(Đời sống) - Quảng cáo ảnh nóng trên bìa DVD dỗ bé lười ăn, quảng cáo băng vệ sinh "giúp trẻ thông minh"... những chuyện kỳ khôi như thế, theo các phụ huynh, vẫn không phản cảm bằng quảng cáo trên các kênh tivi...
>> Quảng cáo giờ vàng dành cho... kích thích sinh sản? |
Xem quảng cáo bé mới chịu ăn!
Thực hiện những phỏng vấn nhanh về ảnh hưởng của quảng cáo tới trẻ con, chúng tôi nhận được những câu trả lời như sau:
Anh Tiến Mạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Tôi thấy dân văn phòng, ít thời gian chăm con nên hay mua đĩa quảng cáo về để dỗ con ăn. Cháu sếp tôi cũng thế, cứ nghe thấy nhạc quảng cáo là chạy cắm đầu cắm cổ vào gần cái TV, rồi ngồi lì ở đó xem. Hiện bé đang bị một dạng trầm cảm, bị cấm xem TV và phải đi học ở lớp dạy nói".
Chị Nguyễn Hiền (quận Thanh Xuân, Hà Nội): "Bé nhà tôi rất thích xem quảng cáo, xem rất chăm chú. Thường bé hay xem quảng cáo vào khoảng từ 7 - 8h tối, lúc ăn cơm và nghỉ ngơi sau ăn một chút. Trẻ thích quảng cáo là đương nhiên vì có nhạc, hình ảnh ngộ nghĩnh, chứ xem phim hay thời sự thì có gì thu hút đâu".
Ảnh bìa quảng cáo có hình Ngọc Trinh hở ngực |
Anh Sơn Tùng (quận Long Biên, Hà Nội): "Đứa trẻ nào chẳng thích xem quảng cáo. Ai chẳng biết. Nhà nào có trẻ con thì hầu như đều có đĩa quảng cáo cho chúng nó".
Chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội): "Con tôi mới 3 tuổi, bé chỉ thích quảng cáo có bóng bay hay có nhạc hay. Nếu đúng đoạn quảng cáo bé thích, đang chơi bé cũng chạy ra xem. Nhưng tôi thấy một số nhà cứ phải cho bé xem quảng cáo mới chịu ăn. Thế nên trên diễn đàn lamchame, người ta rao bán cả bộ đĩa quảng cáo để các mẹ "dụ" con ăn".
Chị Xuân Anh (quận Ba Đình, Hà Nội): "Bé nhà tôi thích xem quảng cáo lắm nhưng tôi không cho xem. Nhà ông cậu tôi ngày xưa có đủ các loại đĩa, bật cho trẻ xem cả ngày. Kết quả là bé hư, phụ thuộc vào quảng cáo. Nghe nói, xem quảng cáo nhiều còn có thể gây ra các bệnh về thần kinh".
Quảng cáo băng vệ sinh "giúp trẻ thông minh"?
Chị Đỗ Thị Hằng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vừa nhờ mua đĩa quảng cáo dành cho trẻ em tại cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng. Chị bảo: "Bật đĩa quảng cáo là bé Tôm (4 tuổi) bê bát cơm tự xúc ăn. Còn Tép (2 tuổi) cũng dán mắt vào màn hình TV, mẹ xúc gì ăn nấy, không õng ẹo như mọi khi".
Bà mẹ này nhận xét, hình ảnh và âm thanh trong DVD quảng cáo này đều rất sắc nét, chất lượng không thua kém các quảng cáo trên TV. Đa phần các quảng cáo là về những sản phẩm dành cho trẻ em: kẹo Alpenliebe, Sugus, bánh gấu Koala, sữa, kẹo mút, kem, tã giấy... với những hình ảnh nhiều màu sắc, gây ấn tượng mạnh với lũ trẻ đến mức bé Tôm ra hàng tạp hóa là đòi mua kẹo Alpenliebe, Sugus...
"DVD được biên tập cho trẻ em nhưng lại có những hình ảnh không phù hợp. Ví dụ, quảng cáo dao cạo râu rất dễ khiến trẻ con bắt chước, cầm dao cạo râu của bố nghịch dại. Hay quảng cáo băng vệ sinh Diana Làm con gái thật tuyệt... Phải thừa nhận là ý tưởng và hình ảnh rất đẹp nhưng đưa vào đĩa cho trẻ con thì không nên. Gì chứ quảng cáo này thì không biết giúp trẻ thông minh ở chỗ nào?" - chị phàn nàn.
Tuy nhiên, đối với chị Hằng, đó là những nhược điểm có thể chấp nhận vì "quảng cáo trên TV còn nhiều cái phản cảm hơn". Chị cho rằng, dù sao, kiểm soát trẻ con xem quảng cáo trên đĩa dễ hơn trên TV nhiều.
Bìa DVD cho trẻ em quảng cáo "ảnh nóng"
Theo chỉ dẫn của các mẹ, các chị, chúng tôi tìm đến các hàng bán băng đĩa để tìm mua loại đĩa "giúp trẻ ăn ngon" này. Tại một cửa hàng băng đĩa trên đường Hai Ba Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mới chỉ thốt lên ba từ "đĩa quảng cáo", chị bán hàng đã mau mắn dẫn tôi tới kệ, rút ra đĩa "DVD quảng cáo dành cho trẻ em".
Mặt trước của bìa đĩa là hình ba bé chừng 1-2 tuổi rất ngộ nghĩnh vời lời giới thiệu ấn tượng "Giúp trẻ em thông minh, mau ăn, chóng lớn".
Mặt sau của bìa đĩa là hình hai bé với dòng giới thiệu được in đậm, lớn "Giúp bé yêu của bạn thong minh, mau ăn, chóng lớn" (Chữ "thông" viết sai chính tả thành "thong" - PV).
Ngay dưới dòng chữ đó là hình Ngọc Trinh hở ngực rất khiêu gợi, hình một cô gái cũng sexy không kém "dụ dỗ" nhắn tin tải "cảnh phim nóng bỏng" hay "Khám phá Tuyệt chiêu là những câu hỏi đại loại "Kiềm chế xuất binh có hại gì không, Nguyên tắc điều trị xuất binh sớm..." (nhắn tin để nhận câu trả lời - PV)
Chị bán hàng cho biết: "Thời gian này, cửa hàng chỉ có loại đĩa này thôi. Thỉnh thoảng lại có người hỏi mua".
Tới một hàng đĩa trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, người bán hàng cũng giới thiệu loại đĩa giống như ở cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng.
Khi nghe chúng tôi hỏi có loại đĩa khác không vì đĩa này vừa mua rồi, anh bán hàng cười nói: "Các cửa hàng khác cũng chỉ có đĩa này thôi chị. Đĩa quảng cáo dành cho trẻ em này có khi cả năm mới có hàng mới".
- Hoàng Anh
[links()]