Suy diễn, tung tin ác ý
Sau ba ngày xảy ra vụ thảm sát tại Bình Phước, cơ quan công an vào cuộc điều tra đã bắt giữ hai nghi phạm là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi) vào ngày 10/7.
Vụ thảm sát khiến dư luận bất bình, căm phẫn những kẻ đã xuống tay tàn độc cướp đi mạng sống của cả một gia đình. Thế nhưng, việc căm phẫn, bất bình của dư luận đang "quá đà" cùng với những suy diễn thiếu hiểu biết ảnh hưởng đến cả những người đang sống và người đã khuất.
Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi về sự sống sót kỳ diệu của bé Na Na (18 tháng tuổi) khi được tên hung thủ tha mạng trong đêm thảm sát đẫm máu. Một số người đã suy diễn và khẳng định chắc nịch rằng bé Na chính là con đẻ của nghi can Nguyễn Hải Dương và nạn nhân Lê Thị Ánh Linh. Bởi, trước đó hai người này từng có thời gian quan hệ tình cảm khá lâu.
Nhiều tin đồn xung quanh bé gái 18 tháng tuổi ảnh hưởng đến gia đình nạn nhân. |
Từ những suy diễn vô căn cứ ấy, không ít cư dân mạng lại đưa về chia sẻ thông tin trên facebook cá nhân của mình để thu hút nhiều bình luận. Nhưng chính việc đặt nghi vấn để thoả mãn trí tò mò lại vô tình như vết dao cứa thêm vào nỗi đau gia đình nạn nhân.
Liên quan đến tin đồn ác ý này, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – C45, Bộ Công an) bác bỏ tin đồn.
Thiếu tướng Tiến khẳng định, bé Na là con của ông Mỹ và bà Nga. Sở dĩ, Dương không giết bé Na vì lúc đó bé ngủ say và chỉ khóc lên vào phút cuối. Dù man rợ đến đâu, Dương cũng có lúc trắc ẩn, thông qua hành động ôm ấp Na ru ngủ trước khi rời hiện trường.
Trục lợi trên nỗi đau người khác
Lập tài khoản giả mạo facebook của nạn nhân, của nghi phạm để 'câu like, câu view', một bộ phận người dùng mạng xã hội đang trục lợi trên nỗi đau của những người đã khuất.
Sau khi danh tính của hai nghi phạm chính trong vụ thảm sát được cơ quan điều tra công bố, ngay lập tức trên trang mạng xã hội facebook đã xuất hiện rất nhiều tài khoản mạo danh là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến để 'câu like'.
Thảm sát ở Bình Phước: Viết thế khác gì cầm dao đâm người! Chỉ vì thoả mãn tính hiếu kỳ của số đông, một số tờ báo đã “truy sát” đến cùng người thân của những nghi can. Điều đó không khác gì đâm dao vào ngực họ lần nữa. |
Các tài khoản này đa phần là các trang fanpage, không rõ chủ nhân. Admin của các trang này thường sử dụng tên, ảnh đại diện và ảnh bìa lấy từ tài khoản facebook của nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.
Trên trang chủ của những tài khoản này chủ yếu là những thông tin về vụ án thảm sát ở Bình Phước được cóp nhặt về từ các trang báo điện tử. Cùng với đó là những lời bình luận hết sức khiếm nhã như: ‘Mọi người thấy đáng chết không! Lấy nhiều tiền thế này đây mà’; ‘Mọi người thấy người yêu Dương xinh không?’…
Kèm với đó, những tài khoản này đăng tải những bức hình được lấy trên facebook của hai nghi phạm cũng như facebook của nạn nhân. Những hình ảnh được sử dụng trực tiếp mà không hề che mờ mặt bị các đối tượng này lợi dụng, trục lợi khi sử dụng chúng vào mục đích cá nhân.
Do sức hút của vụ việc, nên hàng trăm ngàn cư dân mạng đã bị mắc lừa những kẻ xấu khi truy cập vào những đường link này.
Lập facebook giả mạo nghi can Dương để "câu view". |
Trong phần bình luận dưới những đường link, rất đông cư dân mạng đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc với hành vi đưa tin thất thiệt này. Thậm chí một số người không kiềm chế nổi và dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích những kẻ tung tin.
Phẫn nộ quá đà
Đó là ý kiến mà nhiều độc giả gửi đến báo điện tử VTC News sau khi thông tin về hai nghi phạm trong vụ thảm sát được công bố.
Tối 10/7, thông tin về hai nghi phạm được đăng tải trên một số trang báo chính thống, ngay lập tức hình ảnh này được dẫn về các trang facebook cá nhân và các trang mạng xã hội kèm theo những dòng "kết án" đầy nặng nề dành cho hai nghi phạm này.
Không lâu sau đó, cộng động mạng đã "truy lùng" ra facebook cá nhân của hai nghi phạm và chia sẻ cho nhiều người cùng xem.
Những hình ảnh của nghi phạm Nguyễn Hải Dương với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh cũng được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều trong những ngày vừa qua khiến nỗi đau của những người thân trong gia đình họ càng thêm chồng chất.
Nhiều độc giả còn cho rằng, không ít người đã làm thay công việc của cơ quan điều tra khi đưa ra những suy diễn về đồng phạm, về cách gây án, về số tài sản chúng đã lấy được trước khi rời khỏi hiện trường vụ án...
Thậm chí, nhiều người còn đưa ra hình phạt dành cho các nghi can với nhưng ngôn từ độc ác nhất.
Lôi bố mẹ, họ hàng nghi can vào cuộc
Một số độc giả không đồng tình với việc báo chí khai thác quá sâu về gia đình của các nghi can.
"Tôi đọc một số bài báo còn viết rất tường tận, tỉ mỉ về bố nghi can Vũ Văn Tiến, cả ông nội của nghi can này nữa. Thậm chí, những nỗi đau, hành động của người bố sau khi hay tin con liên quan đến vụ án cũng được báo chí nêu một cách rõ ràng, thiếu thận trọng, ảnh hưởng đến gia đình họ", độc giả Nguyễn Minh T. chia sẻ.
Cùng quan điểm, độc giả Bùi Hà M. cho rằng, gia đình các nghi can cũng đã đối mặt với những nỗi đau tột độ khi con cái họ như vậy rồi. Nếu có đưa các thông tin về nhân thân cũng nên ở một mức độ vừa phải, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình họ.
Thảm sát Bình Phước: "Bi kịch từ người thân cận nhất" "Đàn ông bị hai thứ chi phối lớn nhất đến hành vi: Một là tình, hai là tiền. Nếu cùng lúc hai yếu tố này tác động thì họ có thể làm nhiều chuyện không thể ngờ được". |
Trước việc thông tin vụ thảm sát tràn ngập trên các trang mạng điện tử, không ngần ngại đưa hình ảnh của người thân nghi can và nạn nhân lên mặt báo, độc giả Nguyễn Khắc Trung không nén nổi sự thất vọng: "Đọc báo mạng, nhìn các bạn đưa tin về thân nhân gia đình 2 kẻ sát nhân, về gương mặt bé Na mà không làm nhòa mặt họ mình buồn ghê gớm...
Các bạn đưa tin về cô giúp việc và đưa cả họ tên, gương mặt của cô ấy lên. Hiện tại, công an cho biết cô ấy vô can nhưng chắc gì miệng đời thế gian tha cho cô? Chưa kể những cô T, chú A, anh C gì đó là hàng xóm cũng được các bạn tương hết mặt mũi lên báo.
Lỡ như bên ngoài còn kẻ đồng phạm thì sao? Chúng quay lại giết nhân chứng bịt đầu mối thì sao? Chao ôi. Báo mạng ơi là báo mạng, có nhanh, có gấp thì cũng hãy nhớ về những chuẩn mực của người làm báo... Đừng vì vài phút nhanh nhẩu mà vô tình khiến người vô tội phải liên lụy..."
Độc giải Ngô Khởi bày tỏ quan điểm: "Nghi phạm đã bị bắt. Hãy để cho những người đã chết được ngủ yên, sau những đớn đau tột cùng mà họ phải nhận. Hãy để thân nhân của họ không phải chịu thêm những áp lực không đáng có trước những thông tin trái chiều về thân nhân mình. Chỉ nên nói về họ, tìm hiểu về họ với những thông tin cần thiết nhất phục vụ việc tìm ra sự thật mà thôi.
Hai nghi phạm trong vụ án rúng động ở Bình Phước. |
Trước đó, sáng 7/7, tại Công ty sản xuất chế biến gỗ Quốc Anh (Quốc lộ 13, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), bà Đoàn Thị Cẩm Loan (42 tuổi), người làm công cho gia đình ông Lê Văn Mỹ, khi đến làm việc thì phát hiện cửa phía sau khóa.
Bà Loan đi lên phía trước đẩy cửa vào nhà thì phát hiện ông Mỹ (48 tuổi), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ) và Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai của vợ chồng ông Mỹ) nằm chết trên nền nhà.
Khi lên lầu hai, bà Loan tiếp tục phát hiện Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái của vợ chồng ông Mỹ), Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu ông Mỹ) chết trong phòng ngủ.
Bà Loan liền tri hô hàng xóm và báo với công an. Khi công an đến hiện trường phát hiện thêm cháu Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu ông Mỹ) nằm chết ở cổng nhà.
Vụ thảm sát kinh hoàng gây bất bình trong dư luận. Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước đã tung nhiều điều tra viên có kinh nghiệm vào cuộc.
Cơ quan công an đã phát hiện hai nghi can trong vụ thảm sát là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM). Trong đó, Dương là người yêu cũ của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ).
Thảm sát ở Bình Phước: Tận cùng sự dã man Xã hội hóa ra vẫn còn những con quỷ đội lốt người, chúng vẫn nhởn nhơn đâu đó quanh ta đôi khi với những vỏ bọc hào nhoáng khác. |