Đời sống) – Lãnh đạo Bộ Xây dựng nói rằng chỉ cần thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng sẽ có thể trả được tiền vay mua nhà. Nhưng nếu tính toán các chi phí, thì đấy là điều không hề đơn giản.
[links()]
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ giúp người có thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội đã chính thức được tung ra, với mức lãi suất tối đa 6%/năm trong vòng 10 năm.
Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trên tờ VNE, những người được xem là thu nhập thấp là mức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, vì từ 9 triệu đồng một tháng trở lên là phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vay tiền mua nhà có thể khiến "người thu nhập thấp" lâm cảnh nợ nần? Ảnh: VnEconomy. |
Theo điều tra xã hội học, tại Hà Nội và TP. HCM, thu nhập bình quân của một gia đình là 180 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 15 triệu/tháng.
“Theo cách tính của thế giới, mỗi gia đình phải dành khoảng 30% thu nhập cho vấn đề nhà ở. Do đó, hộ gia đình thu nhập 18 triệu đồng/tháng sẽ có tối thiểu nguồn quỹ 5,4 triệu để lo việc trả nợ gốc và lãi”, ông Nam nói.
Vị Thứ trưởng này lấy ví dụ, giả sử gia đình này vay mua một căn hộ 50m2 với giá 600 triệu, họ phải có sẵn 20% (tương đương 120 triệu đồng) và cần vay ngân hàng 480 triệu đồng trong 10 năm. Với lãi suất 6%/năm, bình quân mỗi tháng, gia đình phải trả 4 triệu gốc và hơn 2 triệu tiền lãi. Như vậy, với tối thiểu 30% thu nhập của mình, gia đình này có thể trả nợ được.
Đấy là tính toán của ông Nam, nếu vay tiền của gói hỗ trợ để mua nhà, người thu nhập thấp phải dành tối thiểu 6 triệu để trả nợ ngân hàng, đấy là một khoản tiền không hề nhỏ với “người thu nhập thấp”.
Chúng ta thử đặt một phép tính đơn giản thế này, với trường hợp gia đình thu nhập hai vợ chồng đủ 18 triệu đồng/tháng, sẽ phải mất 5 triệu tiền ăn uống, 3 triệu tiền thuê nhà, 1 triệu xăng xe (xe máy) đi lại, với một đứa con nhỏ mỗi tháng mất 3 triệu (gồm sữa, quần áo, thuốc men…), các chi phí khác như điện thoại, điện, nước, ga, intrernet… khoảng 2 triệu, tính tổng những chi phí cơ bản này là 13,5 triệu đồng/tháng. Sẽ còn dư ra 4,5 triệu, nhưng chưa tính các chi phí phát sinh như tiền hiếu, hỉ, quà cáp thăm nom người thân…
Nếu gia đình nào mua được các căn hộ đã xây dựng xong vào ở luôn, thì có thể được vì mỗ tháng bớt được khoản 3 triệu thuê nhà, nhưng những dự án như thế không nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu. Còn với những dự án đang xây dựng, kế hoạch phải 1, 2 năm tới mới xong thì thực sự không hề đơn giản để mỗi tháng có 5-6 triệu đồng trả vay mua nhà.
Còn với cán bộ công chức trẻ, với những vị trí chỉ là chuyên viên, ăn lương theo bằng cấp thì việc vay mua nhà kể ra còn bất khả thi hơn, với bằng cử nhân, hệ số lương 2,34, tính ra mỗi tháng là gần 2,5 triệu đồng. Cộng thêm các khoản phụ cấp và các chi phí khác có được thì mỗi người khoảng 5 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng 10 triệu đồng thì tiền để duy trì cuộc sống hằng ngày đã khó nói chi tới mua nhà, và căn nhà vẫn chỉ là ước mơ.
Và nếu mua, không trả được thường xuyên như trên, để dồn lại một vài tháng, thì số tiền sẽ không hề nhỏ, khả năng trả nợ càng khó khăn hơn. Lúc đấy, người vay tiền mua nhà sẽ thực sự ôm nợ, nếu không trả được, căn nhà đó sẽ thuộc về ngân hàng (vì được đem ra thế chấp để vay vốn mua). Và lời cảnh báo của các chuyên gia sẽ linh ứng, khi người thu nhập thấp bị rơi vào cái “bẫy” vốn vay. Từ chỗ cứu bất động sản đã đẩy người thu nhập thấp vào chỗ nợ nần, túng quẫn.
- Phạm Thanh