Thầy cô mới dạy chữ, chưa để ý dạy con tôi làm người

( PHUNUTODAY ) - Các thầy cô mới chỉ lên lớp để dạy chữ, hết giờ thì về chứ chưa để ý đến việc dạy làm người, thậm chí học sinh xem phim mát trên trường thầy cô không hay biết.

[links()]
Khoán trắng con cho nhà trường

Thời gian gần đây, đã xảy ra những vụ việc như cô đánh trò, phạt bằng đòn roi, các clip học sinh đánh nhau hội đồng, túm tóc, lột quần áo... Bên cạnh chuyện ở trường, nhiều gia đình cũng có những cách hành xử thô bạo với con trẻ, nào là bố bắt con ăn phân, đánh con nhập viện vì điểm kém, ghen vợ thiêu sống con,... gây xôn xao dư luận. Từ những sự việc đó thể hiện nhà trường cũng như các phụ huynh đang rất bối rối trong việc tìm phương pháp dạy trẻ. 

Để giải thích cho việc phó thác việc dạy con cho nhà trường, chị Trần Thị T ở Mỗ Lao, quận Hà Đông phân trần: "Vợ chồng tôi đều là lao động tự do đi tối ngày toàn gửi cháu ở trường chứ làm gì có thời gian chăm sóc con cái. Cũng vì cuộc sống mưu sinh thôi, chứ không ai muốn như thế cả. Không đi không chạy thì chỉ có nước chết đói. Nên cai sữa con xong là cho đi lớp ngay. Lúc nhỏ nhờ người đưa đón, sau thì đứa lớn đưa đón đứa nhỏ. Ngày thường thì học ở trường thứ 7, chủ nhật thì mời gia sư dạy tại nhà. Thời gian thầy cô gần con nhiều gấp mấy lần bố mẹ". 

Thời gian bố mẹ gần con quá ít, tâm lý con thế nào có khi còn không biết hoặc nắm bắt chưa đầy đủ. Coi như việc dạy con giao hẳn cho thầy cô, rồi theo dõi bằng cách thường xuyên gọi điện cho cô giáo hỏi han tình hình các cháu thôi! Trẻ con khi đi học thì đứa nào cũng nghe lời cô hơn cả mẹ. Khi nói về những vụ việc một số thầy cô phạt đau học sinh nhiều phụ huynh cho rằng "đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Mình không có thời gian giao con cho trường thì phải tin tưởng thầy cô chứ.

Hơn nữa, trẻ con thật thà lắm, có việc gì trên lớp về cũng kể hết ngay chứ chúng nó có giấu giếm gì đâu mà lo" - chị T giải thích. Nhưng khi chúng tôi hỏi, con chị hư bị cô phạt như vậy chị sẽ thế nào thì ngay lập tức phụ huynh này phản ứng gay gắt. "Không thể chấp nhận được những người thầy, người cô như thế dù sao đó cũng là đứa trẻ. Chúng tôi tin tưởng mới giao con vào trường thì thầy cô giáo cũng phải có trách nhiệm chứ không thể hư là đánh được".

 

Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân Công ty Panasonic khu công nghiệp Bắc Thăng Long

 

Hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, công nhân Công ty Panasonic khu công nghiệp Bắc Thăng Long gửi con cho ông bà từ lúc lên 2 tuổi. Đối với chị thì việc dạy con ủy thác hoàn toàn cho thầy cô, ông bà. Hàng ngày tôi gọi điện ông bà báo tình hình, chứ cũng không còn cách nào khác. Khi con làm gì sai ông bà nói lại, gọi về khuyên răn mấy câu "con không ngoan, học không giỏi mẹ không về với con" thì cháu nghe ngay.

Đa số công nhân sau khi lập gia đình sinh con xong đều đưa con gửi về ông bà chăm, rồi thi thoảng về thăm con. "Người ở gần thì tranh thủ được ngày nghỉ là về, ở xa một năm thăm con chỉ được 2 - 3 lần. Như thế không thể sát sao trong việc dạy con được mà phải bám lấy cô để theo dõi con thôi" - Chị Vân ngần ngại.

Thầy cô đánh con tôi là... không được!

Chúng tôi mang câu chuyện nhiều phụ huynh bối rối trong cách dạy con đến chia sẻ với một số trí thức, công chức nhà nước. 

