Sau quá trình điều tra vất vả, Statz kết luận: Jean có thể đã chết. Theo đó, Statz đã tìm đến nhà Jean, và tại đây, bà phát hiện một lối dẫn vào một tầng hầm (điều không được ghi trong hồ sơ của cảnh sát năm 1976)… nơi chứa một số bằng chứng buộc tội hung thủ.
Vẫn đi tìm dù bạn đã mất tích 28 năm
Vào sáng thứ 2 một ngày của tháng 11/2004, bà Peggy Weekly quyết định vượt hơn 10 dặm đường từ nhà đến văn phòng của thám tử Marianne Flynn Statz với mong muốn nhờ thám tử giúp bà một chuyện đó là: tìm một người bạn thân mất tích đã 28 năm nay. Qua câu chuyện kể của bà Peggy, thám tử Statz biết rằng, cách đó 28 năm, tức là vào năm 1976, Jean Zapata - tên người bạn thân của bà Peggy bỗng nhiên biến mất khỏi nhà mình ở Madison, khi đó bà Jean đã có gia đình và có 3 người con.
Và hôm nay, một trong 3 người con của bà Jean là Linda đi cùng bà Peggy đến để gặp thám tử. Cô bé Linda mới ngày nào còn khóc ngặt nghẽo khi không thấy mẹ (như lời kể của bà Peggy) giờ đây đã có gia đình và cũng đang làm mẹ. Hơn ai hết Linda hiểu rằng, việc mất mẹ đối với một đứa trẻ là một chuyện mất mát quá lớn. Lúc đó Linda còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện, nhưng bây giờ, khi được nghe lại câu chuyện từ bà Peggy, người bạn thân thiết nhất của mẹ mình, Linda quyết tâm phải tìm được mẹ, thậm chí, cho dù mẹ cô đã chết thì cũng phải tìm được mộ.
Thám tử Marianne Flynn Statz nhìn bà Peggy đã ngoài 70 tuổi, tay bà run run và cử động rất chậm chạp, cái đầu không ngừng lắc lư lắc lư, khiến thám tử nghĩ rằng có lẽ bà Peggy không còn minh mẫn, thậm chí bà có thể mắc bệnh mất trí nhớ. Nhưng qua lời kể có phần chậm rãi nhưng rõ ràng của bà Peggy, nữ thám tử Statz biết rằng bà Peggy còn khá minh mẫn, bà có thể nhớ rõ mọi việc xảy ra cách đây gần 30 năm.
Bà Peggy nói với thám tử Statz rằng, bà và Jean Zapata bắt đầu quen biết nhau vào đầu những năm 1950, sau đó không lâu, họ trở thành đôi bạn thân thiết. Trong suốt những năm tháng sau đó, bà và Jean luôn gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn. Ngay cả khi Jean lập gia đình với một kỹ sư trẻ đầy triển vọng tên là Eugene Zapata, bà và Jean vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Sau đó, Jean lần lượt sinh 3 người con là Christine, Steve và Linda. Khi 3 đứa con đều đã đến tuổi đi học, Eugene làm việc ở Sở Giao thông thành phố Madison còn Jean trở lại với công việc yêu thích là giáo viên dạy lái máy bay.
“Tưởng như hạnh phúc như thế đã là viên mãn, nhưng sau khi Jean sinh Linda không lâu, hai vợ chồng Jean bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Jean thường mang bộ mặt u sầu thiểu não và mệt mỏi đến nói chuyện với tôi về sự chán nản cuộc sống gia đình.
Cuộc sống gia đình bế tắc của Jean cứ thế diễn ra cho đến tháng 5/1976, khoảng 17 năm sau khi kết hôn, Jean đã đâm đơn ly dị. Rồi theo phán quyết của toà, Eugene phải rời khỏi nhà và ông ta chỉ được phép đến thăm các con từ 9 đến11 giờ vào các ngày thứ bảy trong tháng.”, bà Peggy vừa thở dài vừa nói với thám tử và tỏ vẻ tiếc cho người bạn của mình. Sau đó, bà còn tiết lộ cho thám tử biết một chuyện mà có lẽ từ trước đến nay bà vẫn luôn giữ kín, đó là trước khi ly dị, bạn của bà đã hẹn hò với một người tên là Paul Lee, nhưng mối quan hệ của họ kéo dài không lâu. Thế rồi, ngày 11/10/1976, Jean bị thông báo mất tích một cách bí ẩn.
Điều tra từ chi tiết không có trong hồ sơ cảnh sát
Người thông báo vụ việc là một người đồng nghiệp của Jean, sau 3 ngày không thấy Jean lên lớp dạy, người đồng nghiệp này đã gọi điện thông báo vụ việc cho cảnh sát. Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại nhà Jean và xác nhận sự biến mất bất thường của cô. Khi khám xét ngôi nhà, các nhân viên điều tra nhận thấy mọi thứ trong nhà đều bình thường, ngoại trừ có một chi tiết bất thường là Jean thường mang theo ví mỗi khi ra ngoài, nhưng hôm đó người ta tìm thấy chiếc ví của Jean vẫn để trong ngăn kéo bàn làm việc.
Jean Zapata |
Lúc này, những nghi vấn đổ dồn về phía người chồng cũ Eugene, cảnh sát đã nhiều lần lấy lời khai từ anh này nhưng trước sau anh ta cũng chỉ khai rằng: “Jean đi mà chẳng nhắn lại cho tôi lấy một lời, không biết là cô ấy giận dỗi gì, tôi đồ rằng cô ấy đang đi du lịch với ai đó”. Và từ đó, cảnh sát cũng không tìm thấy manh mối gì về việc mất tích của Jean, cuộc điều tra rơi vào bế tắc.
Thám từ Statz hỏi Linda về những giây phút cuối cùng cô nhìn thấy mẹ mình. Linda chưa hết xúc động trong ánh mắt đỏ hoe nhớ lại: “Sáng hôm đó, khi tôi ra khỏi nhà để đi học, tôi vẫn nhìn thấy mẹ tôi ngồi uống cà phê. Đến buổi tối, khi không thấy mẹ về nhà, chúng tôi đã đến hỏi bố rằng có biết mẹ ở đâu không, thì bố chỉ trả lời rằng có thể mẹ các con đi du lịch và sẽ trở về nhà trong 2 tuần nữa.
Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra, tôi đã không bao giờ còn gặp lại mẹ mình nữa.” Linda cũng cho biết, 2 năm sau ngày mẹ cô mất tích, bố cô cưới vợ mới. Khi đó, Linda có người mẹ kế, người mẹ kế này cũng rất tốt và thương yêu cô như con đẻ, nhưng Linda vẫn chờ đợi và hy vọng một ngày nào đó mẹ cô sẽ trở về. Trong suốt những năm tháng ấy, chỉ có một điều Linda không hiểu là tại sao cô có thể tin vào lời giải thích của bố về sự biến mất của mẹ rằng mẹ cô đang đi du lịch.
Về phần bà Peggy, khi người bạn thân của mình mất tích, bà đã tìm mọi cách để liên hệ với những người bạn chung của hai người với hi vọng có được tin tức gì của Jean, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Một thời gian sau, bà Peggy cũng rời khỏi thành phố Madison nhưng bà không bao giờ quên người bạn thân của mình. Và hôm nay, bà quay trở lại Madison sau hơn 28 năm cũng là vì quyết định phải làm gì đó cho người bạn thân của mình.
Sau khi đã tường tận câu chuyện của bà Peggy cùng Linda, thám tử Marianne Flynn Statz đã làm việc với những cơ quan để điều tra thông tin về Jean, thậm chí nữ thám tử còn liên lạc với cả Interpol. Sau quá trình điều tra vất vả, Statz kết luận: Jean có thể đã chết. Theo đó, Statz đã tìm đến nhà Jean.
Tại đây, thám tử Statz phát hiện một lối dẫn vào một tầng hầm (điều không được ghi trong hồ sơ của cảnh sát năm 1976). Chi tiết này ngay cả chính thám tử Statz cũng suýt bỏ qua bởi cánh cửa dẫn vào tầng hầm lại nằm khuất sau một bụi cây um tùm, nếu không quan sát kỹ thì rất khó phát hiện ra. Tuy nhiên, cái lùm cây xanh tốt um tùm khác hẳn với những bụi cây nhỏ cạnh đó đã khiến thám tử Statz tò mò. Và cánh cửa dẫn vào tầng hầm chỉ lộ ra khi bà yêu cầu phát quang lùm cây ở đó. Cánh cửa đen ngòm với chiếc khoá đã hoen gỉ chứng tỏ đã rất lâu rồi không ai ra vào tầng hầm này.
Ngay sau đó, cảnh sát và chó nghiệp vụ đã vào cuộc và cũng phải mất một thời gian khá lâu là mãi đến tháng 8/2005, sau nhiều lần điều tra và thu thập bằng chứng dưới tầng hầm, cảnh sát mới tìm thấy một số bằng chứng là một số dấu máu đã khô và những miếng giẻ lau có dấu hiệu dính máu để buộc tội Eugene. Đến thời điểm đó, chính xác là gần 30 năm sau ngày Jean bị mất tích, Eugene mới bị bắt và bị khởi tố về tội giết vợ.
Nạn nhân và chồng (hung thủ) |
Phiên toà xét xử Eugene diễn ra vào 4/9/2007. Tuy nhiên, sau 2 tuần xét xử, hội đồng xét xử vẫn chưa thể tuyên án và phiên toà được rời lại chờ điều tra tiếp. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xét xử, điều làm các nhân viên điều tra bất ngờ là Eugene đột nhiên cho biết, ông ta sẽ thú tội đổi lại phía công tố phải thay đổi tội danh từ tội giết người thành tội ngộ sát và đã được đồng ý. Theo lời khai của Eugene, sáng hôm đó, ông ta tìm đến nhà Jean, và giữa 2 người đã xảy ra cãi nhau.
Cuộc đấu khẩu lên đến đỉnh điểm và biến thành bạo lực: Eugene đã đập vào gáy Jean rồi siết cổ cô cho đến chết. Sau đó, ông ta lau dọn hiện trường rồi chôn xác vợ cũ ở một nơi rất xa.
Cuối cùng, toà đã tuyên phạt Eugene 5 năm tù với tội danh ngộ sát. Như vậy, bí ẩn về việc mất tích của Jean Zapata sau hơn 30 năm đã được sáng tỏ.
Linda cũng có mặt trong phiên toà và cô nói rằng mình đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin dữ nhất là mẹ cô đã bị giết, nhưng cho đến giờ phút này, lòng cô đau đớn biết bao khi phải chấp nhận một sự thật rằng, chính bố lại là người đã ra tay sát hại người mẹ thương yêu của cô. Tuy nhiên, dù nỗi đau có lớn nhưng Linda cũng bày tỏ rằng cô đã bình tâm vì cuối cùng “công lý đã được thực thi.”
Nhật Minh