Tuần qua, người tiêu dùng phải tiếp tục lo lắng vì thịt lợn thối ngâm hóa chất, BigC bán gà nhái, kẹo bẩn, rượu độc, thịt thối…
[links()]
Thịt lợn ngâm hóa chất
Tuần qua, sau khi Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) có hướng dẫn người dân cách lựa chọn thịt lợn an toàn. Chúng tôi đã thâm nhập thị trường, và ghi nhận hiện nay có nhiều tiêu thương bán thịt lợn đang dùng nhiều loại hóa chất tẩy rửa để biến thịt thối thành thịt thơm, qua mắt người tiêu dùng.
Phổ biến nhất là bột săm pết, loại hóa chất cực kỳ độc hại nằm trong danh mục cấm của Bộ Y tế, nhưng nó bán không quá kín đáo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), giá chỉ 60.000 đồng/kg.
Thịt lợn thối ngâm hóa chất (trái) không khác gì thịt mới mua. |
Sau khi để miếng thịt 3 ngày cho bốc mùi hôi thối, phần mỡ chuyển sang màu vàng, chúng tôi pha 1 thìa bột săm pết vào nước và nhúng miếng thịt vào, chỉ 2 phút sau, miếng thịt đã thay đổi, trở nên mềm, màu sắc tươi mới. Ngay cả màu vàng trên mỡ cũng biến mất, mùi hôi của thịt cũng không còn.
BigC Thăng Long bán gà ‘nhái’ Yên Thế
Câu chuyện về gà đồi Yên Thế tiếp tục làm nóng dư luận. Kể từ khi Hà Nội ký với Bắc Giang cung ứng “Gà đồi Yên Thế” cho người dân Thủ đô ăn đã có khá nhiều câu chuyện vừa lý thú, kỳ lạ và xen lẫn chút bi hài xảy ra.
Như: Cách để phân biệt gà Yên Thế; nghi án gà Yên Thế lấy con giống từ Trung Quốc; giá gà Bắc Giang tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước; nhà quản lý đau đầu vì không biết dán tem, đóng mác chứng nhận vào đâu, người bảo vào chân, người bảo dán tem, người nói kẹp chì, có người vui tính còn nêu sáng kiến đóng dấu lên phao câu… Chốt hạ, nhà quản lý chọn cách đóng mác lên lồng, xe chở gà và phân biệt bằng màu lông. Còn cụ thể sao thì chưa nhà báo nào được chứng kiến nên phần này còn khuyết thông tin.
Tuần qua, gà Yên Thế lại nóng khi Công ty Cổ phần Giang Sơn phát đơn khiếu nại việc Siêu thị BigC Thăng Long bán gà nhái “Gà đồi Yên Thế”. Vì tới nay Công ty này là đơn vị được Bắc Giang cho độc quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế”, và công ty không hề cung cấp gà Yên Thế cho siêu thị BigC.
Gà Yên Thế nhái bán tại siêu thị BigC bị kiện. |
“Gà đồi Yên Thế” bán tại BigC cũng có giá khá mềm, chỉ 120.000 đồng/kg, trong khi tại các siêu thị khác gà đồi Yên Thế do Công ty Giang Sơn cung cấp có giá tới 150.000 đồng/kg.
Tới đây người viết chợt nghĩ tới câu chuyện độc quyền trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bấy lâu nay gây bao bức xúc cho người tiêu dùng. Giờ tới con gà Yên Thế cũng đang được độc quyền cung cấp. Lại tự hỏi, phải chăng vì thế mà giá gà Yên Thế tăng chóng mặt. Trở thành sản phẩm gà “hot” nhất thị trường, dù tới nay chưa ai dám khẳng định nó hơn các loại gà khác ở điểm nào, tiêu chí đánh giá cũng chưa được công bố cụ thể, nhưng thị trường đã bắt đầu loạn.
Bánh nhái, mứt bẩn 'chạy đua' đón Tết
Những ngày gần đây, các làng nghề làm bánh, mứt phục vụ Tết đang chạy đua với thời gian để sản xuất hàng phục vụ nhu cầu thị trường. Nhưng chất lượng sản phẩm hầu như không ai kiểm soát, với “3 không”: Không nhãn mác, không hạn sử dụng, không ngày sản xuất. Như làng nghề bánh, kẹo Dương Liễu, La Phù (Hoài Đức, Hà Nội); làng nghề làm mứt xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội)…
Công nghệ chề biến xin được tóm lược ngắng gọn như sau: Sắn thu mua về, được rửa qua loa rồi nghiền thành bột, đóng thỏi như viên gạch, rồi chuyển qua lò nấu nha. Muốn cho bột sắn phân hủy thành đường, người ta cho vào bột sắn một loại hoá chất không rõ nguồn gốc. Ngoài ra còn có thêm hóa chất tẩy trắng, cứ mỗi 10kg sẽ được hắt vào một muôi thuốc tẩy trắng. Sau đó nha sẽ được cho vào lò để chế biến bánh kẹo. Còn các dây chuyền, nồi đun nấu… cáu bẩn không ai cọ rửa là chuyện không lạ.
Chở kẹo 3 không đi tiêu thụ. Ảnh Dân Việt. |
Mặt hàng chủ lực của các lò nơi đây là kẹo cứng mang hương vị chanh, cam, nho, ổi, lạc… cũng có một số mặt hàng kẹo mềm, mè xửng Huế, thậm chí cả sô cô la loại hảo hạng. Sau đó được đóng thùng xuất ra thị trường.
Còn tại TP. HCM, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 7,3 tấn kẹo Durukan (hơn 10.000 hộp) do Thụy Sĩ sản xuất đã hết hạn từ 9/12/2012, nhiều hộp kẹo trong số đó đã bị chảy nước, biến dạng, bốc mùi khó chịu. Ngoài ra còn gần 4.000 hộp bánh hiệu Ritaz nhập từ Malaysia đã hết hạn sử dụng. Thử mở một hộp bánh hiệu Ritaz, bên trong chỉ là bánh quy bèo nhèo trông như hàng xá (loại bánh bán theo ký, không có nhãn mác, bao bì) của Trung Quốc.
Rượu rởm hoạt động hết công suất
Còn tại “thủ phủ” rượu rởm Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) cũng sôi động không kém. Ở đây khách muốn rựơu gì cũng có, từ rượu ngô, sắn, gạo, nếp cái hoa vàng. Thậm chí cả các loại vang, nho, rượu tây…
Tùy giá tiền mà chất lượng rượu sẽ được thay đổi cho phù hợp, rượu sắn giá 8.500 đồng/lít, rượu gạo giá 15.000 đồng/lít, rượu nếp cái hoa vàng thì 30 - 37.000 đồng/lít. Giá thành của mỗi một loại rượu sẽ được giảm đi một giá khi độ rượu giảm xuống 1 - 2 độ. Mỗi ngay, trung bình một lò ở đây cũng cấp từ 1-2 tấn rượu cho Hà Nội.
Pha chế cồn thành rượu tại xã Tam Đa. Ảnh Dân Việt. |
“Vừa qua, cơ quan chức năng đã lấy 3 mẫu rượu sắn, rượu ngô, rượu gạo để phân tích. Kết quả, 2 mẫu không đạt chất lượng cho phép, đều chế biến từ cồn thực phẩm pha nước lã. Nếu dùng nhiều, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp, nguy hiểm tới tính mạng”, ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết.
Ông Minh nói vậy, biết vậy, nhưng chính quyền địa phương thì không có động thái gì để xử lý, và những lò rượu “độc” này vẫn hằng ngày đưa ra thị trường hàng ngàn lít rượu kém chất lượng để người dân dùng.
Lò sản xuất gia vị lậu cực lớn
Ngày 22/1, lực lượng chức năng Bình Dương đã phát hiện một cơ sở chế biến hàng loạt gia vị thực phẩm lậu trên quy mô lớn tại thị xã Thuận An (Bình Dương). Cơ sở này sản xuất 10 loại gia vị khác nhau, với số lượng lớn, không giấy phép. Với gần 12.500 chai giấm tinh luyện các; hơn 3.000 chai sa tế lẩu bò và lẩu thái; hơn 1.000 lọ tương; gần 1.500 chai dầu mè, cùng hàng trăm chai mắm nêm, mắm ruốc Huế…
Tiêu hủy 12 tấn chân trâu bò thối
Sáng 22/1, đoàn kiểm tra liên ngành Trạm thú y quận Thủ Đức (TP.HCM) đã kiểm tra và phát hiện 1 container đông lạnh loại 40 feet chứa đầy chân trâu bò đã biến chất, bốc mùi. Chủ hàng khai nhận lô hàng có khối lượng 12 tấn, được thu mua từ nhiều nơi, sau đó bán lại cho các quán ăn, quán nhậu lớn nhỏ tại TP. HCM.
Container chứa 12 tấn chân trâu, bò thối bị thu giữ. Ảnh TNO. |
Bộ Y tế thưởng lớn cho bệnh viện dùng thuốc nội
Năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã gây lắm vụ sốc, nhưng có lẽ chưa thấm vào đâu so với Bộ Y tế, với hàng loạt vụ việc khiến người dân bất ngờ, như chống tiêu cực theo cách “cứ chụp ảnh bác sĩ nhận phong bì rồi cầm đến cho tôi”; cấm bán thịt sau giết mổ quá 8 tiếng; hướng dẫn mua thịt, cá, rau an toàn; quản lý thức ăn đường phố; đột ngột, âm thầm tăng giá viện phí…
Và mới nhất là cuộc vận động “Bệnh viện Việt dùng thuốc Việt”, đi kèm với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Cụ thể, ngày 22/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tuyên bố: “Sẽ thưởng mạnh cho bệnh viện nào có tỷ lệ dùng thuốc nội cao nhất”.
Vì có thực tế, tỷ lệ dùng thuốc nội của các bệnh viện tại Việt Nam mới đạt 47%, ở các bệnh viện Trung ương chỉ đạt 10-20%. Việc dùng thuốc ngoại giá cao khiến chi phí chữa bệnh đè nặng lên vai người dân. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện đạt 60%.
- Phạm Thanh