Chị Nguyễn Thị H, nhân viên đoàn cải lương Hoa Mai, Nhà hát Hà Nội cho biết: Đối với tôi, "dạy con không đơn giản chỉ là giao tiếp mà phải coi đó là phương pháp khoa học. Nói chung, hiện nay cách dạy trẻ của một số thầy cô ở trường và của nhiều phụ huynh ở nhà còn lùng nhùng lắm! Vì thế mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như vậy".

Tôi thấy, cách giáo dục trẻ hiện nay đang phổ biến, một là cách dạy con áp đặt, độc tài dùng đòn roi để dạy con, hai là cách dạy con theo kiểu dân chủ quá mức thành buông lỏng con cái. "Theo tôi, không nên áp dụng hoàn toàn cách nào, chỉ tiếp thu cái hay của từng cách. Kỷ luật cao sẽ làm trẻ áp lực nhưng bao bọc con làm con không nhận thức được giá trị thực của cuộc sống xã hội. Những việc khác cũng cần phải hài hòa, kiên trì mới giải quyết được vấn đề thì việc dạy con còn phải mềm dẻo hơn thế" - chị H bày tỏ quan điểm.  

"Bản thân tôi chưa bao giờ dùng roi với con nên càng không thể chấp nhận việc thầy cô giáo dùng roi đánh đập trẻ. Mình là người giáo dục thì hãy tránh xa những hành động phi giáo dục. Đối với những đứa trẻ quá bướng bỉnh, cá biệt thì cũng có nhiều cách dạy, cách phạt khác mà trẻ vẫn hiểu được và có hiệu quả chứ không nhất thiết phải phạt đòn. Còn phụ huynh sử dụng phương pháp roi đòn với con, với tôi như thế là thể hiện sự bất lực trong việc dạy con và điều đó sẽ gây ra những tác dụng ngược. Nói thế nào thì tôi cũng không thể chấp nhận dạy người bằng phương pháp đó." - chị H phản đối gay gắt việc dùng đòn phạt với trẻ.

Tuy nhiên, tôi cũng không chấp nhận sự nuông chiều con quá mức của một bộ phận phụ huynh. Cho con vào học ở các trường VIP, dùng tiền làm ô che chắn cho con. Bậc cha mẹ phải xác định tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng nhân cách một đứa trẻ bị lệch một lần thì không thể mua lại được. Không thể "con muốn sao thì mẹ lên trời hái xuống". "Tôn trọng quyền dân chủ của con nhưng làm sao để con hiểu dân chủ phải nằm trong tự chủ chứ không phải sự buông lỏng thích làm gì thì làm. Tôn trọng cái tôi của con, song có những cái tôi tiêu cực thì nên dùng kỹ luật. Dạy con biết thừa nhận khuyết điểm của mình. Tôi cho rằng đó mới là mấu chốt của việc giáo dục con". 

Đã có những vụ việc học sinh hư bị thầy cô phạt, phụ huynh đến trường la mắng. Còn nhà trường thì lại cuống lên bắt giáo viên xin lỗi, rồi phạt cô. Câu hỏi đặt ra là, học sinh sẽ học được gì từ cách dạy đó của nhà trường, thầy cô và gia đình??? "Cô đánh trò tất nhiên là cô sai nhưng cũng không thể đổ lỗi hết cho thầy cô, nhà trường được mà trách nhiệm rất lớn thuộc về cha mẹ đã phó thác con cho nhà trường. Cha mẹ chưa biết nói chuyện với con những câu chuyện rất sâu sắc, giáo dục con những bài học bằng chính những va chạm đời thường con gặp phải trong cuộc sống" - chị H chia sẻ.

Tôi thấy ở con khi lên lớp thầy cô chỉ biết dạy kiến thức nên việc giáo dục nhân cách con người thì trước hết phải từ gia đình. Ngoài việc dạy con ở nhà nên khéo léo dõi theo con cả khi con đến lớp. Đó là cách tốt nhất để hiểu và dạy con.

Theo quan điểm của chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một kiến trúc sư thì việc thầy cô chửi mắng hay đánh đập học sinh cũng cần nghiêm cấm tuyệt đối. "Lạt mềm buộc chặt", không dùng đòn roi nhẹ nhàng chỉ bảo lại đạt hiệu quả hơn. Từ những vụ việc lùm xùm xảy ra thời gian gần đây, chúng ta thấy rõ nhìn từ góc độ nào nền giáo dục của chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Thầy cô có quyền chỉ dạy học sinh nhưng không có quyền lăng mạ hay hành hạ.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá nuông chiều con, khi học sinh sai thầy cô có lỡ mắng thì bố mẹ cũng không nên dung túng, làm rùm beng. Nhân cách trẻ ảnh hưởng đầu tiên từ gia đình, bố mẹ khi nổi nóng, bênh vực con, trẻ nhỏ sẽ nhìn vào đó để học hỏi và được đà lấn tới. Một thực tế đang diễn ra trong ngành giáo dục là "con nhà có tiền, có quyền ngu mấy cũng giỏi, con nông dân thì giỏi mấy cũng là nông dân". Ngay việc đó cũng làm tư tưởng nhiều học sinh tiêu cực.

Con thích gì cho nấy là dạy con hư!

"Đối với trẻ nhỏ, dùng roi đòn hà khắc sẽ làm cháu sợ hãi, ảnh hưởng tinh thần cũng không nên, nhưng quá nuông chiều "thích gì có nấy" cũng sẽ làm trẻ hư. Cách tốt nhất là chỉ dạy bằng sự phân tích tình cảm, chọn việc phù hợp và dạy cho con làm từ khi còn nhỏ".

 

Chị Hoàng Thị Đình

 

Chị Hoàng Thị Đình quê Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có hai đứa con gái đang học tại các trường xã. Hai vợ chồng đều là lao động tự do đi làm xa nên ít thời gian thì phải biết tranh thủ thời gian tâm sự, chia sẻ với con. Cả ngày, chỉ có bữa cơm tối gia đình mới được quây quần, chị mới có thời gian cho con ăn, rồi dạy cháu học. "Đứa lớn còn hiền lành, đứa nhỏ mới 4 tuổi nhưng bướng bỉnh lắm! Nhưng cũng tùy từng lúc mà dạy dỗ, quá lắm thì quát mắng chứ dùng đòn chưa chắc cháu đã hiểu được. Lớn thêm chút nữa thì dạy cháu làm những việc nhỏ, giờ cháu lớn nhà tôi đã biết nấu cơm, dọn dẹp, làm được nhiều việc lắm rồi! Biết làm việc và tự lo việc trẻ sẽ ngoan hơn". 

Đối với trẻ nhỏ tránh dùng roi vọt, đòn đau sẽ ám ảnh và nhớ lâu, nhưng nuông chiều quá trẻ cũng sẽ hư. "Con gái út của tôi bướng bỉnh, đi lớp nhiều khi cô giáo cũng không nói được. Nhưng không nghe lời thì cô giáo phạt úp mặt vào tường, nhận lỗi rồi khi đón con cô cũng nhắc để phụ huynh biết để về tâm sự với con. Với trẻ con mà cô giáo làm căng quá chúng nó cũng không dám lên lớp, không muốn đi học, khi đó sẽ có biểu hiện khác thường nhận thấy ngay. Thầy cô và phụ huynh phải có sự liên kết" - chị Đình chia sẻ. 

Một ngày các cháu học trên lớp nhiều thời gian thật nhưng các thầy cô tập trung dạy kiến thức, không thể ỷ lại hết việc dạy dỗ con cho thầy cô được. Còn việc đạo đức của đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục của gia đình. Trong thời gian qua có nhiều vụ việc thầy cô giáo phạt nặng học sinh, tôi rất bất bình về kiểu giáo dục bạo lực đó.

Giáo dục con cái rất quan trọng nhưng để tìm được phương pháp dạy hợp lý thì lại là cả vấn đề. Trên thực tế, các bậc phụ huynh đang rất lúng túng trong việc dạy con. Một phần vì không có thời gian, phần nữa việc "dạy con đã giao nhà trường lo" và số đông thì loay hoay chưa tìm cách dạy hợp lý. Trong khi đó, nhà trường thì chỉ dạy kiến thức chứ chưa thực sự quan tâm đến việc dạy người.

  • Hường Lê
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn