Thi hoa hậu không hề tiếp tay cho người đẹp bán dâm

06:36, Thứ sáu 08/06/2012

( PHUNUTODAY ) - Qua sự việc người đẹp bán dâm và môi giới mại dâm trong thời gian qua chính là lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý chúng tôi cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra...

"Qua sự việc người đẹp bán dâm và môi giới mại dâm trong thời gian qua chính là lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý chúng tôi cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động này", NSƯT Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết xung quanh vụ việc các người đẹp trong các cuộc thi sắc đẹp đã tham gia vào đường dây bán dâm và môi giới mại dâm.

Lẫn lộn "hoa hậu bán dâm" với "hoa hậu sạch"!

PV: Dư luận đang đặt câu hỏi nghi vấn rằng, càng ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp, từ cấp quốc gia cho đến vùng, miền trên cả nước nhưng mục đích nhằm tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam lại đi theo chiều ngược lại: càng ngày càng có nhiều scandal, gần đây nhất là những vụ người đẹp bán dâm, môi giới mại dâm....Là cơ quan quản lý, cấp phép, Cục đánh giá hiện tượng này ra sao và có những biện pháp gì để khắc phục?

Ông Vương Duy Biên: Theo tôi, tất cả các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu mà Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phần lớn là đúng tiêu chí, tôn vinh cái đẹp, tâm hồn trí tuệ của các người đẹp và cũng chưa có cuộc thi nào đi ngược lại tiêu chí này cả.

Tuy vậy, cũng có cuộc thi này tuyển chọn hoa khôi, hoa hậu, người đẹp tốt, cuộc thi khác tuyển chọn chưa tốt. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Khi đọc được thông tin những người đẹp bị bắt quả tang mua bán dâm tôi thấy buồn vì bị ảnh hưởng trong lĩnh vực mà mình quản lý. Đó là những con sâu bỏ rầu nồi canh. Hiện tượng không phải là phổ biến nhưng tự nhiên thành cái để dư luận dễ so sánh, đánh đồng và ảnh hưởng đến các người đẹp có danh hiệu hoa hậu khác.

Hơn nữa, từ vụ việc này, người đẹp nào có danh hiệu cũng đều bị nghi ngờ và có cái nhìn ác cảm với các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp.

Vậy nên, những trường hợp người đẹp bán dâm, môi giới mại dâm thì pháp luật phải xử lý nghiêm để không làm ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ chân chính.
 

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

PV: Một số cuộc thi na ná nhau về nội dung và hình thức. Nói trắng ra là "cắt dán", "xào xáo", các mảng miếng của nhau khiến người xem thất vọng vì không tìm thấy "cái riêng" của mỗi cuộc thi. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của các cuộc thi hoa hậu hiện nay?

Ông Vương Duy Biên: Có thể nói, đây là một hoạt động đặc thù, thực ra không phải riêng chúng ta mới tổ chức như vậy mà thực tế qua theo dõi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, hình thức, nội dung tổ chức cũng tương tự.

Chúng ta mong muốn và khuyến khích các cuộc thi tổ chức tại Việt Nam nên có những sáng tạo mới và có nét riêng của bản sắc văn hóa Việt Nam.

PV:  Hiện tại đang diễn ra tình trạng loạn danh hiệu hoa hậu, người đẹp đăng quang cấp tỉnh, địa phương, ngành cũng được gọi là hoa hậu, tương đương với danh hiệu hoa hậu cấp quốc gia. Làm thế nào để tránh tình trạnh nhập nhằng đánh lận con đen này?

Ông Vương Duy Biên: Trong điều 2 của quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp của Bộ VHTTDL ban hành tháng 12/2008 đã nêu rất rõ: Thí sinh đạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa hậu toàn quốc được trao danh hiệu hoa hậu, á hậu.

Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa khôi được trao tặng danh hiệu Hoa khôi, á khôi. Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi Người đẹp được trao tặng danh hiệu Người đẹp thứ nhất, người đẹp thứ hai.

Quả thực cho đến nay, tôi cũng chưa xác định được ai khoác lên những danh xưng như thế cho các người đẹp? Chính các cô ấy tự nhận? hay dư luận vô tình hoặc cố tình phong cho họ? Để xác định được chính xác danh xưng của các người đẹp này, vai trò của báo chí là rất quan trọng.

Thực tế để xảy ra chuyện này một phần chính là lỗi của truyền thông. Nhiều phóng viên đã tự nhiên phóng đại cho người đẹp đó danh hiệu hoa hậu để tin bài hót hơn.

Tôi được biết, hàng loạt các người đẹp Mỹ Xuân, Lê Thị Yến Duy, Trần Thị Hoa bị bắt vì bán dâm chỉ là các người đẹp của các địa phương chứ không phải là hoa hậu, hoa khôi.

Chúng tôi mong báo chí phản ánh chính xác để danh hiệu của những người chân chính không bị ảnh hưởng. Người đẹp này ở đâu, là ai, đạt được danh hiệu gì, các cơ quan báo chí phải nêu đúng.

Hơn nữa, các cuộc thi ngành, địa phương do Sở VH-TT-DL cấp và quản lý. Vì thế, nếu có cuộc thi nào có sai phạm, thì Sở VH-TT&DL tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Sai phạm đến đâu thì đã có mức xử phạt tương xứng.

PV: Có ý kiến cho rằng, chúng ta mở ra các cuộc thi hoa hậu là tiếp tay cho các người đẹp đi đến con đường bán dâm. Nói cách khác là tuyển gái đẹp cho đại gia mua dâm. Bằng chứng là hàng loạt các người đẹp trong các cuộc thi như Mỹ Xuân, Lê Thị Yến Duy, Trần Thị Hoa đã bị công an bắt về tội mua bán dâm. Ý kiến của cơ quan quản lý về chuyện này như thế nào?

Ông Vương Duy Biên: Nói như thế là không chính xác. Nhiều cuộc thi sắc đẹp chính thống đã có những hiệu quả nhất định trong việc phát huy giá trị văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam…

Có những người đẹp đoạt được giải thì đó là vinh dự của bản thân, rồi dùng uy tín, danh hiệu ấy để hoạt động nghệ thuật, hoạt động xã hội.

Tuy nhiên còn có những hoạt động chưa đúng định hướng đó là “tôn vinh giá trị chân - thiện - mỹ”. Một số nhà tổ chức đặt mục tiêu kinh tế cao hơn các giá trị khác và có một số người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp với mục đích không đáng hoan nghênh, để tiến vào con đường bán thân, để làm giá cao hơn.

Nhưng các cuộc thi này hầu hết là các hoạt động không chuyên nghiệp, không phải là các cuộc thi chính thống.

Theo tôi không nên vội vàng quy chụp, chưa khách quan. Có 1,2 trường hợp rồi quy ra tất cả, rồi đánh đồng với những hoa hậu như Ngô Phương Lan, Ngọc Hân... đã làm được rất nhiều việc tốt cho cộng đồng, cho xã hội.

PV: Sau vụ việc lần này Cục nên mở rộng thêm hay nên siết chặt các cuộc thi hoa hậu? Cụ thể là như thế nào?

Ông Vương Duy Biên: Như tôi đã nói ở trên, hiện nay các cuộc thi sắc đẹp nói chung được quản lý rất chặt chẽ từ khâu tuyển sinh đến khâu tổ chức.

Tất nhiên qua sự việc người đẹp bán dâm và môi giới mại dâm trong thời gian qua chính là lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý chúng tôi cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động này.

Và sau Nghị định về quản lý biểu diễn, chúng tôi sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn nữa về quy định tổ chức hoa hậu, hoa khôi, người đẹp và hạn chế thấp nhất các sai phạm có thể xảy ra.

Cụ thể, việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa khôi thì trách nhiệm của BTC trước, trong và sau khi diễn ra cuộc thi như thế nào và trách nhiệm của người người đẹp tham gia cuộc thi trước, trong và sau khi tham dự cuộc thi như thế nào?

Đầu tiên, người đẹp nào cũng phải thực thi trách nhiệm công dân của mình. Đã vi phạm pháp luật thì ở cương vị nào, danh hiệu nào thì cũng bị xử lý.

Ngoài ra, để chặt chẽ, không xảy ra sai phạm, ngoài cơ quan quản lý ngành, các cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chủ quản, quản lý các thí sinh, môi trường sống của họ. Tăng cường quản lý và giáo dục, trao dồi những phẩm chất sự tự giác cho các người đẹp.

Xin cảm ơn ông!
 

Lẫn lộn "hoa hậu bán dâm" với "hoa hậu sạch"!

 

  • Phạm Lý (thực hiện)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc