"Với tư cách là người theo dõi thị trường xăng dầu, tôi cho rằng quyết định điều chỉnh giá xăng dầu của Bộ Tài chính là hợp lý" - Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết.
[links()]
Giá bán lẻ xăng RON 92 sẽ tăng lên mức 24.580 đồng/lít, giá dầu diesel lên 21.912 đồng, kể từ 20h ngày 28/3. |
"Lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất là ngày 28/8/2012. Kể từ đó đến nay, giá xăng dầu thế giới đã tăng trong thời gian dài.
Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bình ổn giá xăng dầu trên thị trường, Bộ Tài chính đã quyết định cho các doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá để bình ổn. Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục duy trì thuế ở mức thấp và đồng thời giảm một số chi phí định mức trong công thức tính giá.
Nhờ những biện pháp trên cho đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường cao hơn giá chúng ta tính toán là khoảng 800 đồng/lít. Tuy nhiên đến nay, Quỹ bình ổn giá đã hết. Nhiều doanh nghiệp thậm chí Quỹ bình ổn giá đã âm, không còn khả năng dùng để bình ổn.
Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bởi vậy cùng với việc rút bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá chúng ta phải tăng giá để bù đắp lại." - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Tú, việc điều hành giá xăng dầu cũng như giá tất cả các loại hàng hóa khác theo thị trường là định hướng một cách nhất quán của Đảng và Chính phủ.
"Trước mắt chúng ta giải quyết các vấn đề sau: Thứ nhất, phải đưa trở lại thuế thông thường đối với sản phẩm xăng dầu. Chẳng hạn như hiện thuế đang là 12% đưa về mức 2% là mức thuế thông thường.
Thứ 2, đảm bảo trích Quỹ bình ổn giá làm sao cho không quá nhiều, cũng không quá ít để bình ổn vào thời điểm giá thế giới tăng.
Thứ 3, đảm bảo cho các chi phí phù hợp với các chi phí thực tế trên thị trường.
Trên cơ sở 3 yếu tố đó, chúng ta phải đưa được giá của chúng ta bằng với giá biến động giá trên thế giới" - Ông Tú nói.
Những điều vô lý
Chiều 28/3, Liên Bộ Tài chính - Công thương bất ngờ có công văn điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kể từ 20h cùng ngày. Theo đó, xăng được điều chỉnh tăng tối đa 1.430 đồng/lít lên 24.580 đồng/lít. Trong khi đó, dầu điêzen tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu madut tăng 807 đồng/kg.
Theo lý giải của Liên Bộ Tài chính - Công thương, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù giá xăng dầu thế giới có tăng hay giảm mạnh thì Bộ Tài chính vẫn cho doanh nghiệp xả quỹ bình ổn để kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.
Cụ thể trước đó, ở mặt hàng xăng DN được bình ổn với mức 2.000 đồng/lít, 800 đồng/lít với dầu DO và dầu hỏa là 1.150 đồng/lít liên tục từ ngày 26/2 đến nay.
Với mức trích đó, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo một nguồn quỹ, sử dụng bù lại khi giá thế giới tăng.
Thực tế, các DN đầu mối xăng dầu lại đang được duy trì mức xả quỹ cực lớn, kéo dài suốt từ cuối tháng 2/2012 đến nay và các DN đang thu lời từ tiền quỹ của người tiêu dùng. Cụ thể, tính đến cuối tuần trước, giá cơ sở trung bình 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh. Mức lỗ của DN đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2/2012) đến nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít.
Như vậy, việc Bộ Tài chính không có động thái giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá so với mức trích hiện nay, hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu đã giúp DN lấy được từ quỹ của dân 1.000 đồng/lít xăng bỏ vào “túi” mình.
Vô lý hơn, giá cơ sở và giá bán lẻ của dầu DO hiện đã tương đương nhau. Dù không lỗ nhưng Bộ Tài chính vẫn cho DN được sử dụng 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Tương tự, do giá nhập khẩu đã xuống thấp nên giá cơ sở trung bình 30 ngày của mặt hàng dầu hỏa chỉ còn cao hơn giá bán lẻ hơn 300 đồng/lít. Nhưng Bộ Tài chính vẫn im lặng, cho DN sử dụng tới 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá nên DN lại được hưởng khoản thừa ra hơn 800 đồng/lít.
Theo ước tính sơ bộ, chỉ riêng mặt hàng xăng và dầu DO, tiền quỹ của dân đóng góp được biến thành khoản lời cho DN ít nhất khoảng 50 tỉ đồng mỗi ngày. Nếu tính cả hai mặt hàng còn lại là dầu hỏa và dầu mazut, khoản lời còn có thể lớn hơn.
Mặc khác, đến khi sử dụng hết nguồn quỹ bình ổn, DN xăng dầu đã "bỏ túi" hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì việc tăng giá xăng dầu lại được thông qua. Suy cho cùng, khi giá xăng dầu thế giới giảm, người dân vẫn phải bỏ tiền bình ổn, còn khi giá xăng dầu thế giới tăng, thì số tiền mà người tiêu dùng phải "gánh" lại càng thêm nặng.
- (Theo ĐVO)