuất và thăm dò dầu khí quốc tế thuộc PetroChina.

PetroChina và công ty mẹ là CNPC đang là tâm điểm của một trong những vụ điều tra tham nhũng lớn nhất trong khối các doanh nghiệp quốc doanh.

Hoạt động của PetroChina trải rộng khắp thế giới, bao gồm các cơ sở sản xuất dầu, đường ống dẫn dầu, các nhà máy lọc dầu và dự án hóa dầu. Tổng giá trị thị trường của tập đoàn này vào khoảng 235 tỉ USD. Đây là một trong những công ty dầu khí có giá trị nhất thế giới.

Cuối tháng 8/2013, một cơn địa chấn xảy ra trong ngành dầu khí Trung Quốc. Năm lãnh đạo cấp cao nhất của PetroChina và CNPC bị bắt giữ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường dùng để chỉ tội tham ô.

Kể từ khi bị bắt giữ, không một ai trong số các lãnh đạo trên xuất hiện trước công chúng. “Vua dầu mỏ” Tưởng Khiết Mẫn còn từng tuyên bố: “Sống phải vào được Trung Nam Hải, chết phải nằm ở Bát Bảo Sơn”.

Theo một bài viết về tình trạng lũng đoạn ngành dầu khí Trung Quốc đăng trên phiên bản online Cầu Thị (tạp chí của ĐCS Trung Quốc), đó là căn bệnh của ngành năng lượng nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung. Đã từ lâu các công ty nhà nước giữ vị trí độc tôn trong ngành năng lượng. Với vị trí ấy, ngành điện, dầu khí trở thành thế lực lũng đoạn thị trường này, Tuổi trẻ cho biết hôm 11/10.

Sự kết hợp giữa “tiền tài” và “thế lực” sinh ra thứ “văn hóa quái thai” của ngành năng lượng: “bá quyền”, “quan liêu”, “hống hách”.

“Bá quyền” của ngành dầu khí Trung Quốc xuất hiện khi quyền nâng giảm giá xăng đều nằm trong tay các tập đoàn này. Những món lợi khổng lồ khiến các công ty dầu khí tiếp tục duy trì lợi thế vượt trội về nguồn vốn. Thế lực của họ mạnh đến nỗi các cấp chính quyền đôi khi xem việc lép vế trước yêu cầu của ngành dầu khí là chuyện bình thường.

Theo Cầu Thị, lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích quần chúng, tất cả đều phải phục tùng lợi ích Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Túi tiền của lãnh đạo cấp cao ngành năng lượng nhờ thế căng lên đáng kinh ngạc. Nhưng đối lập với đó là chiếc túi lép kẹp của người dân. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: