Thịt ngoại giá rẻ tấn công thị trường Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - Số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp, chỉ trong 2 tháng đầu 2018, dân Viêt đã chi hơn 8,88 triệu USD cho bò nhập từ Mỹ và 6,62 triệu USD cho bò nhập từ Úc.

Hai thị trường là nguồn cung thịt bò lớn nhất và quen thuộc cho thị trường Việt đã “hút” ví của người tiêu dùng Việt hơn 15 triệu USD (khoảng 280 tỷ VND) chỉ trong 2 tháng đầu năm mới 2018 này. Số liệu của năm 2017, 2 thị trường này đã khiến Việt Nam bỏ ra lần lượt 56,22 triệu USD và 31,49 triệu USD để nhập 2 loại bò ngoại phổ biến này.

Xét về chủng loại, bò Mỹ là loại đông lạnh, nhập về Việt Nam rồi được thái lát mỏng, nhỏ theo từng khay, được bán rộng rãi tại các siêu thị trên toàn quốc hoặc các nhà hàng chuyên kinh doanh đồ nhập ngoại. Loại bò Mỹ được sử dụng nhiều ở Việt Nam bao gồm ba chỉ, bắp, thăn, gầu, dẻ sườn, lõi vai...

Ngược lại, bò Úc thường là loại bò tươi hoặc bò nguyên tảng được cấp đông. Loại thịt được dùng nhiều nhất là thịt bắp, thịt đùi và thịt vai.

Ba chỉ bò Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường Việt

Ba chỉ bò Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường Việt

Hiện nay thị trường gần như được đánh giá là “loạn” khi thịt bò ngoại tràn lan và phủ sóng trên tất cả các kệ siêu thị, cửa hàng, thậm chí là kinh doanh online. Loại bò phổ biến nhất phải kể đến ba chỉ bò nhập từ Mỹ. Giá cả rất rẻ, chỉ từ 150.000-250.000đ là bạn có thể sở hữu 1 kg bò loại này.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn nghi ngại về loại bò này vì giá chỉ rẻ bằng khoảng 1 nửa so với bò tươi trong nước. Họ nghi ngờ đây là loại hàng cận “đát”, sắp hết hạn nên được đẩy về Việt Nam.

Không chỉ bán trực tiếp, bò Mỹ còn được rao bán trên các trang kinh doanh trực tuyến (ảnh: vov)

Không chỉ bán trực tiếp, bò Mỹ còn được rao bán trên các trang kinh doanh trực tuyến (ảnh: vov)

Bò rẻ như vậy, nhưng đùi gà Mỹ còn có giá rẻ đến giật mình hơn. 1kg đùi gà Mỹ chỉ có giá rơi vào khoảng 10.000 tới 20.000đ. Tính từ đầu năm 2017 tới hết 15/3/2018, tổng lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 22.500 tấn các loại, tương đương trị giá 19,8 triệu USD. Tính ra, trung bình 1kg gà nhập chỉ có giá khoảng 0,88USD, tương đường 20.000đ. Xuất xứ các loại gà này là từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc là chủ yếu.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, do nhiều nước phương Tây như Mỹ chỉ sử dụng ức gà là chính nên giá bộ phận này là đắt nhất. Do đó, các sản phẩm cổ, cánh, chân, đùi, lòng gà...được bán sang thị trường châu Á, nơi ưu chuộng các bộ phận này với giá rẻ hơn hẳn.

Tuy nhiên ông này cũng cảnh báo, những loại gà có giá rẻ giật mình, dưới 10.000đ/kg cũng có thể là loại hàng sắp hết hạn, được các doanh nghiệp lách luật nhập về hoặc qua đường buôn lậu.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y khẳng định trong một cuộc họp báo mới đây của Bộ NN&PTNT rằng các mặt hàng gia súc, gia cầm, trong đó có bò nhập và đùi gà nhập đều phải qua các khâu kiểm soát vô cùng chặt chẽ.

Gà Mỹ giá rẻ được bán rộng rãi ở các siêu thị

Gà Mỹ giá rẻ được bán rộng rãi ở các siêu thị

Những cơ sở, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm nước ngoài muốn xuất sang Việt Nam phải gửi hồ sơ cho các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, thẩm định về chất lượng an toàn thực phẩm mới được chấp thuận ký hợp đồng với công ty phân phối để cập cảng.

Đồng thời, 100% các lô hàng đông lạnh khi nhập khẩu vào các cửa khẩu thì sẽ không áp dụng hình thức hậu kiểm mà sẽ được lấy mẫu kiểm tra về hóa học, vi sinh, nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Khi kiểm tra mẫu hàng, nếu phát hiện có vi phạm về an toàn và dịch bệnh sẽ bị phạt tiền, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cho rằng, khi thịt ngoại đang “tấn công” Việt Nam dữ dội với giá thành rất rẻ thì doanh nghiệp Việt giờ mới đang chập chững làm tiêu chuẩn an toàn thì vừa tốn kém vừa tốn thời gian. Bà cũng quan ngại, nếu cơ quan chức năng không hỗ trợ thì việc chạy đua giá cả sẽ là bài toán rất khó với doanh nghiệp trong nước.

So sánh giá bán một số bộ phận của gà nội địa và gà ngoại nhập (ảnh: Tấn Đạt)

So sánh giá bán một số bộ phận của gà nội địa và gà ngoại nhập (ảnh: Tấn Đạt)

Theo khuyến cáo của các chuyên gia của EuroCham trong Sách trắng 2018, để tiếp tục cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, cần rà soát các quy định hiện nay và tạo ra một chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm giá trị cao. Điều này bao gồm hoạt động xây dựng các cơ hội tiếp cận thị trường mới, giảm thiểu kháng sinh và sự phụ thuộc của ngành vào nguyên liệu nhập khẩu, Sách trắng 2018 nêu rõ.

“Việt Nam cần xây dựng hệ thống nhận diện vật nuôi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và khả năng xuất khẩu của Việt Nam.”, chuyên gia của EuroCham nhấn mạnh.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn